Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ CHUYỆN ĐẠO THƠ – Nguyễn Nhạc Cụ

Gần đây người ta hay nói  đến đạo thơ, đạo văn, đạo nhạc… có nghĩa là lấy tác phẩm người khác làm của mình, cách lấy nầy có nhiều cách: lấy ý tưởng, lấy nội dung, lầy câu từ, tệ hơn là copy gần nguyên bài?…nhưng cũng có người cho rằng làm thơ bình thường từ ngữ đơn giản thì dễ trùng như: mây gió, trăng sao, tình muộn, tình hờ, chia xa ngăn cách…. Vậy làm thơ nên tránh những từ quá quen thuộc dễ trùng lấp mà nên sáng tạo như ngày xưa Thanh Tâm Tuyền có bài Lệ đá xanh là những từ đặc thù  rất lạ, sáng tạo khó mà trùng được?, Hay từ cát bụi tuyệt vời hoặc câu ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, Rồi như đá ngây ngô, đêm thấy ta là thác đổ hay đóa hoa vô thường…. là thương hiệu Trịnh Công Sơn thì nên tránh?! nếu có mượn thì phải làm dấu hay chú thích đàng hoàng
Năm 2015 tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 81 có in bài thơ Tự bạch của tác giả Phan Huy dài 28 câu, thể lục bát cũng dấy lên luồng tranh luận. Trong đó có câu
: “Gió Lào thổi rạc bờ tre
Đung đưa cánh võng trưa hè ầu ơ”
và “Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì làm trọn kiếp con tằm nhả tơ”.
Câu Gió Lào thổi rạc bờ tre giống y câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong bài Tiếng Nghệ:
 “Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn”
(Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi, NXB Văn học 2002).
Như vậy là Phan Huy đã đạo thơ hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?  Nhà văn Lê Xuân Bột cho rằng đây là đạo thơ, còn có người nói rằng vô tình trùng ý mà thôi!? Chỉ có nhà thơ mới trả lời được? Cái dỡ của nhà thơ là câu của Nguyễn Du ai cũng biết thì lấy làm gì? ( Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.)
Nhiều người nghĩ : Hàng ngày có hàng ngàn bài thơ trên toàn quốc, có hàng chục ngàn câu thơ, thì sự trùng lặp trong một vài câu nào đó là điều khó tránh khỏi. Mà nếu lỡ trùng một câu thơ mà mang tội đạo thơ thì cũng nghiệt quá?  Có trường hợp lộ liễu…thì khỏi nói rồi, nhưng cũng có trường hợp bị oan do  cách nhìn chủ quan của  từng cá nhân?
Trong đời sống văn học, có những câu thơ đi vào ngôn ngữ của người đời và được tồn tại lâu dài  đến nỗi người ta không còn nhớ tên tác giả. Như  bài thơ Vĩnh biệt ca của Pháp ( Rondel de l''adieu ) có câu:
Partir, c’est mourir un peu.
C'est mourir à ce qu'on aime
Ra đi là chết trong lòng một ít
Cho những gì ta thương mến thiết tha
Tác giả là Edmond Haraucourt (1857-1941)
Hẳn những người yêu thơ còn nhớ câu thơ quen thuộc của Xuân Diệu :
Yêu, là chết trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
trong bài thơ Yêu.( câu thơ nầy được trích trong bài hát Đừng nói xa nhau của Châu Kỳ – Hồ Đình Phương) Xuân Diệu cũng dựa câu thơ trên chỉ sửa ra đi thành chữ yêu   đã tồn tại trên nửa thế kỷ qua thì có đạo thơ hay không hay mượn ý ?
Cuối tháng 6/2018 trên facebook cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bài nêu: Câu thơ "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru" của Nguyễn Duy đã đạo câu thơ Xuân Quỳnh: "Dẫu con đi đến suốt đời/Vẫn không đi hết những lời mẹ ru". Câu thơ Xuân Quỳnh ở bài Lời ru, còn câu thơ Nguyễn Duy trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Nguyễn Duy cho rằng khi ông làm ông không biết câu thơ XQ do đó có thể là sự trùng hợp thôi, nhà phê bình Chu Văn Sơn cho biết ông đã nhận thấy sự gần gũi của hai câu thơ Xuân Quỳnh- Nguyễn Duy từ hai chục năm trước, nhưng có cách cắt nghĩa khác hẳn Trần Mạnh Hảo.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng “sự gặp gỡ tương đồng trong văn chương rất nhiều”. Và nói thêm:
“Thời văn học trung đại thì phổ biến là người sau lấy người xưa làm khuôn mẫu. Đến thời hiện đại, việc lặp lại sẽ bị quy đạo văn nhưng không phải mọi trường hợp giống nhau đều là đạo văn. Vì trong sáng tạo, có sự tương đồng về tư duy.  “Không phải lúc nào các nhà văn cũng đọc của nhau. Họ có thể gặp nhau tình cờ trong tư duy, trong các tình huống văn chương. Nguyễn Duy gia tài thơ quá lớn, việc gì phải lấy câu thơ vặt vãnh của người khác”.
Đơn cử  như câu thơ này : Có một cụm từ rất giống trong bài thơ của Hoàng Trung Thông "Bài thơ báng súng" :
Người ngã xuống cho vạn người đứng dậy ( MT)
(Những đứa con không về )
Thơ Hoàng Trung Thông là :
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.
( Bài thơ báng súng )
Vậy trong 2 bài thơ chỉ trùng cụm từ nầy: người ngã xuống, người đứng dậy  thì gọi là đạo thơ không ? hay trùng hợp ngẫu nhiên hay là mượn ý hay nghe quen rồi không nhớ bị ảnh hưởng?  Những từ nầy cũng là quen thuộc dễ sử dụng, chúng ta mỗi người theo chủ quan của mình thì cũng khó lòng, chỉ có những nhà thơ uy tín, nhà nghiên cứu trả lời hộ?
Một dạo, người ta cũng đồn Nhà thơ Hữu Thỉnh  cũng có những câu giống thơ Tự Đức  rất quen thuộc với người yêu thơ :“Đập cổ kính ra tìm thấy bóng – Xếp tàn y lại để dành hơi”  (khóc Bằng Phi ) dựa ý nghĩa trên ông đảo ngữ  ra câu thơ : “Mở trăng ra tìm, Trăng còn in bóng – Mở cỏ ra xem, Cỏ còn hơi ấm” nhưng có lẽ đây là ý tưởng trùng hợp với nhau? Hoặc có thể tác giả đã biết bài thơ trên từ lâu và chịu ảnh hưởng. Cái nầy trong văn nghệ thường có, nhạc sỹ Từ Công Phụng có lần tâm sự hồi nhỏ thích nhạc Đoàn Chuẩn nên khi sáng tác ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng ( Một chút về Từ Công Phụng qua ngòi bút của Du Tử Lê)
Về cái tựa đề trùng nhau thì trong văn học thiếu gì ? Ngay như  đợt trao giải Xuân Hồng năm 2016 có bài hát: Bên tượng đài chiến thắng Tua Hai của NS Nguyễn Quốc Đông đạt giải thì nhà thơ Phan Kỷ Sửu khiếu nại với Hội VHNT TN rằng lấy thơ ông phổ nhạc ? khi Hội kêu đưa ra bằng chứng thì ông không có gì cả. Hội mới nhận được ấn bản bài hát do Sở VHTTDL TN in từ năm 2005, sau đó xem lại thì bài của  PKS đăng báo Tây Ninh năm 2010 ( sau bài hát tới 5 năm) và nội dung thì hoàn toàn khác chỉ trùng cái tựa, vậy ai lấy ai? Cho thấy sự hấp tấp của nhà thơ cũng là cái dỡ? Còn nhạc sỹ thì cũng cười trừ vì ông cho rằng cái tựa nầy cũng dễ bị trùng? Thế thôi! Về cái tựa thì rất nhiều bài hát nổi tiếng đều có trùng nhau như thời tiền chiến có bài Làng tôi của Chung Quân rất hay, sau thời kháng Pháp có bài Làng tôi – của Văn Cao  điệu Valse ngọt ngào ai cũng biết và bài Làng tôi  của Hồ Bắc thì có sao đâu? hay bài Tình ca của Phạm Duy, rồi  Tình ca của Hoàng Việt hay bài Tình ca mùa xuân của Trần Hoàn sau nầy có Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập hay trước khi Văn Cao sáng tác bài Mùa xuân đầu tiên năm 1976 thì đã có bài Mùa xuân đâu tiên rất nổi tiếng của Tuấn Khanh rồi thì người ta vẫn ca rầm rầm, bài nào cũng hay cả  có ai nói gì? Hay cụm từ Tóc gió thôi bay của Trần Tiến ( trong bài cùng tên) :
 Thuyền xưa xuôi dòng người xưa đã có chồng
Buồn vui những tháng năm bên người yêu dấu
Tóc gió thôi bay những ngày thơ
Trước 1975 Trịnh Công Sơn đã dùng cụm từ nầy trong bài Em hãy ngủ đi:
Ngủ đi em đôi môi lửa cháy
Ngủ đi em mi cong cỏ mượt
Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc
Ngủ đi em tóc gió thôi bay
Nhưng tôi nghĩ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì từ rất hay hay cũng có thễ vì thích nhạc TCS mà Trần Tiến mượn từ? Cũng không có gì là nghiêm trọng
Như tựa  bài  Huyễn hoặc ngày em – Thơ Trần Nhã My thì cũng na ná tựa  Huyễn hoặc giấc mơ của  Khaly Chàm trước đó, nhưng chỉ là tựa thôi chứ không giống nội dung, thì những trùng hợp nầy rất bình thường.
Còn nhớ năm 2015 trên văn đàn cả nước lại ồn ào rùm beng  chuyện có 2 bài thơ giống nhau như đúc, bài Bạch lộ của Phan Huyền Thư được giải Hội nhà văn Hà Nội rất giống bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan TP HCM chắc đôi khi vì đọc nhiều thơ quá mà ngấm lời thơ của các nhà thơ, khi cảm xúc đến vô tình nghĩ tưởng đó là cảm xúc của mình lại dùng ngay?
Việc nhận định đạo thơ? Đạo ra sao? Cũng cần có cách nhìn khách quan,vốn liếng văn học và sự trải nghiệm, chứ chúng ta cứ khắc khe  hẹp hòi hay quá đáng bắt lỗi chỉ vì một từ, một câu nào đó hơi giống giống mà gọi đạo thơ thì cũng oan cho người viết? Nếu bắt lỗi như kiểu nầy thì e rằng nhà thơ nào cũng dính chút đỉnh? Thử làm một động tác: ta chọn vài từ hay một câu nào đó trong tập thơ của ai rồi bỏ vào Google bảo đảm sẽ ra những câu, những từ na ná !??
Để kết luận bài viết xin mượn ý của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói: “Từng đã có người viết câu trước câu như thế này thì mình viết sau phải tránh va vào là chuyện nên làm. Ví dụ: Trăm năm trăm cõi người ta của Nguyễn Du, bây giờ dám ai mang vào thơ của mình không? Lâu nay cũng có việc một số tác giả mượn ý thơ của nhau là bình thường.
Còn nhà thơ Trương Nam Hương thì cho rằng khi làm thơ, dù ý tưởng có chợt đến với mình, nhà thơ cũng tỉnh táo nên tránh xa. Đọc thơ mới sáng tác mà người ta nghe giống giống ở đâu đó thì nguy lắm. Hết sức tránh đi lạc vào lối mòn của người khác đã đi”.
Theo thiển ý  người viết trong sáng tác ta cũng nên cố tránh những từ quá thông dụng hay sáng tác rồi mà phát hiện trùng khớp câu từ nào đó nên chỉnh sửa thì hay hơn, đừng để thiên hạ nghĩ lầm?  Thiết nghĩ  đó  cũng là lương tâm người cầm bút chớ không ai  nhảy vào mà biết được? Các lý lẽ đôi khi cũng biện hộ, trước nhất phải tránh đi hạn chế  thông thường, những trùng hợp không đáng có? nhà thơ phải  biết học hỏi sáng tạo, phải tư duy tốt và có lòng tự trọng, tất cả những sự dễ dãi hời hợt, đạo ý tường, cóp nhặt của người khác thành văn mình là điều tối kỵ của văn nghệ sỹ
 
Nguyễn Nhạc Cụ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét