Bây giờ cố quận tên là chiêm bao – Bùi Giáng.
Còn hai mươi phút nữa đoàn tầu Nam – Bắc sẽ khởi hành. Gã vào ga Sài
Gòn. Tìm số toa, số buồng, nhẹ nhàng đặt chiếc ba lô được phát từ thuở
đi B lên vị trí đầu giường, sắp xếp lại chăn gối rồi gã ngồi thừ người
nghĩ ngợi. Đợi tới lúc dưới gầm toa lịch kịch chuyển động, gã mới lấy
điện thoại gọi cho đứa con gái lớn nhà ở bên kia đường, đối diện cổng
ga. Gã biết, nếu báo tin trước mươi phút, nó sẽ lâp tức luồn qua cửa
soát vé, lôi tuột bố ra khỏi toa tầu. Không trả được vé thì bỏ. Bên tai
gã, tiếng con gái vo ve như tự nơi nào xa lắc: Bố ở đâu vậy? Con nghe có
tiếng còi tu tu. Bố đang trên tầu ra Bắc. Tầu chạy được mấy phút rồi.
Nó hoảng hốt hỏi dồn: Ối giời ôi! Sao bố cứ hay làm những chuyện bất ngờ
vậy? Tim bố đã phập phập phù phù, lỡ xẩy ra chuyện gì thì chúng con làm
sao xoay sở kịp. Bố điên thật rồi. Gã nhỏ nhẹ ngắt lời: Các con yên
tâm. Bố không sao đâu. Nói rồi cúp máy. Gã sợ mình trở nên yếu đuối mỗi
khi nghe nó thút thít như con trẻ. Nhất là vào lúc này, gã rất dễ mủi
lòng.
Chủ nhật tuần trước nó đã nói với gã một câu như vậy. Bố có
điên không đấy. Ấy là vào buổi chiều hai bố con trên chuyến xe đò từ Đài
Hóa Thân về nhà. Tựa đầu vào vai gã, hai bàn tay thận trọng ôm chặt hũ
tro cốt của mẹ còn âm ấm giữa lòng, nó nghẹn ngào: Cả đời mẹ không đi
chùa, giờ biết gửi mẹ vào đâu? Gã đáp: Đưa về đặt trên ban thờ nhà mình.
Nó vội ngồi thẳng lưng, hốt hoảng mở to đôi mắt xưng húp vì khóc nhiều:
Xưa nay có ai làm vậy đâu, bố có điên không đấy. Đó là ý nguyện của mẹ
con. Gã quả quyết.
Ba ngày trước khi mất, vợ gã hoàn toàn tỉnh táo. Nửa đêm, bà ấy nắm tay
gã dặn dò: Về phần hai con gái, mình đã nuôi dạy chúng nên người, có
gia thất tử tế. Vậy là ông và tôi đã vuông tròn bổn phận làm cha làm mẹ
rồi. Tôi đi rồi, còn lại mình ông giữa căn nhà này, ông sẽ sống sao
đây. Gã cố ngăn hai dòng nước mắt: Bà yên tâm. Tôi sống được mà. Xưa nay
tôi có phải là người yếu đuối đâu. Từ đôi môi khô héo, bà vợ gã nở ra
nụ cười héo hắt: Tôi biết ông mạnh mẽ hơn ngọn cỏ rồi. Cái gì tôi đã ủy
thác thì ông đừng quên đấy. Việc hậu sự của tôi, ông nên tổ chức thật
đơn giản thôi. Đừng báo về quê ngoài Bắc, chỉ làm tuổi già bố mẹ tôi
thêm day dứt đớn đau thêm, chả ích gì. Con cái thương mẹ, không cho
thiêu, ông chớ nghe lời chúng. Cứ chở lên Đài Hóa Thân, rồi đem hũ tro
về nhà mình. Gửi ở chùa nào ông cũng phải gồng gánh tuần tiết quanh năm.
Con cái ở xa. Ông thì nhiều bệnh. Khổ lắm. Việc tang ma xong rồi, chọn
lúc thích hợp, ông đưa tôi về thăm căn nhà nhỏ bé của chúng mình bên
cạnh nhà bà cụ Hồng trên phố Ninh nhé. Lâu nay hễ nhắm mắt, tôi lại mơ
về chốn ấy. Tội nghiệp bà cụ cả đời lọ mọ một thân. Những người hiền hậu
tử tế, phận đời thường chịu khổ là tại làm sao? Gã nghẹn ngào: Tôi hứa,
tôi hứa. Nghe vậy, bà vợ gã khép dần đôi mắt đang chuyển sang màu bàng
bạc. Từ lúc ấy không thêm lời nào nữa.
Đoàn tầu xình xịch lao vào đêm đen lạnh lẽo. Gã trầm ngâm
nhìn qua cửa sổ, bắt gặp vành trăng thượng tuần mỏng lét, cong cong là
là lướt theo trên những ngọn cây rừng. Gã nhẩm tính còn hơn hai chục
ngày nữa là đến tết Nguyên Đán. Tết này mình ăn tết ở đâu đây. Nghĩ vậy,
tự nhiên lòng gã gây gấy một thoáng buồn. Ngồi lâu thấm mệt, gã cẩn
thận xếp chiếc ba lô vào vị trí giữa giường, chuẩn bị ngả lưng. Ông
giường bên cỡ tuổi bẩy mươi như gã lên tiếng: Ông để hành lý xuống chân
mà nằm cho thoải mái. Cả đêm ôm khư khư. Sợ mất trộm của quý à? Gã thủng
thẳng: Còn quý hơn vàng bạc kim cương đấy ông ạ. Rồi nhủ thầm: Bây giờ
mình nói đấy là hũ hài cốt của bà vợ tôi thì họ sửng sốt ra sao nhỉ?
Chập tối hôm sau, tầu đến ga N… Gã khoác ba lô thủng thẳng
dẫn bộ ra ngoài phố. Đang mùa gió may cơn cớn thổi dọc hàng cây xà cừ,
gốc thẫm đen tăm tối, gốc rời rợi ánh đèn đường lạnh tanh. Mùa đông miền
Bắc thấm vào tim gã ngay từ bước đầu tiên đặt chân lên mảnh đất quê
hương. Gã rùng mình xoay ba lô ra đằng trước. Mở hai bàn tay ôm ấp chiếc
hũ sành ủ kín giữa mấy bộ áo quần. Gã cúi đầu thì thầm: Lâu lắm rồi,
chúng mình đã quên cả mùa đông, giá buốt thế này bà chịu được không?
Tiếng vợ gã vo ve lẫn vào gió bấc: Đã sang cõi khác, ấm lạnh chả giống
cõi người ông ạ. Phố xá bây giờ coi bộ giầu sang quá nhỉ. Ừ, tôi quên
khuấy, hai ta đã Âm Dương hai ngả. Phố Ninh cách nhà ga chừng mươi cây
số. Gã gọi một bác xe ôm. Chưa đầy nửa giờ, xe đã chạy đến chỗ vài chục
năm trước chiếc tổ ấm nhỏ bé của gia đình gã đã từng hiện diện. Gã xuống
xe, tần ngần đứng bên đường đối diện. Quang cảnh cũ chả còn mảy may dấu
vết. Duy nhất một gốc bàng đơn độc, lạch phạch dăm chiếc lá chưa kịp
rụng. Gã có cảm tưởng nó đứng bơ vơ chờ đợi tự thuở gã cùng gia đình tha
hương biệt xứ, chỉ để tối nay nói với gã một lời vĩnh biệt. Hình như
cụ Hồng và anh Hợp đã về đây trước gã. Từ trong sương khói, họ bước ra,
nói vọng sang điều gì nghe không rõ. Anh Hợp, tay đỡ mẹ, tay chụp vội
chiếc mũ tai bèo suýt bị gió cuốn đi. Gã buột miệng: Ai như mẹ con cụ
Hồng. Mơ hồ tiếng vợ gã: Chính là họ đấy ông ơi. Cát bụi lâu rồi … Gã
dụi mắt, sừng sững bên kia đường ngôi nhà lầu lấp lóa biển hiệu điện tử
bán đồ gỗ cao cấp hiện lên đúng chỗ nền căn nhà bà cụ Hồng và nhà gã
ngày xưa. Gọi là nhà cho nó sang, thực ra chỉ là hai căn lều bấu víu vào
nhau như hai cái tổ chim làm chốn đi về đụt mưa che nắng vậy thôi. Bà
có nhận ra chỗ này không? Gã hỏi. Từ miệng chiếc ba lô tỏa ra làn hơi âm
ấm, phảng phất tiếng thở dài cố nén quen thuộc của bà vợ gã thay cho
lời đáp.
Dò dẫm lần vào con hẻm tối mò khá lâu, gã mới tìm được chỗ ở
của giáo Hanh, bạn gã. Ngày xưa, mặt tiền căn nhà nhìn ra ngôi sinh phần
cụ Tuần Thiệp lù lù những phiến đá xanh đen. Cụ Tuần chưa kịp trăm năm
đã phải chạy tản cư ra Hà Nội rồi chết ở đấy. Mấy năm gã dạy học ở đây,
từng vài lần gặp ai đó dắt trâu kéo trộm tấm đá dài thượt về bắc cầu ao.
Chả biết bây giờ chỗ ấy còn lăn lóc cái đầu rồng, cánh phượng nào
không. Trong nhà giáo Hanh còn sáng đèn, vẫn cấp bốn lè tè như cũ. Gã
bước qua mảnh sân hẹp, đột ngột đứng xững trước khung cửa, một cánh
đóng, một cánh mở. Giáo Hanh đang ngồi một mình, nửa người bọc trong tấm
áo bông sù sụ, khuôn mặt xương xương kín mít, chừa ra đôi tròng kính
lão nằm ngang sống mũi khòm khòm. Gã lên tiếng trước: Ngài sư biểu vẫn
còn tại thế ạ. Có nhận ra thằng bạn khốn khổ này không? Giáo Hanh chân
dép, chân không, nhảy hai bước đến nắm tay gã: Ối trời ơi! Cái thằng
trời đánh không chết này, lâu nay lặn mất tăm ở những đâu? Đêm ấy, sau
mấy giờ hàn huyên bất tận, gã biết thêm đoạn cuối câu chuyện tình lẹo
tẹo của tay hiệu trưởng và mụ thư ký công đoàn trường cấp hai Phố Ninh
ngày ấy. Chỉ là một sự chập cheng phi lý đã khiến gã phải hứng chịu bao
nhiêu hệ lụy. Đó là cái buổi trưa bất ngờ gã bắt gặp cặp ấy trần như
nhộng trong phòng hiệu trưởng. Biết thân phận, gã không hé nửa lời.
Nhưng mà họ ngượng. Họ sợ bị tố giác. Tay hiệu trưởng ấy đã nuôi ý định
đẩy gã đến những trường thật heo hút cho an toàn. Giáo Hanh kể: Cái lần
thấy tên cậu trong danh sách giáo viên tăng cường cho miền núi, tớ thủng
thẳng dọa lão: Này, nó đã năm năm dạy vùng cao, vợ con nó còn nheo nhóc
lắm, đẩy nó đi xa, con giun xéo lắm cũng quằn. Ông biết cụ Ấm phó ty là
em họ ông nội nó không? Nó hiền đấy, nhưng cục tính đấy. Giả dụ nó nói
một câu với cụ ấy thì khối kẻ ra cám. Nghe vậy lão ta chùn. Đận ấy cậu
thoát. Nhưng đến kỳ chọn giáo viên giỏi đi B chuẩn bị cho giải phóng
miền Nam thì tớ chịu, không can thiệp được. Tớ biết hai kẻ ấy chỉ ngán
cụ Ấm thôi. Cậu đi B rồi, cụ Ấm cũng về hưu. Chớp cơ hội ấy, đứa ly dị
vợ, đứa bỏ chồng, về ở với nhau. Bây giờ còn sống cả. Nhưng khổ lắm.
Bệnh tật đày đọa chả ra hồn người. Quá nửa đêm hai người mới tạm dứt
chuyện, đi nằm. Gã lấy ba lô ủ vào trong chăn. Giáo Hanh nói đùa: Hàng
lậu đấy à. Ở đây an ninh tốt, không sợ trộm đâu. Gã im lặng. Bên ngoài,
ánh trăng thượng tuần vàng vọt, yếu ớt lọt qua khe cửa khép hờ. Con chó
nhà chủ dai dẳng tru lên những hồi dài u u xa vắng thả vào bóng trăng
suông. Giường bên bà vợ giáo Hanh thì thào: Từ chập tối đến giờ, con chó
nhà mình nó sủa nghe lạ lắm. Cứ trờn trợn như là đuổi ma ấy. Gã vỗ nhẹ
ba lô: Bà ý tứ, kẻo chó nó đánh hơi, sủa hoài, làm bà Hanh sợ. Gã nghe
giáo Hanh lầm bầm: Cái thằng, già khọm vẫn giữ tật cũ, đặt mình là lầu
bầu nói mớ.
Ông nội gã với ông giáo Ấm là anh em con cô con cậu. Trước
Cách Mạng, phố Ninh đã có một trường tiểu học do ông Ấm làm hiệu trưởng.
Cha gã dạy ở đấy. Tháng Tám 1945, ông Ấm dẫn đoàn người giương cờ đỏ,
rùng rùng lên chiếm huyện đường. Vai trò Việt Minh bí mật của ông bấy
giờ mới lộ diện. Mấy năm sau, quân Pháp nhảy dù lập tề một vùng rộng
lớn, trong đó có phố Ninh. Trường tiểu học hoạt động như thường. Cha gã
vẫn tiếp tục phận sự hương sư. Cái thuở tranh tối tranh sáng ngày quốc
gia, đêm Việt Minh ấy, người con cả cụ tuần Thiệp tên Bùi Trọng Tào kéo
lính bảo hoàng về đóng đồn, kiêm luôn chức quận trưởng Yên Ninh. Quận sở
đặt tại dinh cơ tuần Thiệp. Hồi nhỏ, Quận Tào với cha gã là đồng môn
mấy năm Cao đẳng tiểu học. Hồi địch tạm chiếm, chả hiểu sao cha gã năng
đi lại chơi bời với quận Tào. Ông hương sư cha gã bị thủ tiêu cũng từ
nguồn cơn ấy. Bà nội gã kể, một đêm tối trời, xuất hiện ba người mặc đồ
đen, khăn đen trùm kín mặt, vào nhà yêu cầu cha gã đi gặp thượng cấp. Từ
đấy ông bặt tăm không mảy may tin tức. Những ngày sau, hễ nghe ở đâu có
người chết trôi, hay có mả mới đắp ven sông Cái, mẹ gã đều tất tả tìm
đến hỏi han, nhận diện, nhưng đều không phải chồng mình. Lần nọ, bà nghe
đồn bên kia sông dân chài vừa vớt lên một xác đàn ông, theo mô tả thì
bộ quần áo có vẻ giông giống thứ cha gã mặc lúc bị dẫn đi. Bà tất tưởi
qua sông. Chuyến đò ấy bị máy bay oanh tạc, không ai sống sót. Xác bà bị
trôi ra biển. Năm ấy gã mới bốn tuổi đầu. Từ đấy gã ở với bà nội. Cái
nghi án cha gã, đã khiến cả đời gã lận đận, cả đời luôn lo sợ phập phù.
Gía như tổ chức tìm ra chứng cứ cha gã bị Việt Minh xử trí vì làm việt
gian thì sự nghiệp đời gã ra sao? Nỗi lo ấy thường trực phấp phỏng trong
lòng gã, từ cái đận tốt nghiệp cấp ba, trúng tuyển trường đại học Sư
Phạm Hà Nội, giấy báo nhập học về xã, bị chính quyền giữ lại với lý do
cha mất tích, nghi cộng tác với quận Tào. Mặc dù ông Ấm đang là chủ tịch
Huyện đã tới cơ quan chức năng chứng nhận cha gã chính là người ông bố
trí tiếp cận quận Tào để thu thập tin tức cho Việt Minh. Cái chết của
cha gã có thể do quận Tào thủ tiêu. Chỉ phán đoán vậy thôi. Bên ta không
có bản án nào liên quan đến cha gã. Mà hồ sơ bên địch ta thu được cũng
không để lại ghi chép nào. Cả tổ quân báo hoạt động cùng cha gã, hiện
chẳng còn ai sống sót. Lại thêm ông Ấm có quan hệ họ hàng với gã nên tổ
chức chỉ tin một nửa. Cân nhắc mãi, một năm sau gã mới được gọi đi học
lớp sư phạm mười cộng ba. Nhưng lý lịch vẫn còn mảng tối cha mất tích
chưa sáng tỏ. Tốt nghiệp, lấy lý do thử thách, gã được điều lên dạy tút
lút một trường heo hút vùng cao tỉnh Tuyên Quang. Bà nội gã lúc ấy đã
ngoại tám mươi rồi. Từ nơi gã dạy học về quê, đường đi phải chờ chực xe
cộ cả tuần lễ, gã vẫn cúc cung tận tụy chấp hành. Sáu năm sau, bà nội gã
qua đời. Nhận được điện tín, gã về tới nhà thì họ hàng đã đưa cụ ra
đồng từ ba hôm trước.
Lúc bà nội mất, gã đã có hai con gái, đứa lên năm, đứa lên
ba. Chả còn cụ trông nom cháu nhỏ, vợ lão sức vóc nữ sinh, làm hợp tác
xã buổi đực buổi cái, công điểm chả được bao nhiêu, cuộc sống lâm vào bế
tắc. Thương cháu, ông Ấm vận động cho gã về dạy trường cấp hai Phố
Ninh. Nhà ở nông thôn, hằng ngày đến lớp gã phải cuốc bộ bẩy cây số nắng
cũng như mưa. Sáng sớm đi, chiều muộn về. Buổi trưa gã thường ra ngồi
quán bà cụ Hồng bán mấy thứ bánh kẹo nhì nhằng trước cổng trường. Bà cụ
chỉ còn da bọc xương ngồi bất động sau chiếc trõng tre kê cạnh gốc bàng.
Gã có cảm tưởng cụ còn dai dẳng sống được là nhờ bấu víu vào hy vọng
một ngày nào đó anh Hợp con cụ từ chiến trường miền nam lành lặn trở về.
Bánh rán bà Hồng ngày xưa ngon có tiếng. Thằng Hợp, đội mâm bánh đi vài
vòng quanh chợ Ninh đã hết veo. Gã hỏi cho có chuyện: Sao cụ không làm
bánh rán bán cho bọn trẻ? Cụ đáp: Cậu giáo tính thằng Hợp thì mấy năm
nay chả thấy một lá thư. Chị nó lấy chồng xa, nghèo không có tiền tầu xe
về thăm mẹ, một mình tôi hơi sức đâu mà xay bột. Dần dà, gã và cụ Hồng
trở nên thân tình như ruột thịt. Khi cụ biết gia cảnh gã gieo neo nhiều
bề, cụ bàn: Cho vợ con lên thị trấn đi, cạnh nhà tôi còn đủ đất cho cậu
giáo làm căn nhà nhỏ đấy. Ăn hết lắm, ở hết mấy. Để các cháu tôi trông
cho. Mẹ nó buôn đầu chợ bán cuối chợ Ninh dư sống. Gã nghĩ được vậy thì
còn gì bằng. Nhưng mà có vợ ngồi lê đầu chợ, lúc ấy bị cho là gian
thương, gã còn chỗ dạy học không? Gã nói: Chuyển hộ khẩu từ nông thôn
lên thị trấn khó lắm cụ ơi. Cụ Hồng mách bảo: Cậu giáo quen ông Phúc,
Ông Phúc mà giúp đỡ thì xong hết. Biết vậy, nhưng lòng tự trọng ngăn gã
làm cái sự xin xỏ nhờ vả ấy.
Gã biết, ông Phúc chủ nhiệm liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp
và tiểu thủ công nghiệp thị trấn Ninh, liền tù tì mấy khóa rồi. Cả tỉnh
chỉ duy nhất chủ nhiệm Phúc được bầu làm đại biểu Quốc Hội. Đủ nói lên
phẩm chất cách mạng của ông tới mức nào. Hằng ngày ông đi kiểm tra khu
lò gạch, ngói, lò vôi, khu đan lát chiếu cói mây tre xuất khẩu hay sắn
quần qua đầu gối lội khắp cánh đồng, cứ phăm phăm xông xáo lẫn vào đám
đông quần chúng xã viên. Trừ phi đi họp Quốc Hội, ngày thường, gã chưa
hề thấy ông trịnh trọng mặc đồ tây bỏ áo trong thùng. Đến hội nghị cũng
chỉ xuề xòa quần nâu áo vải, mũ lá cọ đội đầu với chiếc xà cột vải bạt
bên hông. Mỗi năm, đóng góp sức người cho tiền tuyến, đóng góp lương
thực, thực phẩm bao giờ đơn vị ông cũng vượt chỉ tiêu cấp trên huy động.
Vậy mà khẩu phần lương thực của xã viên vẫn cao hơn hẳn bình quân của
tỉnh. Con gái ông Phúc học lớp chuyên văn cuối cấp do gã phụ trách. Hễ
nhà có việc vui em đều mời các thày giáo về chơi. Gặp ông Phúc, gã chỉ
thăm hỏi xã giao thân mật, chưa bao giờ đả động chuyện riêng tư. Một dịp
chỉ riêng hai người, ông phúc chủ động hỏi về cha gã. Gã không ngờ ông
Phúc không chỉ quen biết, mà còn rất trân trọng cha gã. Ông khẳng định:
Một nhân cách như ông giáo, bác tin không thể làm tay sai cho địch. Ông
khuyên gã nên bình tĩnh, đừng tỏ ra bất mãn. Biết hoàn cảnh nhà gã qua
đứa con gái, ông hứa sẽ giúp đỡ. Mấy ngày sau, công an Huyện mời gã lên
làm thủ tục chuyển khẩu cả nhà về thị trấn Ninh. Lại cũng chỉ trong mấy
ngày, ông Phúc điều động xã viên dựng cho gã căn nhà tranh nho nhỏ bên
cạnh nhà cụ Hồng. Từ đấy, vợ gã được nhận vào đội đan mũ cói xuất khẩu,
cả nhà có tiêu chuẩn lương thực hàng tháng. Hòan cảnh bấy giờ, được như
vậy là tươm tất chán.
Trường cấp hai Phố Ninh cách làng gã non mười cây số. Gã ở
lại trường, ăn bếp tập thể, ngủ nhà tập thể thì nhàn thân gã. Nhưng gã
tính, mình chịu khó ngày ngày cuốc bộ, đem tiêu chuẩn lương thực về nhà,
các con gã sẽ được no thêm một chút. Gã cay đắng nói đùa với vợ: Hồi
chúng mình học cấp ba, em cứ chê mấy ông giáo sống mòn của Nam Cao chỉ
chăm chăm cái miếng bỏ vào mồm. Bây giờ chồng mình cũng y sì vậy. Thương
chồng rạc cẳng cuốc bộ sáng đi tối về, vợ gã tằn tiện dè xẻn hai năm
trời, vay mượn chị em thêm thắt vào, đã giấu gã mua được chiếc xe đạp cũ
nát, năm lần chạy, ba lần sửa chữa. Mỗi lần gặp sự cố, vai gã vác xe,
bụng thầm cay đắng phận mình, lại cám cảnh thương vợ trào nước mắt. Xe
đạp ngày ấy còn là của hiếm. Phố Ninh chỉ có hai chỗ sửa xe, một của cha
con ông Phú Quý, một của ông Phú Lương. Thời điểm gã luôn cần thợ sửa
xe thì tiệm Phú Quý dẹp rồi. Lý do, thằng Quý con ông Phú sợ ra mặt
trận, đã dùng búa đập nát hai đốt ngón tay bóp cò súng. Quý chịu án địa
phương quản lý, bị áp giải qua phố mỗi ngày, phải hô to: Ai cũng như tôi
thì mất nước. Ông Phú xấu hổ vứt hết đồ nghề, rồi bỏ đi đâu không rõ.
Tiệm Phú Lương ở giữa phố. Ngôi nhà ngói kiểu Pháp vững trãi, ba cửa lớn
quay mặt ra đường phố, ông Phú Lương chỉ mở một cửa bên dùng làm chỗ
ngồi kỳ cạch nắn vành, vá lốp. Bà vợ ông mất đã lâu. Hai cô con gái đều
học qua đại học, hiện công tác ngoài thủ đô. Người ta đồn ông làm cho
vui thôi, của chìm của nổi ăn mấy đời không hết. Thời thuộc địa, ông Phú
Lương dạy pháp văn. Sau Cách Mạng, môn ấy bị bãi bỏ, ông về mở hiệu
buôn Phú Lương trước cổng chợ Ninh, chuyên kinh doanh xe đạp. Lúc thịnh
vượng nhất, nhà kho của ông chật ních những kiện hàng gắn nhãn mác
nhiều hãng xe nổi tiếng thế giới. Tới thời kỳ chính phủ ta tiến hành
công tư hợp doanh, ông tự nguyện giao cửa hiệu cho ty Thương nghiệp quản
lý, chỉ xin được mở tiệm sửa xe kiếm sống qua ngày. Qua miệng thế gian,
trong đầu gã hình dung ra một ông tư sản Phú Lương đĩnh đạc trong bộ
com lê màu ghi sáng, chân dận giầy zôn, mũ phớt phủ hờ mái tóc xoăn tít
chảy tràn qua gáy. Nhưng lần đầu dắt con ngựa sắt già nua đến tiệm, gã
chỉ gặp ông Phú Lương gầy còm với bộ đồ nhàu nhĩ ngồi dạng hai chân xoay
xoay chiếc vành xe vênh váo. Duy mái tóc loăn xoăn và cặp mắt nheo nheo
vẫn còn lấp lánh nét nghiêm trang mô phạm. Hôm ấy gã được ông biệt đãi
một chầu cà phê pha kiểu Pháp thơm lừng. Ông bảo cứ để xe đấy, tôi sẽ
cải lão hoàn đồng cho nó. Y hẹn, đến lấy xe, gã choáng váng muốn đứng
tim. Chiếc xe của gã món nào cũng mới toanh, láng coóng. Gã đỏ mặt ấp
úng định nói không đủ tiền. Biết ý, ông xua tay: Đây là tôi tặng cha cậu
giáo, đồng nghiệp của tôi. Cậu không nhận, tôi buồn lắm đấy. Hôm ấy ông
cởi mở tâm sự với gã như bạn thâm giao: Thấy cậu giáo lững thững dạo
phố, tôi chợt nhớ đến một người. Vầng trán thông tuệ này, cái dáng hơi
cui cúi về phía trước với những bước đi khoan thai này, cứ y như ông
giáo đồng nghiệp của tôi sống lại. Tôi vẫn có ý gặp cậu mà chưa có dịp.
Tuần trước con Lan nhà tôi về giỗ mẹ, nói vợ cậu là bạn cùng học với nó
từ cấp ba đến đại học. Hóa ra tôi quen biết cô ấy trước khi quen cậu.
Ngày hai đứa còn là sinh viên, con Lan cứ nằng nặc ép bạn lấy thằng con
ông chủ tịch huyện người thị trấn này. Nó dụ, mày làm dâu nhà ấy, tương
lai rờ rỡ, một xuất du học Liên Xô chắc cú. May mà vợ cậu tinh đời không
chịu. Bây giờ con Lan đã trắng mắt ra, thằng ấy bỏ rơi con vợ cưới hỏi
chính thức rồi. Nghe đâu bám váy con ông vụ trưởng vụ tổ chức gì đó,
kiếm chân gì đó trên bộ gì đó. Tường tận nhân cách cậu, tôi càng thêm
tôn trọng vợ cậu tinh đời. Ngày đi B, đến chào từ biệt, ông Phú Lương
bịn rịn nắm tay gã không rời. Ngập ngừng mãi, ông mới hở câu chuyện:
Thằng cháu họ ông là tay chân thân cận của quận Tào, trước khi xuống tầu
vào Nam, biết ông là bạn với ông giáo, đã tiết lộ, thằng quận Tào nghi
ngờ ông giáo là Việt Minh nằm vùng, đã ra lệnh cho thằng Phách và hai
đứa nữa bí mật thủ tiêu ông giáo. Gã đã nghe phong thanh như vậy. Ông
Phách hiện ở cùng xóm với gã, từng đi lính bảo hoàng thời Quận Tào. Chả
hiểu sao lại từng lập công dẫn du kích giải phóng đồn Khương Thượng và
bốt Cầu Xanh không tốn một viên đạn. Gã bán tín bán nghi. Nhưng mỗi lần
giáp mặt gã, lão Phách cứ nhìn ngang, lấm lét, khiến gã không khỏi hoang
mang.
Đợi đến buổi sáng về thăm làng cũ, gã mới nói với giáo Hanh,
hũ tro cốt vợ đang nằm trong chiếc ba lô trên mặt bàn. Giáo Hanh đấm
lưng gã thùm thụp: Mày cho tao là hạng người nào mà không để vợ chồng
tao thắp cho nó một nén nhang? Hễ nhắc đến chúng mày, tao lại ứa nước
mắt. Tận bây giờ tao chưa thấy một phụ nữ thứ hai cả gan bỏ tấm bằng tốt
nghiệp đại học về làm ruộng, dám cưỡng lời cha mẹ, một mình đơn độc cắp
nón về làm vợ cái thằng sự nghiệp phập phù, tương lai mờ mịt như mày.
Mấy năm trời mày bị đì lên miền núi, liễu yếu đào tơ vậy mà nó nuôi nổi
hai đứa con lít nhít với một bà già gần đất xa giời. Hôm nay em về quê
mà anh chị không được gặp em, đau đớn quá. Bà vợ giáo Hanh sụt sịt. Giáo
Hanh ôm gã nức nở, gã cũng khóc theo. Chiếc ba lô trong tay gã tự nhiên
nóng sực.
Ngày gã nhận công lệnh lên miền núi dạy học, gã đã quyết định ở nhà
chăm sóc bà nội. Bởi bà nội gã lúc ấy đã hơn tám chục tuổi rồi, không
thể tự cơm nước thuốc thang cho mình được. Gã nói ý dịnh ấy với người
yêu là con gái ông chủ tịch xã vừa được điều động về dạy trường cấp ba
trên thị xã. Không một chút đắn đo, cô ấy đã trả quyết định, rồi về làm
vợ gã, an phận chân lấm tay bùn, với điều kiện gã phải đi nhận nhiệm vụ,
phải coi sự nghiệp nam nhi làm trọng. Từ đấy, ông chủ tịch xã coi con
gái mình như hạt máu rơi, chửi, cơm không ăn, ăn cứt. Vợ chồng gã có hai
con rồi, ông cũng không thèm nhìn mặt.
Gã khoác ba lô chầm chậm ngắm nghía dọc phố Ninh. Qua cổng trường xưa,
qua gốc bàng già cỗi, chập chờn hình ảnh chiếc trõng bán hàng với dáng
cụ Hồng còm cõi. Phòng giáo dục thuở trước tạm làm việc trong mấy gian
nhà cụ Tuần Thiệp, giờ xây mới hoàn toàn. Dấu xưa còn mỗi gốc hoàng lan
cổ thu đứng im lìm góc sân. Gã nhớ năm đầu dạy học ở đây, mỗi ngày mỗi
gặp một bà điên, trắng toát trong bộ đồ lụa phẳng phiu, phe phảy chiếc
quạt giấy, vẻ mặt vô hồn đi lại trên đường phố. Đôi lần bà len lén đến
gốc hoàng lan nhặt chùm hoa lấm lem đất cát cài lên mái tóc, rồi khóc
lóc, rồi cười cười, rồi kể cây này bố tôi trồng để ghi nhớ ngày tôi ra
đời đấy. Bà ấy là con gái út của cụ Tuần. Năm 1954 đã trốn anh trai, ở
lại chờ chồng đang chiến đấu ngoài tiền tuyến. Nhưng buồn thay, anh tiểu
đoàn trưởng vệ quốc quân ấy đã hy sinh trên mặt trận Điện Biên. Bà vợ
liệt sĩ ấy đã hóa điên, được ông Phúc cử hẳn một nữ công chăm sóc hàng
ngày. Nghe nói gã đi B rồi, Một giáo sư Việt kiều con cụ Tuần được
trường Đại học Tổng Hợp mời về thỉnh giảng lý thuyết mới một môn toán
cao cấp, đã xin phép chính phủ đưa em gái sang Paris chữa trị. Chả biết
bà ấy có khỏi bệnh không. Biết tin ông Phú Lương đã mất, gã muốn đến
thắp cho ông nén hương, nhưng cửa nhà ông im ỉm đóng. Đi qua một tiệm
sửa xe máy coi bộ đang kỳ phát đạt, gã nhận ra căn nhà tồi tàn của ông
Phú đã biến mất. Nếu ông chủ bụng bự bây giờ với bộ râu trên đen nhánh
không giơ bàn tay cụt ngón trỏ chỉ bảo gì đó với cậu học việc thì gã
không nhận ra anh Quý tự thương đảo ngũ năm nào. Tìm đến nhà ông Phúc,
gã biết tin ông đã về già cách nay gần chục năm rồi. Con gái ông, em học
trò của gã ngày ấy, bây giờ đương chức chủ tịch huyện. Gã chúc mừng em
có chí nối được nghiệp cha. Em thoáng buồn: Khó lắm thày ơi! Nhiều lúc
em thật sự cô đơn. Những tấm gương như cha em bây giờ hiếm lắm.
Về đến đầu làng, tiện đường, gã lặng lẽ đi ra thẳng khu mộ
gia tộc. Đang cuối mùa đông, trời không ngớt mưa phùn rét mướt. Đường
làng thưa thớt bóng người. Chạm cổng nhà lão Phách, chân gã vô thức gạt
đổ bức rào tre dệu dạo, thận trọng từng bước ngắn men theo lối nhỏ ngập
ngụa lá khô ẩm mục dẫn vào vuông sân đất cỏ mọc um tùm. Thoáng thấy ai
như lão Phách hai tay ủ dưới vạt áo bông cũ sờn, lách cửa liếp nghiêng
đầu ngó ra rồi nhanh chóng thụt cổ, lỉnh vội vào màn sương mù lởn vởn,
gã định sấn tới hỏi lão cho ra môn ra khoai câu chuyện cũ. Chợt nghe u u
trong đầu mấy lời bà vợ rành rọt kiểu giảng bài: Lão ấy chết lâu rồi.
Đấy là hồn ma không siêu thoát đấy. Mà ông còn truy cứu rạch ròi làm gì.
Bây giờ chuyện ấy còn ý nghĩa gì đâu, Biết sự thật thì cũng là nghiệp
ác người làng mình deo tai vạ cho người làng mình thôi ông ạ. Hốt nhiên
lưng gã đầm đìa mồ hôi, khoảng không gian u tối trong tim nở ra xanh
ngát. Cục lo sợ cả đời phấp phỏng tự dưng tiêu tán như chưa hề trĩu nặng
trong lòng. Ừ nhỉ… bà nói phải. Giả dụ như biết rõ ngọn nguồn về cái sự
mất tích của cha gã, thì cái căn tính Người trong gã liệu có xấu đi hay
tốt thêm lên? Hốt nhiên gã bật ra một tràng cười, miệng mở to hết cỡ,
âm thanh vang hết cỡ. Suốt một đời gã chưa bao giờ được tự tin, hoan hỉ
xả ga cười như vậy. Gã cởi giầy vung tay vứt ra xa, hai bàn chân trần
xăm xăm bước trên những sá cày tơi xốp đợi mùa gieo cấy. Từ những rãnh
đất ẩm ướt, vô số những phiến lá cỏ khúc màu ánh bạc bị chân gã dẫm nát,
xông lên mùi hăng hăng đến nao lòng. Hồi còn thơ bé, vào những ngày mưa
xuân ấp áp, gã thường ra chỗ này hái từng rổ rau khúc cho bà gã hí húi
làm bánh. Cái thứ bánh dân giã thơm ngon ấy, sao lúc này gã thèm ăn đến
nôn nao, đến nghẹn ngào hai dòng nước mắt.
Hôm ấy, người ta phát hiện gã chết đứng trong tư thế quỳ lom
khom, đầu cúi cúi, hai tay giang rộng đặt lên hai tấm bia mộ gió của cha
và mẹ gã. Toàn thân gã tím tái, lạnh ngắt, nhưng lạ kỳ thay, bình tro
cốt bà vợ gã cứ hôi hổi nóng, ai sờ vào cũng giật mình.
Đám tang gã được tổ chức ba ngày sau đó. Hai con gái gã, mấy
đứa cháu của gã có mặt đầy đủ. Ngoài anh em làng nước, ngoài dông đủ học
trò gã, người ta đặc biệt chú ý đến hai ông bà già mái tóc bạc phơ đứng
chôn chân dưới làn mưa ảm đạm, ôm xiết hai đứa con gái gã, miệng lắp
bắp lặp lại một câu gì nghe không rõ.
25 – 3 2018
Vũ Thiện Khái
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét