Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

“LEO NÚI” CÙNG CÔ GIÁO – NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN - Nguyễn Văn Dung


Như con ong cần mẫn hút nhụy hoa để dâng mật ngọt cho đời, Nguyễn Thị Kim Liên vừa dạy học vừa sáng tác thơ. Chị viết cần mẫn, đều đặn. Sau" Ánh đèn phố núi", "Môi ngọt", "Con sông chúng mình". là "Leo núi".
            "Leo núi" tập hợp năm mươi bài thơ là kết quả của một số lần tham gia trại viết của Hội VHNT tỉnh và một số sáng tác trong thời gian gần đây, có thể nói là một tập khá dày dặn.
Mới nghe tên tập thơ, tôi cứ ngỡ chỉ là những bài đề tài về núi. Nhưng khi đọc mới thấy hết sự phong phú đa dạng: có núi, có rừng, có sông, có đồng, có quê hương, mái trường, mẹ... và có cả chồng con. Đề tài nào cũng có những bài thơ,câu thơ xúc động.

Đọc những câu thơ đầu của bài thơ mà chị lấy tên để đặt cho tập thơ, tôi cứ nghĩ Kim Liên viết thơ khá dễ, xuất khẩu thành thơ:
                 Núi Bà Đen thêm một lần leo lên
                 Mồ hôi tươm ra ướt từng chân tóc
                 Ngước mắt trong lên núi cao trước mặt
                Và trời cao xanh thăm thẳm xanh
Bởi chúng ta, có lẽ ai khi leo núi đã trải qua cảm giác như vậy nhưng không thể viết được thành thơ. Chính vì thế mà những câu thơ ấy dễ có sự dồng cảm, chân thật. Và càng chân thật hơn trong tình thân ái đối với những người bạn đồng hành, biết động viên nhau chiếm lĩnh độ cao của núi:
              Những bàn chân giục bước chân
              Dìu nhau những bước tận ngần bên nhau
                                                 ( Ngày xuân Núi Bà)
       Núi là vậy, còn khi đến với rừng, Với cảm quan nhạy bén” Ơ kìa ! Tím biếc cánh hoa mua” chị không chỉ” nghe được lá cây xào xạc..Ngắm cánh hoa mua tím biếc” mà còn “ Gặp lại rừng gắp lại khúc tráng ca/ Rừng hiên ngang trước trùng trùng bão tố”. giữa quá khứ và hiện tại hòa quyện vào nhau.
            Từ núi đến rừng, từ rừng đến đồng là một cảm xúc liền mạch. Khác với núi, rừng, cánh đồng gắn bó với chị từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Nơi đó có cuộc đời lam lũ,một nắng hai sương của cha, của mẹ, của chị, của em...Vì thế chị thật sự xúc động khi được gặp lại:
              Bỗng hôm nay gặp lại cánh đồng xưa
             Cứ rưng rưng và ngực căng hơi thở
             Muốn ôm vào lòng cả cánh đồng màu mỡ
             Cho thỏa bao ngày những nhớ và mong
                                                   ( Gặp lại đồng quê)
Đồng quê là một phần máu thịt của quê hương. Tình cảm đối với quê hương trong “ Leo núi” gắn liền với nỗi nhớ. Một qui luật tình cảm, mà nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát ‘ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” đã có biết bao nhiêu người đồng cảm, biết bao cách thể hiện tình cảm đối với quê hương nhưng Nguyễn Thị Kim Liên vẫn có cách nói riêng:
                       Trảng Bàng ơi ! Trảng Bàng quê tôi !
                       Một lần đi một lần da diết nhớ,
                                                 ( Có xa rồi mới nhớ)
Và chị giải thích nguyên nhân của nỗi nhớ đầy thuyết phục:
                   Mới biết Trảng Bàng thân thiết biết bao nhiêu
                   Có mẹ, có cha cho mình tồn tại
                   Có tình yêu chúng mình vời vợi
                   Cho quê mình thêm lần nữa sinh sôi
Ngoài núi, rừng, đồng quê, quê hương, cũng như những tập thơ trước, Kim Liên vẫn tiếp tục viết về nghề, về mẹ, về cha, về tình yêu, về chồng con...với tất cả tình cảm chân thành và tình yêu nồng thắm. Nhớ về trường xưa, cô giáo – nhà thơ thổ lộ:
                        Nhớ bụi phấn đến xốn xang trong lòng
                                                                   ( Trường xưa )
         Với mẹ, bằng sự từng trải, bằng kinh nghiệm bản thân,chị lòng dặn lòng và cũng là lời dặn dò đối với con đã lớn:
                     Dù rằng hứa hẹn bao nhiêu
               Không bằng làm được những điều mẹ mong.
                                                                 ( Lời con gửi mẹ)
           Trong Leo núi, Kim Liên vẫn tiếp tục tìm tòi sáng tạo về thể thơ, tứ thơ, ý thơ và việc sử dụng từ ngữ. Rất nhiều bài, việc dùng từ đã tạo được những hiệu quả nhất định. Tôi cứ nghĩ về từ ‘ tươm” trong câu thơ "Mồ hôi tươm ra ướt từng chân tóc", về hình tượng của “cuộn chồm uống” trong " Để cho con sóng cuộn chồm uống nhau" và nhiều trường hợp khác.
               Kim Liên đặt tên cho tập thơ này là "Leo núi" thật có ý nghĩa, thể hiện nỗ lực và sự quyết tâm vượt lên chính mình;
    "Lên cao rồi cứ cao thêm chút nữa ...Dẫn núi chon von vẫn sải chân bước tới "
     Và không chỉ có thế, bởi chị biết rằng trong cuộc sống và trên con đường đến với thơ biết bao chông gai, trắc trở...nhưng nào có ngăn cản được ý chí và lòng đam mê, dâng hiến cho cuộc đời, cho nàng thơ đỏng đảnh:
        Vậy mà cứ muốn tan vào cơn bão cuộc đời
        Mưa cứ mưa và gió thì cứ gió
        Giữa đất hoang căng mình ra vạm vỡ
        Chờ đắm trong ngập ngụa trào dâng
                                                            ( Bão)
            Đến Leo núi, Kim Liên vẫn giữ được hồn thơ đằm thắm và có tính triết lý của mình. Tuy chưa có những đột phá táo bạo nhưng đã có bước tiến đáng trân trọng. Tôi thích rất nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu...Nhưng phải kể đến Leo núi, Về Kim Liên (Về thăm quê Bác), Tìm anh, Tuổi chín tìm mình, Có xa rồi mới nhớ, Bão...Tôi tin rằng với tài năng kết hợp với sự cần cù và quyết tâm rất lớn, Kim Liên vẫn còn tiến xa và có những mùa màng bội thu.
Đọc thơ của Kim Liên, đọc tập thơ "Leo núi" tôi thực sự cảm phục và quí mến chị.

Là một giảng viên ở trường sư phạm, tôi hết sức trăn trở với đội ngũ giáo viên Ngữ văn hiện nay. Thực trạng của việc dạy học Ngữ Văn ở phổ thông là hệ quả tất yếu của việc tuyển sinh và đào tạo trong thời gian qua. Đa số thí sinh thi vào ngành Ngữ Văn không có năng khiếu, không có đam mê, thậm chí còn ngộ nhận Ngữ Văn là môn dễ học, dễ dạy ! Chúng tôi đã xoay xở nhiều: khuyến khích sinh viên học đọc, tập viết...nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu. Còn gì “đẹp hơn” hơn khi có một giáo viên dạy Ngữ Văn có năng khiếu và lòng đam mê để truyền cảm hứng văn chương cho học sinh!-Nguyễn Thị Kim Liên có được điều đó. Vì thế cô giáo – nhà thơ Nguyễn Thị Kim Liên là của hiếm, là vốn quí của ngành Giáo dục & Đào tạo Tây Ninh.

Nguyễn Văn Dung
Giảng viên trường CĐSP Tây Ninh

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét