Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

KỲ TÍCH BÀ ĐEN – CHƯƠNG BA – Kỳ 4 – Xuân Sắc



Quan huyện Hà Đảnh trước giờ ngoài việc quan nha lại còn là một tay buôn bán lâm sản, thổ sản, thường những chuyến ghe miền Nhà Bè, Long Hồ, Định Tường cặp bến Trảng Bàng để ăn hàng, khách buôn đều là khách trú, ngoài việc bắt bớ tịch thu, Hà Dảnh còn dùng bọn thổ hào mua rẻ của dân.
 
Sau bữa cơm với thịt cheo kho sả ớt rất ngon miệng, đêm về chàng và ông cụ đem chiếc chỏng tre ra sân cùng ngắm trăng uống trà. Xóm Truông Cây Mít có độ trên mười nóc gia gần nhau, nhà cửa đơn sơ, dân cư ít ỏi mà có tinh thần đoàn kết để sống giữa nơi hoang vắng. Biết cụ già có khách lần lượt những cụ già cùng xóm đến chơi, họ trải đệm xuống đất giữa sân, đống un cạnh đó được bắt lên ấm nước trà rừng sôi sục, họ ăn khô nai uống trà, món ăn quý nhất chỉ dùng để đãi khách vì chẳng có chi hơn. Càng về khuya ấm trà càng đậm, nghĩa tình con người càng quyện chặt, các ông cụ luân phiên bổ sung cho nhau những câu chuyện rừng, hấp dẫn bất tận.
–        Đây là Truông Cây Mít. Vì ở chỗ khúc quanh có một cây mít nài. Mít nài là một loại mít ri72ng hoang dại, mít nài có một sức sống kỳ lạ, lớn rất mau, cùng lứa tuổi với cây khác thì mười năm sau nó lớn gấp đôi, hai mươi năm lớn gấp ba, cứ thế mà to dần. Khi các cây cùng tuổi chưa bằng vòng tay, thì mít nài hai người ôm không hết. Nó là loại gỗ quý, bao lớn cũng có lõi, càng lớn lõi càng ra tận da. Cái đặc biệt của nó là thịt gỗ xốp, nhẹ nhưng lại rất dẻo, rất bền, có thể để nằm lâu năm trong đất khi đẽo ra vẫn còn nguyên rất tốt, những loài mối mọt không đục phá như loại gỗ thường, đáng chú ý là các chùa miểu hay dùng gỗ này để tạc tượng hoặc làm vật trang trí. Còn người dân thì chẳng một ai dám dùng gỗ mít nài cả.
Lê Sĩ Triệt hỏi:
–        Tại sao dân không dùng hở bác?
–        Bác cũng khó trả lời, vì người ta không giải thích được. Khi các vật dụng dùng trong nhà như tủ, bàn ghế, thậm chí vách phên đóng làm bằng loại cây này, ngày nắng cháy hay mưa dầm dề từ trong thớ gỗ có tiếng chuyển mình trèo trẹo, răng rắc, có lúc kêu to bôm bốp, dù những khi ấy không có vật gì va chạm vào.
–        Phải chăng là do sự co giản của cây?
–        Bác cũng nghĩ như thế, sớ thịt cây này cấu tạo dạng chân tôm, nhiều lớp ngược xuôi, ngang dọc mà không theo nếp thẳng nào, thớ thịt to mà thưa, chen trong đó có nhựa luôn bao quanh nên luôn bóng bẩy, vì dễ hấp thụ khí trời, sự co giản của nó bị ức chế trong các khuôn rập do cấu tạo của đồ dùng mới gây những tiếng động đột ngột trong lúc co giản.
Vì gỗ mít nài quý hiếm, kích thước to lớn để đáp ứng các yêu cầu khuôn khổ của người dùng, các lão thầy tu muốn muốn được độc quyền sữ dụng loại gỗ quý ấy, họ đã dựng huyền thoại cho nó là loại “cây ma” chỉ nên để cho các chùa sữ dụng mà thôi, thành thử dân thường không ai dám sữ dụng.
Trái mít nài có gai như trái mít nhà to bằng cổ bắp chân, múi mít nhỏ như ngón tay, trái chín có vị chua chua, ngọt ngọt. Thân cây tròn trịa to lớn lại suông sẻ, ta hạ một cây mít nài cùng một loại cây khác thì mít nài cho ta khối lượng gỗ dùng gấp hai, ba lần cây thường.
Nơi đây là Truông Cây Mít Nài, qua nhiều đời được gọi đơn giản là Truông Cây Mít và có thể về sau người ta sẽ loại bỏ bớt cho giản tiện và kêu bằng Truông Mít không chừng. Ở bìa truông có năm sáu gia đình phá rừng làm rẫy sinh sống. Về hướng đông qua đồng trảng lớn có một giòng suối, được gọi là Suối Nhánh. Từ bìa xóm đi bộ hai trống canh là đến thành cổ Bàu Đồn. Ở Truông Cây Mít thỉnh thoảng lại xuất hiện con cọp vằn vắt khăn về phá, bắt heo, bắt chó có khi giết cả trâu bò. Nếu không trừ được thì có lẽ xóm này sẽ bỏ dời đi nơi khác.
Lê Sĩ Triệt nói:
–        Hồi còn ở chùa con có nghe nói đến con cọp này, nó phá khuấy nhiều nơi, bắt cả người nữa.
–        Con cọp vắt khăn này tinh khôn lắm, nó hung dữ vô cùng thường hay mò vào xóm bắt chó, bắt heo, trâu bò, có khi ăn cả thịt con người. Tầm hoạt động rộng lớn hung bạo gần bằng một đạo binh nhỏ. Khắp vùng từ Hố Bò, Xóm Ươm, Bùng Binh, Bời Lời, Bàu Găng, Bố Bịt, Nước Đục, Bến Buôn, Suối Nhánh và Truông Cây Mít này nơi nào cũng có vết chân. Nếu đêm này nghe nó ở Truông Cây Mít thì khoảng năm bảy hôm sau, nghe nó xuất hiện ở miệt Hố Bò. Cứ thế mà luân chuyển dời chỗ. Một con thú tinh khôn, nhiều thợ săn tổ chức truy tầm nhưng không gặp được vì không biết hang ổ nó ở đâu và sự đi lại của nó thế nào?
Cách đây ba năm một vụ cọp giết người rùng rợn mà cũng buồn cười, Ba Lù và Năm Béo là hai tên thổ hào ở vùng Bến Buông, nhò khéo a dua, nịnh cùng quan huyện Quan Hoá nên được ban chức quản thôn. Ở dọc con sông từ Bến Buông đến Bưng Bàng. Xứ này rãi rác có khoảng năm mươi nóc gia chuyên sống bằng nghề lấy chai, đốt dầu con rái và đáng lờ, đánh lọp dưới sông.

Hai thổ hào Năm Béo, Ba Lù được quan chiếu cố ban chức quyền cho đều do lẽ đó.
Hai tên này nếu để tách riêng ra thì cũng không có gì đáng sợ. Năm Béo tuy ranh ma nhưng dốt nát, những mẹo vặt của hắn hay sự gian trá điêu ngoa cũng chỉ có mức độ nhỏ. Còn Ba Lù biết võ vẽ chút đỉnh chữ nghĩa, nhưng là một tên liều mạng, vừa nịnh hót, vừa có máu du côn. Chúng cùng gặp nhau dưới trướng quan huyện rồi dựa vào nhau, bổ sung cho nhau hợp sức thành sức mạnh của bọn ác bá cường hào. Không ai thấy chức quản thôn mà chúng được quan huyện ban cho lấy từ phẩm trật triều đình thời nào. Có điều thấy được là sau khi được chức quan, chúng hí hửng, hỉ hả, hống hách đáo để. Rồi cũng từ đó mà dân chúng khắp vùng luôn bị kiềm kẹp chén cơm tấm áo bị đe doạ hàng ngày. Chúng bắt bớ người lượm chai trên rừng để tịch thu, hoặc chúng mua không chịu trả tiền. Chúng nhờ huyện quan mà phất, quan huyện nhờ chúng mà thêm giàu. Chỉ những người dân vùng Bến Buông lên Bưng Bàng là khổ, không làm sao ngóc đầu lên được.
Nhân khi tên vệ sĩ Chu Thiện được huyện quan phái đến hối thúc quản thôn đem giao nộp đủ số chai cục và mật ong. Tên Năm Béo đi với một bộ hạ lội về Bến Buông truyền lệnh. Y bắt gần hai chục người dân khiêng gánh những báu vật của rừng gồm có một ngà voi, mười sừng nai, hai trăm mai rùa, hai cái mật gấu, năm trăm cân chai và ba mươi ché mật ong đem về Bến Đợi. Bất ngờ y bị cọp vắt khăn vồ được, dân chúng hoảng chạy tứ tán. Được hung tin, Ba Lù cùng vệ sĩ Chu Thiện mở cuộc truy lùng để lục soát dành lại thấy Năm Béo. Khi gặp xác Năm Béo thì đã bị cọp moi mất tim gan và ăn hết một bắp đùi. Khi dân phụ khiêng xác Năm Béo quay ra vừa hơn trăm bước, không biết cọp nằm phục hồi nào, đoàng người khiêng thây đi qua có Ba Lù cậy mình có võ nghệ nên đi sau yểm trợ. Từ bụi rậm ở gần lối đi cọp nhảy ra hạ thủ Ba Lù. Mọi người vỡ mật bỏ cả xác Năm Béo mà chạy về. Mấy ngày sau, quan quân đến mở cuộc truy lùng chỉ gặp được hai cái đầu lâu cùng mớ xuơng vụn đang bị dòi đục khoét. Có người biết chuyện họ giải thích rằng theo tập tính của cọp thì khi bị mất mồi, có muốn cướp lại hay bị địch thủ gây thương tích, nó muốn trả thù. Từ điểm xuất phát cọp đi một vòng thật xa và rộng, rồi quanh lại nằm phục cạnh nơi có vết nó mới đi qua, chờ cho địch thủ vô ý cứ đuổi theo vết máu nó sẽ phóng ra vồ trả thù. Ai muốn theo dấu cọp phải đề phòng trường hợp đó, phải tổ chức thành đoàn đi hàng ngang thì một là sẽ gặp cọp, hai là cọp sợ người phát hiện mà tránh trước.
Việc ấy xảy ra ai cũng nói đáng đời hai tên chó săn, nhưng có điều lạ là từ ấy đến nay cọp không giết người mà chỉ bắt heo chó hay trâu bò mà thôi. Vì sợ cọp nên các vùng xa người ta lấy cây lớn xóc kề nhau mà rào quanh nhà và làm cửa nẻo chắc chắn, còn ở đây thì dùng mõ tre báo động. Khi có cọp xuất hiện, mọi người lao, ná xông ra tiếp ứng cùng nhau. Nhưng thường là muộn hơn vì nó tinh khôn bỏ đi mất rồi, chỉ còn xác con vật bị giết chết mà thôi.
Cuộc nói chuyện vui vẻ kéo dài, nhưng ấm trà rừng cạn rồi lại đầy, đống lửa tàn được ném thêm những khúc củi khô, lửa than rừng rực, xâu khô nai treo trên chái giàn bếp vơi dần và hết nhẵn. Trăng mười bốn tháng giêng đã xế qua, từng đụn mây mỏng mảnh đuổi nhau, chị hằng trông xuống trần gian, càng khuya càng sáng tỏ như muốn chia sẻ tình nghĩa con người.
–        Khuya rồi, thôi về nghỉ, chú em và anh bảy suốt ngày đi đường mệt mỏi cũng cần nghỉ ngơi.
Một ông trong các vị khách nói rồi đứng lên, tất cả đứng theo. Những cái vỗ vai nắm tay trìu mến thân ái khiến cho Lê Sĩ Triệt vô cùng xúc động. Bà con dân quê tốt quá, thân tình quá. Có người vui vẻ rủ chàng ở luôn lại đây mà lập nghiệp, họ sẽ lo cưới vợ cất nhà cho chàng. Tiếp cận với những con người chất phác, hồn nhiên dù cách ăn ở giản dị, quần áo vải thô sơ, xấu xí, cuộc sống lam lũ, mặt nám tay chai, nhưng tâm hồn và tình cảm của họ cởi mở trong sáng, thật thà đáng mến. Chàng định bụng một ngày nào đó sẽ tìm về gặp lại số bà con ở Truông Cây Mít và đáp lại thạnh tình của bà con dành cho chàng.
Trên chiếc chõng tre đặt dưới mái hiên, chàng và ông cụ Bảy nằm yên, đầu óc nghĩ suy chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Bỗng có tiếng mỏ tre loạn xạ, tiếp theo cả xóm vang lên tiếng cốc cốc liên hồi. Ông Bảy bật dậy:
–        Cọp về!
Bác đi vội vào trong, xách cây dao bước ra. Lê Sĩ Triệt cũng tay huơ ngọn roi, cả hai chạy thẳng đến nhà có tiếng mõ ban đầu.
Trong khoảnh khắc, các thanh niên từ mười lăm tuổi trở lên đến cụ già sáu mươi, tay lao, tay mác đều có mặt. Chủ nhà là một ông sồn sồn tuổi quá bốn mươi đang đứng giữa sân giải thích với mọi người. Ngồi trên mép giường trong nhà, dưới ánh sáng ngọn đèn chai, người đàn bà tay ôm con, miệng nói năng lập bập còn run rẩy, chú bé đang bồng vẫn vô tư, huơ đôi tay vào không khí, miệng luôn toét ra cười.
Ông chủ nhà kể:
–        Tôi đang ngủ nghe bả la một tieng “oái”… rồi nín luôn, tôi lật đật chạy đến cửa thấy bả bò không la bò, lết không ra lết, miệng mồm đánh bò cạp mở không ra. Tôi xốc bả vào đặt lên sạp, nghe bả nói được có một tiếng c…ó..p mà không rõ ràng.
Tôi xách lao ra chảy thẳng đến chuồng heo, thấy ông ta ba chân chấm đất, một chân trước bấu cứng con heo trên lưng. Sẵn cây lao trên tay, thay vì đâm ổng, quýnh quáng tôi đập đại lên mình. Cũng may, có lẽ cúng tay ông thầy, ổng buông rớt con heo. Khi đủ bốn chân ổng nhảy thật lẹ. Chạy xa độ trăm bước ổng kêu lên “béo” một tiếng rồi mất luôn.
Mọi người ra khiêng con heo nặng cỡ ba chục cân đã bị móc họng chết. Trong cổ, những giọt máu còn chảy ròng ròng. Đem về sân, họ xúm nhau nấu nước, cạo lông, xẻ thịt nấu cháo, ăn chơi chuyện trò đến sáng.
Ông chủ nhà nói:
–        Con heo tôi nuôi để cúng cơm ông già, kỳ giỗ này chắc ông già tôi hẩm hút lắm.
Một chú thanh niên nói:
–        Con heo còn nhỏ mỡ không bao nhiêu, mà ông thầy mới rớ vào, chưa kịp ăn đã khen “béo”. Chắc ổng thèm thịt heo lắm giờ này ngồi đâu đó liếm bàn tay cho đỡ ghiền.
Mọi người cười rộ, một cụ già khác bày vẽ:
–        Lực bộ ruột và cái đầu đưa vô ngay đường đi của ổng trong rừng để kiến cho ổng, để ổng đừng phá xóm mình nữa.
Chú thanh niên tiếp:
–        Cọp chứ phải ông bà gì mà kiến với cúng. Bác cho nó ăn nó quen, mai mốt nó về tôi chỉ lại nhà bác, chớ tụi tui không có của đâu mà cúng kiến.
Cụ già tức lên cải lại:
–        mày nói ngang như cua bò. Vật khinh hình trọng, đừng nói chơi phạm thượng với ông thầy, không nên.
Chú thanh niên cải tiếp:
–        Có vậy mà cũng nói chữ nói nghĩa.
–        Chữ nghĩa gì?
–        Ông mới nói vật khinh hình trọng gì đó?
–        Không phải hả. Mình kiến cho ông thầy có cái đầu và bộ ruột, đó là vật khinh chớ có gì lớn lắm sao? Ổng nhận vật lễ rồi ổng đi chỗ khác, xóm mình khỏi bị thiệt hại là hình trọng chớ gì. Hổng phải hả?
–        Không phải đâu bác ơi.
–        Chớ làm sao mới phải hả? Thằng quỷ.
–        Đó là chuyện xử án. Chuyện vầy nè: Ngày xưa … có thằng ăn trộm. Nghe đồn ở nhà một mụ già nọ có làm cái ống ngoáy bằng vàng. Anh ta định lấy trộm cái ống ngoáy đó. Thấy bà già đi ngủ rồi bỏ ống ngoáy và trầu cau trong khay để trên bàn giữa nhà. Anh ta nghĩ ống ngoáy bằng vàng thật thì không thể bỏ dễ dải như vậy. Có lẽ cái bằng vàng bà ta cất kín trong chiếc giường hộc mà bà nằm lên trên. Nhiều đêm đến rình như vậy, cuối cùng anh ta nghĩ cách phải cướp chớ không thể trộm. Nhân lúc bà già nằm ngủ, anh lấy cái mền chụp phủ bà ta kín cả thân mình rồi đè xuống cột lại, xô bà rơi xuống đất. Mở hộc giường lấy cái túi nhiễu có đựng ống ngoáy. Bà già giảy giụa ló ra được cái đầu, nhờ ánh trăng mờ mờ rọi qua song cửa, bà nhìn ra y là người cùng xóm, bà ta kêu tên điểm mặt, y sợ bà báo quan nên quay lại lấy cây gài cửa nện một cái vào đầu, bà lão chết ngất. Tưởng bà đã chết thật nên hắn bỏ đi, không dè bà lão giỏi chịu đòn nên không chết. Hôm sau bà đầu đơn lên quan, anh ta bị bắt. Trước mặt quan, bà lão cho biết đó chỉ là vàng giả. Dù không lấy được đồ thiệt, nhưng mắc tội ăn trộm và cố ý giết người nên quan kêu án nặng. Anh ta lãnh án năm năm tù. Vật khinh hình trọng là như thế, cũng như con cọp này, chỉ đi bắt một con heo nhỏ xíu, phải ông chủ nhà đừng quýnh quáng lui cho anh chàng một mủi lao là bỏ mạng. Vật khinh hình trọng là vậy đó cha ơi.
Ai cũng cười rộ, riêng cụ già nọ nói khoả lấp:
–        Cái thằng hai nó đặt điều quá nhiều chuyện. Hết sức cho mày.
Từ ngày huyện quan Hà Đảnh và đoàn tuỳ tùng du xuân, nghĩ rằng đã mấy năm qua ông không mở cuộc du hành, trong xóm thôn chắc nẩy ra nhiều điều mới lạ, nên lúc ra đi ông càng hăm hở nôn nóng. Đoàn xe ngựa vượt đường bộ Gò Dầu, chiều thì nghỉ lại bên Cẩm Giang, hôm sau vừa tối thì đến An Cơ.
Trên đường đi, đến đâu cũng thấy xóm làng xơ xác, nhà cửa dân chúng dường như khô kiệt, thiếu hẳn cái tươi mát của ngày xuân. Trong những cánh cửa đóng kín không biết chứa đựng những gì, chỉ thỉnh thoảng gặp ít cụ già ngồi dựa cửa ngó ra, vẻ mặt ưu tư hốc hác. Đoàn xe ngựa của ông chỉ nhận được sự chào đón của những con chó hung dữ theo đường mà thôi. Lòng chán nản, mất hứng thú. Đến Dinh điền An Cơ, quan được viên đội suất do ông đặt ra để cai quản ở đây tiếp đón bằng thịt béo, rượu nồng. Ông thuật lại và hỏi về cảnh trên đường đi, y chỉ trả lời vớ vẩn:
–        Có lẽ họ vào rừng hay ra rẫy làm ăn …
Không còn hứng thú, huyện quan vơ vét một ít dược liệu, mai rùa, sừng nai, mật ong. May được thêm ba cặp nhung và hai cái mật gấu. Hôm sau ông cùng đoàn tuỳ tùng trở lại. Không muốn theo về đường cũ, ông ngủ đêm tại Chà Là, giờ ngọ ông đến Truông Cây Mít, tâm trạng huyện quan chán nản, vẻ mặt uể oải, lầm lì ít nói làm cho bọn tuỳ tùng càng chột dạ, dè dặt không dám tiếp xúc, bắt chuyện dù cùng đi, cùng ăn, cùng nghỉ với quan.
Hai chiếc song mã và hai vệ sĩ cởi ngựa đến gốc cây mít nài to lớn bên đường. Hà Đảnh hối thúc đoàn người vượt mau, qua khỏi nơi đây chừng nửa dặm thì đến xóm thợ săn. Ở đó có cơm nước nghỉ chân rồi tiếp tục lên đường.
Đoàn xe ngựa đang chạy nước kiệu, bỗng nhiên những con ngựa dỏng tai khịt mũi ngó dáo dác rồi chùn vó lại. Những con trong xe lồng lộn như muốn xé toạc chiếc xe để thoát ra ngoài. Khi đám vệ sĩ và người xà ích đang ra roi la hét một cách vô hiệu thì bất ngờ từ trong mé rừng một con hổ to lớn xông ra, nhảy thẳng phóng lên chụp người xà ích đánh xe của quan huyện. Nhờ lanh mắt, anh xà ích té ngang rớt xuống bên kia chiếc xe, con cọp chụp hụt bị vướng nằm ngang trên mình ngựa. Hai con ngựa hốt hoảng phóng bay qua lề đường, anh xà ích cầm roi lồm cồm bò dậy miệng la cọp, cọp … chiếc xe lật ngang xuống đường, càng xe đè lên mình cọp. Cọp nghiệp hai con ngựa bị dây da bó cứng vào xe, không thoát được, hai con đầu chúi vào nhau quay đít ra ngoài, chân liên tiếp đá bung lên sỏi cát. Quan huyện hồn phi phách tán vì xe bị lật, lại quá gần con cọp, ông ta lết dần về mé sau chui ra được, bất kể những vết đau cố chạy thục mạng để thoát thân. Trong khi đó, đám vệ sĩ bỏ bầy ngựa bất trị, mạnh con nào con nấy chúi đầu vào bụi cây, hai chân liên tiếp đá bổng lên trời, cát bay trắng xoá. Thấy cọp, tất cả cầm võ khí xông tới, con cọp cũng vừa vuột ra khỏi càng xe. Trước đám người đông, cọp không nao núng, cúi đầu sát đất gầm lên một tiếng vang đông lạnh lùng, một cuộc quần thảo giữa cọp và bốn vệ sĩ diễn ra sôi nổi.
Cũng trưa hôm ấy, sau khi cơm nớc xong, một số thanh niên và mấy cụ già cùng bác Bảy tiễn Lê Sĩ Triệt ra đường cái. Trong khi mọi người đang bày tỏ cảm tình với chàng trai trẻ bỗng nhiên đều giật nẩy mình vì có tiế`ng cọp gầm lên gần bên và tiếp theo là tiếng người la hét. Bác Bảy hô lên:
–        Cọp đang bắt người, chạy tiếp tay với họ anh em ơi.
Vừa dứt lời, bác Bảy xách lao chạy trước, Lê Sĩ Triệt tức tốc chạy vọt theo. Rồi mọi người kẻ ná, người lao đổ về một hướng. Chạy vừa trăm bước thấy dáng một quan nhân khăn be, áo nhiễu, đang phục phịch vừa chạy, vừa la, vừa nhìn lại mé sau. Nhìn xa lên thấy đám người lúc dạt ra, lúc tụ lại, một con cọp to lớn đang tấn công từng người, tiếng hò hét vang rần không biết phần thăng bại về bên nào. Còn vị quan nhân thấy người đôg đầy chạy tới, ông ta an tâm dừng lại để thở vì quá mệt. Lê Sĩ Triệt vượt lên thấy ông ta vừa chỉ vừa nói, tiếng được tiếng mất:
–        Quý vị ráng tiếp cứu người … cọp lớn quá, chút nửa tôi bị nó ăn thịt rồi.
Vượt qua vị quan nhân, Lê Sĩ Triệt xông tới đấu trường, thấy hai người đã mệt, hơi thở ồ ồ, còn hai võ sĩ kia khá hơn, bình tĩnh ra những đòn đánh vững vàng. Nhưng sức cọp thì quá to, quá mạnh. Còn những con ngựa lại chèn đầu vào bụi rậm, miệng hí vang, chân đá bổng ngược ra phía sau. Chàng nhớ lại lời thầy nói về tập tính của loài ngựa, bây giờ chàng mới được chứng kiến. Nhìn cảnh tượng bi hài ấy, chàng mỉm cười kêu lên:
–        Các anh ngừng tay nghỉ mệt, để tôi đánh cọp cho.
Vừa dứt lời, bác Bảy xách lao chạy trước, Lê Sĩ Triệt tức tốc chạy vọt theo. Rồi mọi người kẻ ná, người lao đổ về một hướng. Chạy vừa trăm bước thấy dáng một quan nhân khăn be, áo nhiễu, đang phục phịch vừa chạy, vừa la, vừa nhìn lại mé sau.
Nhìn xa lên thấy đám người lúc dạt ra, lúc tụ lại, một con cọp to lớn đang tấn công từng người, tiếng hò hét vang rần không biết phần thăng bại về bên nào. Còn vị quan nhân thấy người đôg đầy chạy tới, ông ta an tâm dừng lại để thở vì quá mệt. Lê Sĩ Triệt vượt lên thấy ông ta vừa chỉ vừa nói, tiếng được tiếng mất:
–        Quý vị ráng tiếp cứu người … cọp lớn quá, chút nửa tôi bị nó ăn thịt rồi.
Vượt qua vị quan nhân, Lê Sĩ Triệt xông tới đấu trường, thấy hai người đã mệt, hơi thở ồ ồ, còn hai võ sĩ kia khá hơn, bình tĩnh ra những đòn đánh vững vàng. Nhưng sức cọp thì quá to, quá mạnh. Còn những con ngựa lại chèn đầu vào bụi rậm, miệng hí vang, chân đá bổng ngược ra phía sau. Chàng nhớ lại lời thầy nói về tập tính của loài ngựa, bây giờ chàng mới được chứng kiến. Nhìn cảnh tượng bi hài ấy, chàng mỉm cười kêu lên:
–        Các anh ngừng tay nghỉ mệt, để tôi đánh cọp cho.
Ngọn roi mật cật cầm sẵn nơi tay, Lê Sĩ Triệt nhảy vào vòng đấu. Hai vệ sĩ quá mệt rút lui ra xa đứng ngó vào, còn hai người khoẻ mạnh vẫn tiếp tục quần thảo với cọp. Một anh nói:
–        Con cọp hung dữ và mạnh lắm, anh bạn hãy coi chừng.
Gật đầu, Lê Sĩ Triệt ung dung bước đến trước đầu con cọp. Chàng dứ mạnh ngọn roi định bụng gạt cho nó lao vào sẽ trở tay quật lại để thanh toán. Không ngờ con cọp không mắc mưu, nó lắc đầu nhe hàm răng nhọn, mọp sát đất hộc lên một tiếng vang rừng, đập đuôi xuống đất, trong nháy mắt nó nhảy phủ vào người Lê Sĩ Triệt.
Dường như cọp biết mình bị Lê Sĩ Triệt phá đám nó nổi giận quyết giở ngón độc để giết chàng. Với thân hình to lớn lại ra đòn hung dữ, khối thịt của nó đè nhằm cũng đủ bẹp dí người chàng.
Mọi người tối mắt, trong khi hai vệ sĩ bình tĩnh nhất trước đó cũng chỉ la được:
–        Coi chừng!
Không ai thấy kịp lê Sĩ Triệt dùng động tác nào để đánh đỡ, họ chỉ thấy con cọp to lớn đổ xuống vùng đất trống, từ sau lưng cọp Lê Sĩ Triệt đá một đá thật mạnh, mông cọp quay ngang, nó hộc một tiếng lớn, mất thăng bằng hai chân trước vặn ngang cày xới một vệt dưới chân. Cọp chồm dậy mộp đầu thủ thế. Cũng vừa lúc đoàn người ơ Truông Cây Mít chạy đến, bác Bảy là người đầu tiên nhận dạng được con cọp đã hô to:
–        Đây rồi, coi chừng con cọp vắt khăn đó.
Mọi người nhìn kỹ mới thấy trên vai chân trước bên phải của nó có một vệt lông vàng to và dài nằm vắt qua, khác hẳn các vằn khác trên mình cọp. Lúc ấy con cọp lại gầm lên lao tới. Bây giờ như đã biết thế nhảy phủ không thắng, nó lao thẳng vào mình Lê Sĩ Triệt. TỪ xa phóng tới khi còn giữa khoảng không, hai chân trước nó giang rộng ra hai bên. Lê Sĩ Triệt đã có tính toán, chàng né sang bên tay phải và lòn xuống nách cọp, nhảy vọt ra phía sau xoay người quật ngọn roi vào vai cọp khiến nó nhủi đầu xuống đất. Vừa lúc đó, hai vệ sĩ bồi thêm hai ngọn côn trên lưng làm nó đau điếng. Cọp hộc lên một tiếng lớn, quay mình thật nhanh nhảy xổ vào Lê Sĩ Triệt lần nữa. Bác Bảy đứng ngoài hô to:
–        Hãy coi chừng nó bắt đầu liều mạng rồi đó!
Biết cọp đến lúc điên tiết, Lê Sĩ Triệt không dám xem thường. Lúc cọp sa xuống, Lê Sĩ Triệt thả ngọn roi dựng đứng, con cọp thấy nguy liền lật ngang mình. Chợt ngọn roi cũng ngã xiêng, thân hình cọp ấn xuống ngọn roi, ngọn roi xóc sâu vào mạng sườn của cọp. Chàng thâu roi đánh bồi một nhát trên cổ, đau đớn quá, cọp hộc lên một tiếng chồm dậy phóng lẹ đi. Số người đứng xem bất ngờ đứng dạt ra, cọp bị thương nặng, mang cả ngọn roi định vọt vào rừng, máu từ vết thương tuôn xối ướt đỏ ngọn roi. Một võ sĩ đón đánh một ngọn roi vào mặt không ngờ trong lúc cọp há miệng, ngọn roi trúng vào, anh nghe dội tay. NGọn roi bị cọp cáăn mạnh nên gãy dập một đoạn ở nơi đầu và rơi ra. Lê Sĩ Triệt bồi thêm một ngọn roi vào cổ làm cọp bị một vết thương nặng. Sức mạnh ngọn roi làm cọp gãy cổ, nó lồng lộn đứng lên nhưng không cất đầu được. Số vệ sĩ và đám thanh niên trong xóm thi nhau phóng những ngọn lao và những ngọn côn làm nát cả mình, cọp đành nằm yên chụi đánh chịu đâm cho đến chết. Vừa lúc ấy Hà Đảnh chạy tới giựt ngọn côn của vệ sĩ, hai tay chập một ông ta đập thêm mấy cái lên lưng, lên vai, lên cổ, lên đầu, miệng quan thì la hét chưởi bới lung tung. Anh vệ sĩ bị gãy roi xem lại mới hay cọp bị ngọn roi trúng vào miệng gãy hết hàm răng trên, chỉ có răng nanh còn nguyên vẹn.
Trong khi mọi người vừa xem, vừa nói về sự hung dữ, sức khoẻ và thân hình to lớn của cọp. Họ kể lung tung về sự hoành hành của cọp và rối rít khen ngợi Lê Sĩ Triệt. Bác Bảy cầm một bó cành khô lửa ngọn bốc cao. Ông đến thui cháy hàm râu cọp. Lê Sĩ Triệt thấy lạ nên hỏi:
–        Đốt chi vậy bác Bảy?
–        Đốt râu nó cháu ạ. Râu cọp nếu còn, có ai tình cờ để gần bụi tre, thì măng tre ở đó tự nhiên hoá sâu. Sâu này ỉa toàn phân trắng, có khi sâu ỉa phân đen, phân ấy là phân độc, ai trúng độc này thuốc tiên cũng không chữa được. Thợ săn thú rừng chúng tôi vì lương tâm con người nên không ai dám để, kẻ xấu lấy được râu cọp. Bắt giết được nó thì việc đầu tiên là phải đốt cháy sạch râu.
Râu cọp đã được đốt cháy s5ch rồi, đám vệ sĩ xúm nhau cắt móng cọp. Họ giành nhau với dân, Lê Sĩ Triệt thấy lạ, bèn hỏi tiếp, bác Bác giải thích:
–        Người ta đồn móng cọp kỵ tà ma. Người ta dùng móng cọp bịt vàng, bịt bạc để dành đeo cho trẻ con, tà ma sợ hơi cọp nên không quấy phá, con nít nhờ vậy cũng dễ nuôi. Cho nên móng cọp là vật quý trong những gia đình có con, có cháu còn bé.
Nghe thấy mọi người cãi vả tranh giành nhau, Lê Sĩ Triệt can thiệp:
–        Các anh mỗi người chỉ lấy một móng mà thôi, số còn lại biếu cho bà con ở Truông Cây Mít. Da nó nát bét hết rồi, còn thịt cho luôn bà con đó.
Nảy giờ Huyên quan Hà Đảnh đứng nghe Lê Sĩ TRiệt phân chia chiến lợi phẩm, ông ta tiếc quá xen vào cãi lại:
–        Món lợi này do chúng ta mới có, các ngươi chỉ là những người góp công, phải chia thế này mới đúng. Cậu này có công lớn nhất hãy lấy một móng cọp. Dân chúng Truông Cây Mít có tinh thần tiếp ứng ta thưởng cho một móng, phần còn lại thuộc về quan trên kể cả xác con cọp.
Mọi người ngớ ra không hiểu ông này là ai mà có cách phân chia kỳ quặc và ăn nói lớn lối lạ lùng như vậy. Bác Bảy hỏi:
–        Quan nhân là ai mà có cách chia phần lạ vậy? Đáng lý là công lao của chú em này phải để cho nó hưởng hết mới đúng. Có khi quan nhân phải thưởng thêm cho y nữa, vì một mình y đã đánh thắng con hổ, cứu được nhiều người và dập ắtt được mối lo trong thôn xóm.
–        Công trạng của võ sĩ này ta sẽ tính. Ta định dùng y vào hàng vệ sĩ. Về con cọp thì ta là người có quyền hơn hết ở đây, toàn bộ cõi Quan Hoá này cả đất đai, con người, sản vật và muôn thú đều là của triều đình. Con cọp này cũng là của triều đình. Ta là người được triều đình phong chức, cai trị toàn cả nơi đây, cho nên ta có nhiệm vụ gìn giữ, thu hồi tất cả sản vật trong vùng. Các ngươi là con dân hèn mọn, không được tranh đoạt bất cứ món gì do triều đình làm chủ, mà ta là người thay mặt vua, biết chưa?
Một vệ sĩ nói với dân chúng:
–        Ngài là quan huyện Quan Hoá đó bà con ạ!
Bác Bảy:
–        À, hèn chi.
Quan huyện trợn mắt hỏi:
–        Ngươi nói hèn chi cái gì?
–        Chúng tôi là dân quê, chưa gặp quan lớn lần nào. Bây giờ mới biết ngài là quan huyện sở tại. Hèn chi ngài xem cái gì ở Quan Hoá cũng là của ngài. Thật là phụ mẫu chi dân!
–        Chớ sao!
Quay sang Lê Sĩ Triệt ông nói:
– Còn cậu em này võ nghệ cao cường, ta thích những người dũng mãnh như vậy. Thôi, đi đâu xa làm chi cho cực, hãy đi theo ta về Quan Hoá làm vệ sĩ trong nha. Nếu lập được công ta sẽ cất nhắc cho có chức phận, có địa vị với đời, đừng đi lang thang như vậy mà uổng phí cuộc đời trai trẻ. Hãy theo ta đi.
Lê Sĩ Triệt nghe nói đây là quan huyện Quan Hoá, chàng không biết rõ đây có phải là kẻ thù hay không, nên ướm thử:
- Như vậy chắc ngài là huyện quan Hà Đảnh?
- Chính ta. Nhưng sao cậu biết?
–        Tôi có nghe cha mẹ tôi nói lại.
–        Chính ta đây. Ta cai trị đất Quan Hoá trên hai mươi năm rồi. Ai mà không biết ta. Hãy theo hầu ta nhé.
Trong khi đó, bác Bảy kề tai nói nhỏ cùng số dân trong xóm một điều chi đó, ai nghe cũng gật đầu mĩm cười. Bác Bảy bước lên chắp tay xá quan huyện rồi nói:
–        Bẩm thượng quan, nếu con cọp này là của triều đình thì thượng quan cứ nhận, bọn tệ dân chúng tôi không dám tranh dành.
Lê Sĩ Triệt nghe bác Bảy nhân nhượng một cách dễ dàng. Chàng tức tối hỏi:
–        Bẩm thượng quan, con cọp chết rồi ngài mới nói nó là của triều đình, tức là của ngài. Nhưng khi tôi giật ngài ra từ miệng cọp, nếu con cọp cũng nói rằng ngài là của nó thì lời nào đúng hơn?
Quan huyện nghe hỏi bất tử, ông ta ngẩn ra:
–        Á, a … Ta mà là của cọp à? Cọp nói vậy à … tiểu tử, mi đừng ỷ tài mà phạm thượng , luật nước không dung tha đâu… Người xúc phạm ta là xúc phạm triều đình, thấy ngươi còn nhỏ ta tha cho, đừng ăn nói dại dột vậy nữa.
Lê Sĩ Triệt nhìn lên thấy bác Bảy nháy mắt, lắc đầu nên chàng nói xuôi:
–        Bẩm quan, tôi định nói chơi không dè phạm thượng, xin ngài tha cho.
–        Ừ được, mi theo hầu ta, ta sẽ dạy cách ăn ở, đối xử với bề trên thế nào cho đúng. Đừng quen thói rừng rú mất tư cách của người trai võ nghệ cao cường. Theo ta, ta sẽ cho làm việc, cho áo cơm, cho chức vụ và rồi sẽ cho quyền hành. Có bằng lòng không?
Trước kẻ thù không đội trời chung, Lê Sĩ Triệt muốn giết hắn ngay cho rồi, ngặt vì quanh hắn còn nhiều võ sĩ võ nghệ cũng không tồi. Nếu ban nãy chàng biết y là Hà Đảnh thì xuất kỳ bấy ý mà giết cũng xong. Nhưng đạo lý không xem đánh lén là thượng võ. Bây giờ có hài tội hắn thì chưa chắc giết gọn được hắn. Thôi thì sẵn đây hắn đang mở đường, ta cứ tùng quyền sống tiếp cận với hắn thế nào cũng có dịp tốt để trả thù.
Nghĩ thế Lê Sĩ Triệt chắp tay:
–        Thượng quan thương tưởng chiếu cố, tôi xin tuân lệnh.
Thu phục được một chàng trai khôi ngô tuấn tú, võ nghệ cao cường, Hà Đảnh mừng rỡ ra mặt. Y cho rằng với tài nghệ này chàng làm vây cánh cho y thì con đường đi lên mọi mặt của y sẽ có người bảo vệ chắc chắn. Y bước tới vỗ vai Lê Sĩ Triệt:
–        À, ta quên hỏi, người tên họ là gì, ở đâu, đi đâu mà đến đây đánh cọp vậy?
–        Bẩm thượng quan, tôi tên là Lê Sĩ Triệt, cha mẹ chết sớm, ở cùng thầy trên núi, vì tôi không có căn tu nên thầy cho xuống núi để lập thân. Tôi định về Quan Hoá tìm nơi gởi gắm cuộc đời, kiếm công lập nghiệp, không dè trời cũng chiều người nên gặp được thượng quan.
Hà Đảnh mặt càng tươi hơn, ông ta cười lớn một cách thoả mãn:
–        Gặp được ta là điều may mắn cho ngươi lắm đó. Ngươi quen biết những người này ra sao?
–        Đây là những cô bác, anh chị ở Truông Cây Mít. Đem qua tôi ghé nghỉ nhờ trong xóm làm quen, hôm nay quí vị tiễn tôi ra đường thì gặp dịp này.
–        Vậy là tốt, thôi ngươi từ giã họ rồi giúp đem con cọp lên xe để cùng về huyện nha với ta.
Lê Sĩ Triệt bước đến từ giã mọi người, nắm tay bịn rịn cùng bác Bảy, ông nói:
– Thôi cháu đi, cầu chúc cháu được vạn sự lành, khi nào ghé lại Truông Cây Mít, không gặp ta cứ hỏi bác Bảy Gồng thì bà con sẽ chỉ cho.
Hà Đảnh hối thúc đám xà ích, vệ sĩ cùng Lê Sĩ Triệt khiêng chiếc xe bị ngã dựng lên ngay ngắn rồi khiêng xác con cọp chất lên, xong xuôi còn chờ mắc ngựa vào xe. Hà Đảnh leo lên ngồi trước đầu cọp có vẻ tự đắc, nghĩ rằng mình đã thu được thành công lớn.
Dự định không ghé nghỉ tại Bàu Đồn mà phải đi suốt đêm, đến gần sáng sẽ về tới huyện nha. Riêng xác con cọp này đủ làm mọi lời đồn lan xa, những nơi đã từng bị cọp quấy phá dân chúng sẽ mang ơn và khiếp oai mình hơn nữa.
 
Chiếc xe tải hương liệu, dược liệu đã chuẩn bị xong xuôi, hai người xà ích dẫn ngựa lại mắc vào xe chở cọp, ngựa bịt mắt không thấy gì, nhưng đến gần xe nó khịt mũi hốt hoảng. Vì ngửi được hơi cọp quá gần, bất ngờ nó hí vang, quày cổ dậm chân cố tìm cách thoát ra. Hai người xà ích cố đánh cho ngực tấp vào, người đánh xe vừa lẹ làng nhảy lên thì cặp ngựa chồm lên dựng đứng bằng hai chân sau, xe bị mất thăng bằng. Một con ngựa thoáng thấy cọp nó run rẩy khuyu xuống trong khi con kia thì chồm ngược, chiếc xe nghiêng đổ sụp xuống lề đường. Hà Đảnh bị rơi ra, bánh xe càn ngang ống chân, ông ta chỉ kịp la lên một tiếng rồi ngất xỉu, xác cọp cũng đổ xuống, nằm đè lên mình quan. Cả bọn vệ sĩ hết hồn chạy lại xốc quan huyện lên trong khi hai con ngựa còn lôi chiếc xe chạy thục mạng vào rừng, chạm vào một gốc cây to, ngựa bị mắc lại, miệng vẫn hí vang, da thịt run bẩy bẩy, mũi vẫn khịt khịt, nước mắt chảy ròng ròng. Những người đứng coi cười ngất, có người không kềm chế được nên vỗ tay một cách thích thú.
 
Hà Đảnh đã hồi tỉnh lại, khớp chân bị trật đau quá, thấy dân chúng đứng cười, hắ tức tối bước lên. Không ngờ khớp trật quá đau nên y quỵ xuống nhăn mặt một hồi rồi quát:
 
–        Bộ vui lắm sao các ngươi cười dữ vậy?
 
Bác Bảy Gồng bước đến nói nhỏ nhẹ:
 
–        Loài ngựa không thích hơi cọp, cái giống nó kỵ nhau như vậy, quan lớn không làm sao đặt cọp lên xe cho ngựa kéo đi được đâu.
 
–        Tại sao hồi nãy mầy không nói?
 
–        Vì nói ra thì sợ quan lớn bảo dân rừng chúng tôi gạt ngài để tranh giành xác cọp mà ăn tươi nuốt sống, nên đành phải nín thinh, dù biết trước việc này sẽ xảy ra.
 
–        Như vậy thì bọn bây đáng phạt mỗi đứa trăm roi. Vệ sĩ, trị tội lão già này cho ta. Tội nó muốn hại ta cho chết đấy.
 
Bác Bảy Gồng không còn nhịn nổi nữa, ông trả lời:
 
–        Tôi thách ông đó, ai đánh nổi tôi thì đánh thử xem. Thằng này trụ không vững thì có ai kêu nó là Bảy Gồng. Coi đây.
 
Nói xong, ông đứng chụm chân lại, lấy hơi hít một luồng chân khí thật sâu, bụng thót lại, mắt đứng tròng như lồi ra. Tiếng gân xuông chuyển răng rắc, các bắp thịt trên mình ông cuộn sóng. Không còn thấy ông như người bình thường mà là những khối cơ bắp chắp lại với nhau., chỗ lồi, chỗ khuyết, rồi lại theo sự vận hành của làn hơi mà như những đợt sóng thay đổi vị trí, chạy xuống chạy lên liên hồi. Cuối cùng, khi ông thở đều hoà trở lại, miệng kêu “đánh đi” thì toàn thân ông đã như một khối thép rắn chắc, hoặc như sợi thừng được se thật săn cứng. Tuy sắc diện ông trở lại bình thường nhưng bao nhiêu cơ bắp của ông vẫn căng lên và đỏ bừng như sắp bốc lửa.
 
Bọn vệ sĩ thấy thế kinh hồn, chúng rỉ tai nhau: Chết cha, gặp ông Bảy Gồng rồi, mình nghe danh ổng đã lâu lắm, lúc này có đem dao ra chém cũng không trầy da đất, ba cây gậy đập ruồi của mình thì có làm gì được ông ta mà dám chọc giận.
 
Hà Đảnh vì ỷ lại vào chức vụ và đám thuộc hạ của mình, nên y giỡ giọng ra oai, không ngờ đụng phải Bảy Gồng. Ban đầu Hà Đảnh ngạc nhiên, sau đó lại mất hồn, đâm hoảng, y nhìn đám vệ sĩ để cầu cứu, nhưng tất cả những con mắt ngày thường háo hức với ông ta bao nhiêu thì nay sụp mi lại quay đi nơi khác, lắm lét như chó cụp đuôi. Cảm thấy không còn điểm tựa, nên y quay lại vả lả cùng Bảy Gồng:
 
–        Thôi, ta thử ngươi chơi xem bà con phản ứng thế nào cho biết, chớ ta ngu lắm sao mà muốn đánh ai thì đánh, ra lệnh gì thì ra. Nhà ngươi già cả rồi mà còn lợi hại như vậy, hồi trẻ chắc là giỏi lắm. Ta thành thật có lời khen đó.
 
Bảy Gồng muốn trổ sơ sơ tài nghệ để doạ Hà Đảnh chút chơi, không dè ông ta sợ ra mặt. Bảy Gồng hít một hơi vào rồi thở ra, thân hình trở lại trạng thái bình thường với vẻ lọm khọm của một ông già nông dân chơn chất.
 
Thấy tình thế im xuôi trở lại, Hà Đảnh tiếc xác con cọp mà không biết làm sao đem đi, y ra lệnh:
 
–        Bây giờ theo lệnh ta, những người dân ở Truông Cây Mít đem xác con cọp về mổ thịt ăn đi. Lấy bộ xương nấu cao hổ cốt, xương con hổ này chắc phải đủ mười lăm lạng cao, ta cho lại ba lạng công cán, hai lạng đồ pha chế, còn mười lạng nộp cho ta, nhớ nha.
 
Thấy Bảy Gồng gật đầu, Hà Đảnh bỏ xác hổ lại, kêu vệ sĩ lên xe, y còn dặn với:
 
–        Còn tấm da phơi khô đem nộp tại huyện nha luôn nghe.
 
Xe ngực d8i độ trăm thước, y trực nhớ liền kêu quay lại, bắt bọn vệ sĩ lấy dao cắt hết bộ móng cọp, y gói kỹ bỏ vào đãy lận sau lưng. Lúc bấy giờ y mới yên tâm đi thẳng.
 
Ở đây, bác Bảy Gồng nói cùng bà con trong xóm:
 
– Thật đúng là tham quan, vơ vét cho đến hết mới yên lòng, thiếu một chút nó không chịu nổi.
 
Một thanh niên:
 
– Dù gì mình cũng được một trận cười sướng mắt, sướng miệng. Mấy thuở được thấy thượng quan hạ lộ bò càng, cọp chết cũng còn đè được quan. Ha, ha…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét