Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

XÓM NÔNG TRƯỜNG - Bút ký PHƯỚC HỘI




    Đó là tên do người dân ở thị trấn đặt cho cụm dân cư nằm bên bờ tây Suối Cạn, thuộc ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.
    Gọi tên là “xóm Nông trường” cũng dễ hiểu, vì trước đây khu vực này thuộc địa bàn Nông trường Thiện Ngôn, một trong số nông trường quốc doanh của tỉnh Tây Ninh, được thành lập từ những năm đầu thống nhất đất nước. Đến thời kỳ đổi mới, nông trường làm ăn thua lỗ rồi giải thể vào năm 1990. Hầu hết cán bộ, công nhân đã “trụ” lại nơi đây, hình thành nên cụm dân cư này.

    Tôi về thăm lại xóm Nông trường khi cơn bão số chín vừa tan. Một chút hoàn lưu bão rơi rớt ở phương nam cũng đủ thành những cơn mưa sủng ướt. Suối Cần Đăng mùa này đang no nước, cuồn cuộn một dòng chảy đục ngầu đổ ra sông Vàm Cỏ. Đường vào xóm đã được lát nhựa, tuy chưa rộng rãi nhưng cũng đủ cho cho giao thông thuận tiện. Nằm cách quốc lộ 22B chừng một cây số, phía sau cái cổng sắt với hàng chữ “ấp văn hoá Thạnh Tây” còn rực màu sơn mới, ẩn trong chòm cây trái xanh rì yên ã, là xóm nông trường.
    Về thăm! Vâng, vì cách đây ba mươi năm, khi còn là chàng thanh niên trẻ trung đầy nhiệt huyết, tôi đã có mặt ở vùng đất này. Ngày đó tôi còn nhớ, nơi đây bạt ngàn rẩy hoang. Người dân Việt kiều từ Campuchia về mang theo tập quán canh tác chặt đốt rừng làm rẩy, trồng một vài mùa lúa, vụ bắp, khi đất hết chất màu là bỏ và cứ tiếp tục như thế. Để lại phía sau dấu chân du canh của họ những thửa đất hoang hoá, mặc cho cỏ Mỹ, lau sậy mọc thành rừng. Bản doanh nông trường nằm cạnh con suối nhỏ. Lơ thơ chục nóc nhà với mái tranh vách đất, vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc cho khoảng ba chục con người, hầu hết đều là cán bộ “khung” từ các nông trường ngoài Bắc được điều động vào. Họ mang theo cả gia đình với nhiệm vụ bám trụ lâu dài để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu trên miền đất mới mẻ này. Những năm sau chiến tranh biên giới tây nam, cuộc sống đã tạm yên, nhưng tàn quân Pôn Pốt vẫn còn quấy phá. Đêm đêm, phụ nữ và trẻ em của nông trường phải di cư sang bên kia suối tạm trú ở các nhà dân. Chỉ còn lực lượng thanh niên và cánh đàn ông ở lại chia nhau canh gác. Ngày ngủ, đêm thức đi tuần tra bảo vệ. Toàn bộ cán bộ công nhân nông trường sống héo hắt chờ đợi kinh phí, máy móc thiết bị cấp trên rót về để đi vào khai hoang sản xuất. Lúc này, tình nghĩa giữa hai xóm ở hai bờ con suối rất chan hoà, thân thiện. Trong khó khăn họ chia nhau từng rổ khoai, mớ rau, con cá; những buồn vui, vất vả trong cuộc sống thường ngày, cả những âu lo về hiểm nguy mà kẻ thù chung  đang  rình rập đe dọa. Thời bao cấp, sản xuất chủ yếu là tự cung- tự cấp, tự sản- tự tiêu, người dân chưa thiết tha với ruộng rẩy. Không ai nghĩ đến chuyện tranh giành đất đai, càng không ai nghĩ lại có ngày họ vác gây gộc, súng, dao đuổi nhau vì những thẻo đất nơi rừng rú hoang vu này.
   Năm 1980, nông trường bắt đầu san ủi những lô đất đầu tiên. Chuyện đền bù công khai phá cho người dân có đất trong khu vực nông trường diễn ra khá dễ dàng và thuận lợi. Mọi người vui vẻ nhận những đồng tiền gần như tượng trưng và giao đất, vì thật ra từ lâu họ chẳng canh tác gì trên đó. Đó là những thửa đất mịt mù cỏ Mỹ, thứ cỏ “quý tộc” có bộ rễ phát triển rất mạnh, tham lam bám vào đất ăn sạch nhanh chóng các chất dinh dưỡng. Những cây trồng yếu thế như lúa, bắp…dễ bị cỏ Mỹ lấn áp không phát triển nỗi. Đến mùa nắng, thân cỏ khô quắn, chỉ cần một mồi lửa là bùng lên cháy rụi, thiêu sạch mọi thứ trên đó và làm kiệt quệ đất đai. Bông cỏ Mỹ nhẹ như những sợi tơ, theo gió phát tán xa hàng trăm cây số, hoặc nằm “ngủ” vài chục năm dưới đất để khi có điều kiện là nẩy mầm. Có điều, vì là “quý tộc” nên chúng chỉ mọc trên những đất còn màu mỡ, đất nghèo kiệt thì không thấy bóng dáng chúng. Trên nông trường, tiếng máy ủi, máy cày, tiếng cưa, tiếng đục ầm ỉ ngày đêm tạo nên một không khí rộn ràng,  nao nức, tràn trề hy vọng về một viễn cảnh đẹp đẻ của tương lai. Rồi mai đây sẽ là những cánh đồng ngút mắt, những nhà máy chế biến nông sản hiện đại, những công trình hoành tráng mọc lên chốn này. Nông trường tuyển thêm công nhân, cán bộ kỹ thuật, xây dựng thêm nhiều nhà ở, phòng làm việc. Bà con, họ hàng, xóm giềng từ ngoài Bắc, Trung, các tỉnh lân cận quen biết với số công nhân, cán bộ nông trường kéo về đầu quân. Nhưng, khi màu xanh của cây mía bắt đầu phủ kín những lô đất mới, nhịp độ sản xuất đang ồ ạt, khẩn trương, thì chuyện tranh chấp đất đai giữa nông trường với người dân địa phương cũng bắt đầu bùng nổ. Diện tích quy hoạch ba ngàn tám trăm hec-ta mà Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng giao cho nông trường chỉ mới nằm trên giấy. Nó thể hiện bằng những đường kẻ vuông vức vô hồn trên bản đồ hành chính từ những năm 1960 của chế độ trước. Còn  trong thực tế, đơn vị không thể xác định chính xác mốc ranh giới. Hiện trạng đất đai cũng đã có quá nhiều biến động. Hầu hết diện tích đất trong quy hoạch đều đã được dân khai thác trồng trọt, sản xuất, thậm chí xây dựng nhà ở trên đó từ lâu. Lúc này, chuyện người dân chặt phá rừng làm rẩy lấn sâu vào những cụm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng lịch sử trên địa bàn huyện đã trở nên trầm trọng. Nhiều chủ trương, biện pháp cứng rắn được ban hành. Khó khăn trong việc sản xuất du canh khiến người dân địa phương quay về bám những diện tích đã khai phá trước đây để canh tác. Khi đất đai bắt đầu có giá trị, nông sản đã thành hàng hoá, thì chuyện người nông dân bám đất để sống là chuyện đương nhiên. Có điều, ở giai đoạn tranh tối tranh sáng của cái gọi là “thời kỳ quá độ”, chúng ta đã ngộ nhận trong việc xác lập quyền sở hữu đất đai giữa Nhà nước, tập thể và cá nhân, khiến chuyện tranh chấp trở nên gay gắt và tạo ra những sự kiện xã hội phức tạp kéo dài nhiều năm. Trong bối cảnh chung đó, nông trường bắt đầu gặp khó khăn khi tiến hành khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt. Nhiều cuộc họp được tổ chức ở nhiều cấp nhằm giải quyết việc đền bù công khai phá, thu hồi đất, hợp tác làm ăn trên diện tích đất giao cho nông trường quản lý, đều không đạt kết quả. Nông trường cương quyết lấy đất, người dân địa phương cương quyết giữ đất. Mối hiềm khích giữa hai cụm dân cư ở hai bờ con suối càng ngày càng quyết liệt. Khi nông trường đưa máy ra san ủi, thì người dân bên này suối lại tụ tập thành nhóm đông người, họ tổ chức uống rượu tập thể để lấy “khí thế”, sau khi đã bừng bừng hơi men, họ mang súng ống, gậy gộc, dao rựa kéo nhau vào ngăn chận không cho nông trường khai hoang, uy hiếp công nhân lái máy, thậm chí bắt người trái phép. Chuyện va chạm giữa thanh niên của hai xóm, chuyện chửi bới, nhục mạ nhau do một số phần tử quá khích kích động xảy ra như cơm bữa. Còn chính quyền địa phương thì bó tay làm ngơ.
   Thật ra, mâu thuẫn chủ yếu xuất phát từ việc tranh giành sở hữu đất đai giữa người dân với tập thể nông trường, còn giữa công nhân và người dân địa phương với nhau trong mối quan hệ vẫn không có gì gay gắt. Xét về bản chất, không có sự khác biệt giữa người công nhân làm nông nghiệp và người nông dân thuần tuý trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu. Cũng bàn tay sần chai với cây cuốc, cái cào, dao, rựa, những dụng cụ sản xuất đơn sơ; cũng nôm na chân chất, hồn hậu quê mùa; cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhọc nhằn mưa nắng. Có khác chăng là người công nhân nông nghiệp sống trong  khuôn khổ tổ chức, họ không chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm mình làm ra. Họ lao động theo định mức khoán, đủ ngày công lao động là đủ lương, còn sản phẩm có tiêu thụ được hay không là chuyện khác. Còn nông dân, họ vừa là người sản xuất vừa là người tiêu thụ sản phẩm, do đó sản lượng, giá cả nông sản ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Có một thời chúng ta đã quá “lãng mạn” khi nghĩ rằng cứ khoác vào bộ cánh công nhân cho người nông dân là họ sẽ trở thành công nhân. Sự chuyển đổi từ giai cấp này sang giai cấp khác là cả một quá trình và phải có điều kiện nhất định. Trước khi là công nhân, họ đã là những người nông dân có gốc gác thâm căn cố đế. Bản chất của người nông dân là tư hữu, vì vậy người công nhân nông nghiệp dù là công nhân nhưng với bản chất nông dân sẽ chẳng bao giờ thiết tha với những cái mà họ cảm thấy không phải là của riêng họ. Đó cũng là lý do vì sao những đơn vị nông nghiệp quốc doanh, trong giai đoạn đó, làm ăn ngày càng thua lỗ. Người công nhân chưa tìm được động cơ gắn bó máu thịt với đơn vị, xí nghiệp mà họ đang sống.
    Năm 1985, một loạt các nông trường quy mô sản xuất nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả được giao về cấp huyện quản lý, trong đó có nông trường Thiện Ngôn. Số cán bộ khung hầu hết xin nghỉ hưu, bám lấy mảnh vườn, ao cá sinh sống cùng đồng lương hưu ít ỏi. Lớp lãnh đạo mới từ huyện điều vào hoàn toàn không có một chút kiến thức và kinh nghiệm gì trong quản lý, họ đánh “võ rừng”. Để rồi hết người này đi người khác đến và để lại cho đơn vị ngỗn ngang nợ nần, rối rắm trong sản xuất kinh doanh. Đến năm 1986, các nông trường, trạm trại trong tỉnh rộ lên phong trào khoán sản phẩm cuối cùng, hợp đồng liên kết làm ăn với tư nhân bằng hình thức chia sản phẩm theo tỷ lệ đầu tư. Công nhân nông trường cũng phải nhận khoán, nhưng điều đáng buồn là họ nhận khoán trên những diện tích đất bạc màu, năng suất thấp, sản lượng thu hoạch không đủ giao nộp, nợ nần chồng chất. Nông trường tiếp tục làm ăn thua lỗ, đến năm 1990 phải giải thể. Hơn hai trăm công nhân nông trường trút bỏ bộ áo quần công nhân nhẹ nhàng như không. Họ lại trở thành người nông dân, chấp nhận cuộc đời ly hương bám trụ trên mảnh đất này để sinh sống và hình thành nên cụm dân cư mới. Với số vốn ít ỏi chắt chiu dành dụm được từ những năm tháng làm công nhân, cùng mảnh đất nhỏ nông trường cấp thay cho tiền trả chế độ nghỉ việc, họ bắt đầu cuộc  sống mới bằng sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó của mình. Một mặt họ làm thuê để có cái ăn hằng ngày, một mặt họ tận dụng chắt chiu từng tấc đất để gieo trồng vạt khoai, luống đậu. Đất đai như cũng đồng cảm với những con người xa xứ, đã cho cây đươm hoa, kết trái, cho cuộc sống nẩy nở sinh sôi.
     Con suối Cạn giờ đã được đào sâu, cơi nới rộng rãi tạo cho dòng chảy thông thoáng. Tình nghĩa người dân hai xóm đã gần lại, chan hoà, thân thiện. Mối hiềm khích cũng dần dần được hoá giải. Rồi tình yêu lứa đôi, sự kết thân của những gia đình với nhau cũng bắt đầu hình thành, tạo mối dây ràng buộc xoá nhoà những đố kỵ ngày xưa. Xóm nông trường giờ đã thành cụm dân cư hiền hoà, yên ã hội nhập vào sức sống mới của cộng đồng. Đất lành chim đậu, dân tứ xứ đổ về an cư lập nghiệp trên mảnh đất này ngày càng đông. Sự phong phú đa dạng về văn hoá, tập quán, cách sống, kể cả ngôn ngữ vùng miền dần dần được trộn lẫn, điều chỉnh để trở thành “bản giao hưởng” nhiều màu sắc và cực kỳ ấn tượng. Số cán bộ “khung” ngày xưa đã vơi đi nhiều, những cụ còn lại cũng yếu lắm rồi. Lứa công nhân đầu tiên nay đã lên ông , lên bà, có kẻ mất, người còn theo quy luật khắc nghiệt của thời gian. Đặc biệt, lớp trẻ thuộc thế hệ thứ hai lớn lên trong nề nếp gia phong còn ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống gia đình công nhân xưa, hầu hết đều đã trưởng thành, chững chạc. Một số đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt hoặc tham gia công tác ở các ban ngành của địa phương, là giáo viên, cán bộ công chức huyện, tỉnh… Anh Nguyễn Minh Tâm – Bí thư ấp Thạnh Tây, thuộc thế hệ thứ nhất trưởng thành từ nơi này, không dấu vẻ tự hào: “Ấp hiện có 10 tổ tự quản với 452 hộ và 1801 khẩu. Diện tích tự nhiên khoảng 980 ha, trong đó có 944 ha đất canh tác. Năm 2005 ấp được công nhận là ấp văn hoá, đến nay đã năm năm liền giữ vững danh hiệu. Thành tích nổi bật của ấp là làm giao thông nông thôn và xây nhà Đại đoàn kết. Như anh biết, ngoài con đường trục chính được trải phún đỏ trước đây do nông trường để lại, thì hầu hết các con đường liên tổ đều ở dạng “nắng cát, mưa ngập”, việc đi lại của bà con rất khó khăn. Nhưng đến nay, các tuyến giao thông nông thôn đều đã hoàn chỉnh, thông thoáng, sạch đẹp với tổng số vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng. Riêng về nhà ở, 86% đã là nhà xây, những nhà tranh tre vách đất tạm bợ nay không còn nữa. Điện thắp sáng phủ trên 90% hộ dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay trong ấp chỉ còn 23 hộ nghèo, đa số là người mới nhập cư.   Còn hầu hết các hộ cán bộ công nhân ngày xưa đều có đời sống kinh tế vững vàng, con cháu trưởng thành có công ăn việc làm ổn định. Một số vươn lên làm giàu, trở thành những tỷ phú nông dân ngay trên mảnh đất này. Trong năm năm qua, ấp đã xây dựng được 29 nhà Đại đoàn kết từ nguồn vận động đóng góp của các mạnh thường quân và nhân dân trong ấp”. Trầm ngâm trong giây lát, anh cho biết thêm: “Được như ngày hôm nay, điều trước tiên phải nói đến vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng. Chi bộ đã tạo được sự đoàn kết nhất trí giữa đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân trong ấp. Đặc biệt, việc nêu cao tinh thần gương mẫu, đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng tiêu cực, nhất là nêu gương tốt trong việc giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống cha ông, nề nếp gia phong của các cụ hưu trí, những đảng viên lão thành đã có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng các phong trào ở địa phương. Trước mắt còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề cần phải tiếp tục phấn đấu, tuy nhiên, bằng trí tuệ tập thể, cùng với việc phát huy mạnh mẽ dân chủ ở cơ sở, ấp Thạnh Tây sẽ quyết tâm giữ vững danh hiệu ấp văn hoá trong nhiều năm nữa”.
    Tôi đưa mắt nhìn lô cao su có đến hàng trăm hec-ta xanh mơn mỡn đang ở thời kỳ thu hoạch sung mãn, anh bí thư cười cười: “Không phải của dân ấp Thạnh Tây đâu. Nhưng các chủ vườn cao su này cũng đã đóng góp rất nhiều cho địa phương, nhất là giải quyết được một số công ăn việc làm cho lao động tại chỗ”. Riêng tôi cứ nghĩ, giá mà những thửa đất ngày xưa từng thấm đẩm mồ hôi của cán bộ, công nhân nông trường lại được chính họ khai thác, canh tác, thụ hưởng thì sẽ hợp tình, hợp lý biết bao. Thật ra họ có quyền như thế, nếu như…    
     Trong thinh không của buổi chiều biên giới, tôi chợt nghe văng vẳng từ kỉ niệm tiếng kẻng tan tầm buông lơi từng nhịp, có cả bóng dáng những người công nhân trong trang phục bảo hộ lao động bước ra từ lô mía, ồn ả nói cười trên đường về nhà. Dù chưa có nhà máy, công trình hiện đại mọc lên nơi đây như trong mơ ước thuở nào, nhưng những gì người dân “xóm nông trường” làm được hôm nay cũng đủ khẳng định bản lĩnh biết vượt qua khó khăn, thích ứng với mọi hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên trong cuộc sống.


Tháng 10/2009

P.H

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét