Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Tác giả Tây Ninh và những phong cách sáng tác - Trần Hoàng Vy



Tây Ninh, mảnh đất phên dậu phía Tây của Tổ quốc, bỗng có lúc… ầm ĩ, sôi động với mảng văn học nghệ thuật, từng có giải I báo Văn nghệ của Nguyễn Đức Thiện, giải I báo Sông Hương của Nguyễn Quốc Việt, giải III tạp chí Văn nghệ Quân đội của Nhất Phượng v.v…Tuy số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đếm trên đầu ngón tay (4 người), nhưng số người viết ở dạng “chuyên nghiệp”, cũng khá đông đảo. Nhiều người trong số họ, có tác phẩm thường xuyên góp mặt trên các báo của khu vực phía Nam và cả nước như Khaly Chàm, Vũ Miên Thảo, Nguyễn Quốc Việt, Hồ Chí Bửu, Phan Kỷ Sữu, Nguyệt Quế, Phùng Phương Quý, Đào Phạm Thùy Trang, Nguyễn Quốc Đông (Ngữ Yên), Thiên Kim, Nguyên Hạ, Đặng Mỹ Duyên, Trương Thứ Bảy, Trần Nhã My… 

 
Ít nhiều, những tác giả này, cũng đã hình thành cho mình một lối viết riêng, không trộn lẫn, hình thành một điểm nhấn cá nhân mà giới lý luận phê bình gọi là phong cách. Đó chính là “cảm nhận”, sự thu nhập riêng theo cách cảm, cách nghĩ của từng tác giả, cùng với kinh nghiệm, thể hiện qua ngòi bút, mà trong một không gian hẹp, của một tỉnh lẻ, ta dễ dàng nhận ra họ, tác giả chính thức của những tác phẩm, dù đơn lẻ chỉ là một bài thơ.



Văn học Tây Ninh (ảnh Internet)

Trước hết phải kể đến Cảnh Trà, một cây viết thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác giả của bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” năm 1975, đạt giải bài thơ hay nhất của báo Văn nghệ lúc bấy giờ. Thơ Cảnh Trà mộc mạc, giản dị, gắn liền với đời sống thường nhật của những người nông dân, trước đây là vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị, và bây giờ là vùng Châu Thành, Tây Ninh. Thơ anh như những bức tranh dân gian, đầy hồn cốt và sống động: “Sau cơn mưa đầu mùa/ rừng Tây Ninh như chừng ngon hơn/ Tầng tầng lá non vun cao/ những mầm xanh nở nang thèm thuồng… Những con sóc lông có mật/ lông quả bàng ương/ lông hạt dẻ/ cạ mình nhâm nhi chùm đuông…/…Con gái con trai/ ngoài ấp trong xóm/ xô nhau/ đẩy lưng nhau/ vào rừng…” (Mùa chùm đuông chín), cái chơn chất và giản dị: “Ấp Lồ Cồ nằm bên dòng Vàm Cỏ đông xanh mát/ Có bến sông và cô gái chèo đò/ Hỏi: - Sao tên ấp lại là Lồ Cồ?/ Không nhìn tôi/ cô đọc mấy tiếng trong bài thơ xưa/ giữa sóng quẫy lô xô/ Tên quê em như quả mít…” (Ấp Lồ Cồ), và cũng rất hóm hĩnh, ý vị: “Con gái xóm tôi/ Hồi này giống thích khách/ Gặp ngoài đường chẳng nhận ra ai/ … khoái đèo con trai/ ít ăn ở nhà/ ưa/ vô quán/ thuốc điếu dài dài/ bia/ rượu/ lai rai…” (Bức ký họa)
Cũng là những cảm nhận viết ra rất thật, đầy chất tự sự, đơn giản không trau chuốt là sự thể hiện trong thơ của Nguyễn Đức Thiện, anh đến với thơ, rồi quay ra viết văn, thành danh với hơn hai chục đầu sách vừa truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Từ năm 2007, anh bệnh nặng và quay trở lại với thơ, tập thơ “Vơi đầy” sắp xuất bản là tập thơ thứ 3 của anh. Và tôi cũng đã nhận ra anh, trong rất nhiều “người quen”, với lối viết mạnh, gần với những sự thật mà anh đã trải, đã chiêm nghiệm: “Ngày xưa mình gặp nhau quá sớm/ Ánh mắt ngây thơ và e ấp nụ cười/ Thư viết cho nhau toàn chuyện ong và bướm/ Chuyện riêng cho nhau cứ líu ríu trên môi” (Xưa thì sớm nay thì quá muộn), hay như: “Nghe chuyện em tôi thoáng ngạc nhiên/ sao khóc cười em nhanh như vậy nhỉ/ Nhưng ngẫm nghĩ lại thì hoàn toàn có lý/ đời em có khi không khóc được nữa kìa” (Em đi tắm Phật). Thơ như lời nói, dung dị, dễ hiểu nhưng già dặn những kinh nghiệm: “Ta biết rằng ta đang rơi/ Để giữa thăng bằng ta gọi em ơi/ Rất có thể một lời thưa rất khẽ/ Đỡ cho ta rơi rơi, rất nhẹ/ Xuống đáy khôn cùng chốn hồng hoang…/…Và ta cứ thế nhẹ nhàng/ Rơi rơi” (Rơi rơi), và những sự thật có lúc xé lòng: “Bạn đã yên bình nơi làng quê xóm cũ/ Chứ đừng là những linh hồn vật vờ không nơi yên nghỉ/ cũng đừng chỉ là tấm bia trong nghĩa trang/ Ôi những người mang tiếng khóc vào cuộc hành quân./ Trên đường ra trận/ Vẫn trẻ con đến tận bây giờ” (Những tiếng khóc mãi còn trẻ con). Thơ với Nguyễn Đức Thiện có lẽ vẫn là những hoài niệm trong đời và bây giờ người thơ ngồi kiểm lại?
Trau chuốt, dụng công và thanh thoát với thể lục bát phải kể đến là Vũ Miên Thảo, anh làm thơ đã khá lâu, từ những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ trước! Thơ anh cũng là hoài niệm, nhưng gần với tuổi học trò, mới lớn. Và cái lãng mạn, mộng mơ luôn đằm đẵm trong thơ: “xa thầy- xa bạn- xa trường/ mười năm, lưu bút còn hương học trò/ tháng xưa/ ngày ấy mưa to/ trăm bờ mi ướt, tơ vò… rưng rưng…” (Trường xưa ơi), hay như “bây giờ hạt cỏ trên non/ cám ơn gió- cát cho tròn kiếp sinh/ cám ơn núi- biển đa tình/ cám ơn em/ cám ơn mình/ nở hoa” (Sương đêm- một chút tình thầm). Trong thơ Vũ Miên Thảo, ta luôn chạm cái màu “hồng”, hiền hòa, đôi khi có phá cách, nhưng câu thơ vẫn cứ êm đềm, dịu ngọt: “tôi vẫn cứ như thuở còn đi học/ chia sẻ cùng bạn bè, với cháu con/ những thứ cả đời còn giữ được/ mĩm cười thanh thản lúc về non” (Tự cảm), hay “thôi thì/ say với cô đơn/ còn hơn tính/ phải thiệt hơn tình đời”. và “Bây giờ/ phố núi dọc ngang/ đường hai dòng chạy, nhớ tràn hồn tôi/ em ơi/ chờ đứng/ mong ngồi/ lang thang/ sợ mất rạng ngời dáng xưa…” (Vàng thu phố).
Ý tứ đôi khi ngẫu hứng và độc đáo: “Biển gặp anh/ sóng gặp anh/ cát gặp anh/ anh gặp anh/ dã tràng mất dấu/ em thành người xưa” (Biển vắng), hay như “Câu thơ muộn vắt ngang ngày thu cuối/ ta chậm lời/ hoa lá úa mầm duyên”, và đây nữa: “giã từ/ trò chơi ấu thơ/ mo cau đánh trận hét hò thúc quân/ thắng danh tướng/ thua tù nhân/ muối hột trộn ớt khao quân rộn ràng…” (Ký ức quê nhà).
Song gần với thơ… cách tân, hiện đại thì có Khaly Chàm, một thi nhân đẫm chất bụi… giang hồ, lúc nào cũng thấy… tỳ tỳ đánh chén, khát vọng với cánh đồng: “Cánh đồng tiềm thức tôi/ mưa nắng rụng trắng/ những nhát cuốc…/ đào sâu kiếm tìm mộng mị/ từ nách đất/ chân lý mặc khải về sự sinh thành/ bóng đêm ẩn mặt hoài nghi khát vọng…” (Cánh đồng tôi). Và dường như ý thức về những dòng chữ, chút hiện hữu, hiện sinh của thi ca: “khắc họa bóng hình vào ánh sáng/ để xác tín sự hoá thân tỏa rạng trong ý tưởng” (từ tình yêu của đất), có khi mang mang cảm xúc, gây những ẩn ý “Ngoài hành tinh nầy/ Trời xanh bao la không nhiễm sắc/ Không có bóng với hình/ Không có ngày và đêm/ Không có dự ngôn dành cho sự ra đi hay trở về của bụi/ Không có bàn tay nào chạm tới vô cùng…” (Đi về phía mặt trời ). Thơ Khaly Chàm là sự xâu chuỗi những liên tưởng: “Lưỡi dao thời gian cứa sâu vào tâm thức/ Anh sáng chói lòa trôi bền bồng trên song/ Móng vuốt ảo tưởng cào cấu vách đời số phận.” (Am tượng), cho nên sẽ là khó hiểu, khó đọc cho một số đối tượng, nhưng dù, với cách viết ẩn dụ, gắn kết ngôn ngữ, thì cái ý, cái tình của nhà thơ vẫn luôn hiện hữu: “Tôi đang sống tức là tôi đang chết/ Từng ngày… tôi cầu siêu độ rỗi bóng mình” (Huyễn hoặc giấc mơ), và Khaly Chàm vẫn có nhiều bạn đồng điệu, đồng cảm…
Holderlin từng viết: “Trong tất cả hoạt động của con người, làm thơ là chân thật nhất”, và khi nhà thơ sáng tác, luôn gắn với những điều đã và đang tồn tại như Lacan nói: “Bất cứ sự tồn tại nào đều phải mang tính chất yêu thương sự vật đó”, vì vậy, ngôn ngữ nghệ thuật của mỗi tác giả đều có riêng dấu ấn cho mình, từ chưa rõ nét, đến rõ nét và đậm tính cách, phải chăng từ lao động trí óc của mỗi người. Phong cách thơ thể hiện, dù mang cái võ hình thức chân chất đồng quê, hay chân thật, hiện thực, hay lãng mạn, siêu thoát, thì vẫn khẳng định bút lực, dấu ấn của từng người. Có vẽ như từng người có những nét riêng, song cái chính vẫn là đi tìm cái hay, cái đẹp để tôn vinh thơ ca trong dòng chảy của một tỉnh lẻ hay một khu vực hoặc cả nước thì Cảnh Trà, Nguyễn Đức Thiện, Vũ Miên Thảo, Khaly Chàm, cũng đều có mặt trong danh sách những người làm thơ chân chính hiện nay…
Vàm Cỏ, ngày chờ bão 7/ 11/ 2013
Trần Hoàng Vy
nguồn vanhocquenha

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét