Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

PHAN BÁ TRÌNH “VỊN BỜ KÝ ỨC” TÌM DẤU TÌNH XƯA – PHẠM VĂN HOANH


Phan Bá Trình quê ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT Quảng Ngãi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trà Giang, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Anh vừa trình làng tập thơ thứ tư “Vịn bờ ký ức” do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 10 năm 2018.
Hơn 90 bài thơ trong “Vịn bờ ký ức”, hầu hết là những ký ức về tình yêu. Tình yêu mà Phan Bá Trình nhớ đến là tình yêu mẫu tử thiêng liêng và tình yêu lứa đôi. Ở tập thơ này tình mẫu được anh trân trọng đặt ngay trang đầu. Viết về tình mẫu tử, anh đã dành những câu thơ trân quý nhất: “Quẩn quanh mẹ dẫm bóng mình/ Hắt hiu ngọn gió vô tình bỏ đi/ Đời nghiêng cạn tuổi xuân thì/ Gầy hao ngọn bấc mấy khi khêu đèn/ …Đôi dòng sữa mẹ ngọt  ngào/ Nuôi con khôn lớn xiết bao nghĩa tình/ Tàn đêm nắm lấy tay mình/ Giọt đau thắt dạ bóng quỳnh về đâu?” (Tìm lại tiếng ru). Hai khổ thơ nói riêng, bài thơ “Tìm lại tiếng ru” nói chung được diễn đạt bằng thể thơ lục bát uyển chuyển, với ngôn ngữ mộc mạc, với thủ pháp ẩn dụ, nhân hóa, câu hỏi tu từ đã thể hiện nỗi nhớ da diết và lòng biết ơn sâu sắc của người con đối với công sinh thành, dưỡng dục của người mẹ kính yêu, đồng thời cũng gợi lên trong lòng người đọc một nỗi niềm thương nhớ mẹ khôn nguôi.

Trong “Vịn bờ ký ức”,  ngoài việc “Tìm lại tiếng ru” của người mẹ, ta còn bắt gặp Phan Bá Trình tìm lại tiếng ru của người yêu cũ ngày nào: “Quờ tay chạm tiếng ru hời/ Em thành thiếu phụ rối bời lòng riêng” (Cho mềm lời ru). Mặc dù anh “biết là đa mang”, nhưng anh vẫn “một mình đi ngược”, “vịn bờ ký ức” để “tìm dấu yêu xưa đã tít tắp xa mờ”, tìm lại tiếng ru để ru nỗi nhớ rối tơ lòng một thuở: “Xanh ngọn cỏ chỗ ta ngồi tâm sự/ Con dế buồn thả nốt nhạc trầm tư/ Em xa rồi thuở mười tám đôi mươi/ Lời hẹn ước còn vương cành liễu rũ”/ …Trời ủ nắng cho làn mây chín đỏ/ anh ủ tình cho men ngấm bờ yêu/ Ru nỗi niềm nghe ngọn gió buồn thiu/ Xao xuyến nhớ rối tơ lòng một thuở.” (Rối tơ lòng một thuở). Không rối tơ lòng sao được, khi tình yêu mang đầy khát vọng: “Anh yêu em lòng mang đầy khát vọng/ Xây đắp lâu đài hạnh phúc riêng tư/ Anh yêu em yêu suốt cả cuộc đời/ Mong em hiểu cho lòng anh em nhé!” (Anh yêu em). Tình yêu mà anh dành cho người yêu ngày nào thật mãnh liệt: “Anh gửi cho em cả một trời yêu/ Cho không gian ngập tràn hạnh phúc/ Cho tiếng yêu thương ngọt ngào điệp khúc/ Và má em hồng như thuở mới yêu anh.” (Gửi cho em). Nhưng rồi tình yêu ấy không thành, để lại trong lòng anh một nỗi buồn đau: “Từ cái thuở/ thu về khoe bím tóc/ Em theo người/ bỏ lại một trời yêu/ …Chuyến đò tình/ đưa em xa xôi/ Cho nỗi nhớ/ quặn lòng đau thắt/ Giọt buồn nào/ lăn trên khóe mắt/ Tôi nghẹn ngào/ xa xót/ gọi tên em.” (Gọi tên em). Nỗi buồn ấy đến “tuổi đã xế chiều” mà vẫn chưa nguôi: “Đến giờ tuổi đã xế chiều/ Lòng nghe thon thót đôi điều hư không…/ …Buồn vui đắng đót một mình/ Loay hoay cùng với cuộc tình mồ côi/ Bỏ ta nàng lấy chồng rồi/ Trăm năm còn một chỗ ngồi chờ nhau.” (Còn một chỗ ngồi).
Tình yêu trong “Vịn bờ ký ức” buồn xa xót nhưng không bi lụy. Khi cuộc tình không thành thì anh đã chuyển thành tình bạn: “Em đi về phía không anh/ gãy lời hẹn ước ta thành người dưng/ Gặp nhau hãy cứ vui mừng/ Không duyên thì bạn xin đừng lánh nhau.” (Gặp nhau hãy cứ vui mừng). Tình yêu lứa đôi trong ký ức  của anh thật đẹp, nên anh cố níu thời gian quay trở lại: “Tay cố níu thời gian quay trở lại/ Tìm hương yêu chừng lạc đã bao ngày” (Vịn bờ ký ức).
Có thể nói hơn 90 bài thơ trong tập thơ “Vịn bờ ký ức” của Phan bá Trình đều đậm chất nhân văn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Pham Văn Hoanh
Hội VHNT Quảng Ngải

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét