Trong những nẻo đường xưa ở Tây Ninh còn có con đường mới mở mà tôi dành để viết về Thánh địa Cao Đài. Đó là con đường có tên là Thiên Thọ Lộ. Nghĩa rất đơn giản: để được sống thọ ngàn năm phải đi trên con đường này. Sâu xa hơn: Để trở thành người sống mãi ngàn năm, lưu danh thiên cổ… là ước mơ của mỗi con người. Đời thường đã vậy, cuộc sống tâm linh càng thúc đẩy con người được siêu thoát ở cõi niết bàn. Theo Phật giáo là Cõi Niết Bàn, còn đạo Cao Đài là Miền Cực Lạc. Và trước khi được “tiêu diêu” nơi Miền Cực Lạc thì phải “tu tâm dưỡng tánh” nơi Thánh địa. Quan điểm đó được đạo Cao Đài xây dựng lên tại cõi trần một Thánh địa. Với những triết lý nhân sinh siêu nhiên này, yếu tố tâm linh là rất cần thiết. Nên Thánh địa được xây dựng trên cơ sở vừa thiêng liêng vừa thực tế.
Muốn vào Thánh địa phải vượt qua Thiên Thọ Lộ. Trên Thiên Thọ Lộ có những chiếc cầu và hành cung với tên gọi: Đoạn Trần Kiều, Giải Khổ Kiều, Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung, cuối cùng là Đạo Pháp Vô Biên. Những tên cầu, tên cung đều mang ý nghĩa sâu xa và rất thực tế. Vào Thánh địa tâm hồn mỗi người đều phải thanh thoát, quên hết những vướng bận trần gian và xua tan những ưu phiền thế tục, tâm hồn có thảnh thơi dễ dàng bước vào cõi đạo pháp vô biên huyền diệu, nếu thật sự thanh khiết thì độ vào Thánh địa, nếu chưa rủ sạch lòng trần, tâm chưa sáng thì phải còn sàng lọc nơi chốn xô bồ, bao giờ thật sự hoàn thiện mới được vào dự hội Hội Long Hoa tại Đại đồng xã. Và chợ Long Hoa chính là nơi thử thách nghiệt ngã nhất, được xây dựng như một chốn xô bồ, lừa lọc để sàng lọc những giả dối, gian trá, … Ban đầu chợ Long Hoa còn cất tạm, mãi đến năm1952 Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc mới cho khởi công xây dựng. Nhìn từ trên cao nhà lồng hình chữ thập, nóc giữa tròn cân đối với vùng đất vuông. Chợ có 8 cửa hướng ra 8 con đường với đạo lý: Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái...Thuở ấy, Thiên Thọ Lộ được trãi đá đỏ kéo dài từ ngã ba đến Trường Lưu, Trường Xuân, Trường Cửu…
Từ Sài Gòn lên theo quốc lộ 22, vượt qua ngã ba Thiên Thọ Lộ, đến ngã ba Giang Tân quẹo phải sẽ đến chợ Long Hoa, nghĩa là đã vào Thánh địa. Cũng có nghĩa là đi thẳng vào nơi ô trọc trước khi rũ sạch lòng trần. Thực tế Thiên Thọ Lộ chỉ mang tính khai tâm, định hướng cho tín đồ tu đạo.
Thánh địa Cao Đài Tây Ninh được qui hoạch qui mô và khoa học. Nhất là các khu dân cư chung quanh khuôn viên Nội ô Tòa Thánh. Thánh địa Cao Đài được xây dựng thành khu dân cư hết sức lý tưởng về địa giới và tổ chức đời sống tín đồ. Đặc biệt là việc qui hoạch đường sá, các ngã đường thiết kế như ô bàn cờ, phân chia khu dân cư với những ngã ba, ngã tư thẳng tắp. Đây là điểm nhấn đáng lưu ý và cũng nói lên tầm nhìn của những người qui hoạch. Các con đường chạy dọc ngang, cắt khu dân cư thành nhiều lô đều đặn, vuông vức, tạo nên điều kỳ diệu là tất cả nhà, phố đều nằm trên mặt tiền, dù đó là đường lớn hay ngõ hẻm. Chẳng những thế, phía sau dảy nhà phố đó còn có con đường nhỏ thoát hiểm mỗi khi có sự cố thiên tai hay hỏa hoạn, tạo sự công bằng và bình an trong cuộc sống cho tín đồ. Rất tiếc những còn đường thoát hiểm này, do nhiều nguyên nhân, hiện nay nhiều nơi không còn nữa. Đời sống tín đồ cũng được quan tâm tổ chức thật nền nếp, kỷ cương với hệ thống chức việc, chức sắc Cao Đài để chăm lo đời sống đạo đức, tinh thần cho tín đồ qua hình thức Thập nhị liên gia cấu thành hương đạo, tộc đạo, phận đạo để gắn bó, giúp đỡ nhau, chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn trong mưu sinh hàng ngày và tu tâm dưỡng tánh. Cứ mỗi tộc đạo nếu có điều kiện đều được xây dựng Thánh thất và Đền thờ Phật mẫu hình thức như Tòa Thánh và Báo Ân Từ thu nhỏ để tiện cho tín đồ cúng bái, tu đạo hàng ngày. Thánh thất là nơi thờ phượng Đức Chí tôn để cho tín đồ cúng bái, tu dưỡng tinh thần. Còn Đền thờ Phật mẫu là nơi thờ Phật mẫu và Cửu vị tiên nương, chăm lo về đời sống vật chất, từ thiện.
Thánh địa đạo Cao Đài tọa lạc giữa lòng Tây Ninh rộng khoảng hơn 4km2. Giữa lòng Thánh địa, có một vùng đất gọi là Nội ô rộng 1 km2, và Tòa Thánh Cao Đài sừng sững nổi lên uy nghi, lộng lẫy. Trong chu vi tỏa rộng 4 km2, chung quanh Nội ô chính là nơi định cư của tín đồ ở khắp mọi miền đất nước tập hợp về đây sinh sống, hình thành làng xã từ những năm mới khai đạo.
Đạo Cao Đài chính thức được thành lập năm 1926, những người khai sáng đạo Cao Đài mà tín đồ đầu tiên của đạo là ông Ngô Văn Chiêu. Kể từ ngày khai đạo đã trải qua nhiều thăng trầm, hợp tan và ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (19.01.1926), Hội Thánh Cao Đài đã tổ chức lễ Khai đạo rất long trọng tại chùa Gò Kén – Thiền Lâm Tự. Đến cuối tháng 2-1927 mới chọn mua khu đất xây dựng Tòa Thánh, sau đó tiếp tục khai khẩn mở rộng thêm hình thành Thánh địa hiện nay.
Trên Thánh địa, Tòa Thánh Cao Đài uy nghi, đồ sộ giữa hai cụm rừng, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên, vừa cân bằng sinh thái. Có thể nói Tòa Thánh Cao Đài là một công trình kiến trúc kỳ diệu và độc đáo. Nhìn tổng quan, kiến trúc Tòa ThánhĐài thể hiện một sự tổng hợp của nhiều yếu tố tâm linh một cách dung hòa vàlà sựphối hợp giữa quan điểm triết học Đông – Tây và tổng hợp kiến trúc các tôn giáo. Theo tư liệu của Hội thánh Cao Đài thì Tòa Thánh được xây dựng trên vùng đất Lục Long phục ẩn do chính Đức Chí Tôn chọn và hình dáng Tòa Thánh theo kiểu dáng Bạch Ngọc Kinh (Thiên đình) để Ngài ngự. Một vấn đề cũng được đặt ra làtín đồ Cao Đài đến nay vẫn tin Tòa Thánh được xây dựng hoàn toàn không theo đồ án thiết kế của bất cứ một chuyên viên kỹ thuật nào. “Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không có một đồ án chi tiết nào vẽ ra trên giấy hết, cũng như không có sự tham dự của một kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào, cũng không có một thứ máy móc nào giúp đỡ, chỉ toàn trông cậy vào hai bàn tay với sức lực của con người, những người thợ nam nữ làm không lãnh tiền công, ăn chay trường với cháo rau đạm bạc và đặc biệt có lập thệ là không được cưới vợ hay lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, để có đủ Âm Dương và đủ tinh khiết trong việc xây dựng Đền thờ...*.Và hiện nay, vẫn chưa có tư liệu nào chứng minh Tòa Thánh được xây dựng theo đồ án thiết kế xây dựng. Vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, khoảng nền móng giữa cửu trùng đài và bát quái đài có hiện tượng rạn nứt. Sự kiện này đã được khắc phục bằng bê tông cốt thép do kỹ sư Trần Minh Sanh và ông Nguyễn Khương Cá cùng một nhóm công thợ dạn dày kinh nghiệm thi công công quả.
Tôn chỉ của đạo Cao Đài là “Qui nguyên tam giáo, phục nhứt ngũ chi” như một tuyên ngôn được ghi rõ trên Chánh môn - cổng chính của Nội ô. Kiểu kiến trúc của Tòa thánh, thể hiện rõ tôn chỉ đó. Nhìn bên ngoài, hai lầu chuông, trống vút cao giữa trời mây trắng như gác chuông Thánh đường Thiên chúa giáo. Tượng Đức Di Lặc trên nóc Tòa thánh và mái Tòa thánh đúc bê tông nghiêng cong ba bậc, sóng lượn trông như mái ngói theo những mái chùa Phật giáo. Giữa nóc Tòa Thánh, Nghinh Phong Đài chiếm lĩnh không gian dưới vuông, trên tròn, nóc tròn giống như nóc những ngôi đền Hồi Giáo.
Bên trong Tòa Thánh được thiết kế chia thành ba cấp: Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài. Hiện nay có rất nhiều tư liệu giới thiệu về Tòa Thánh Cao Đài, đặc biệt trên internet, nên tôi không đi sâu vào chi tiết mà chỉ ghi lại những cảm nhận riêng mình trong những tháng năm xưa khi được sống và lớn lên giữa lòng Thánh địa. Thời ấy, mỗi khi bước chân vào Đền Thánh, lòng tôi luôn dâng lên một nỗi niềm khó tả - hay đúng hơn là một niềm tin tuyệt đối vào đấng thiêng liêng khi đặt chân vào Tịnh Tâm Điện được áng ngữ bởi bức tranh Tam Thánh, rồi chiêm ngưỡng đại điện Tòa Thánh – Nơi thờ Đức Chí tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo chủ Tam giáo và Ngũ chi Đại đạo cùng các đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Điều đáng ghi nhận nhất là ai bước vào đại điện để tham quan, chiêm ngưỡng đều cảm thấy dịu mát cả tâm hồn và thể xác, bởi không gian đại điện luôn lành lạnh tạo sự mát mẻ quanh năm kể cả những năm tháng nóng nực. Đây là sự huyền diệu của chốn thờ tự các đấng thiêng liêng hay tài năng của người thiết kế xây dựng?
Khuôn viên Nội Ô Tòa Thánh rộng 1 km2, ngăn cách với ngoại ô là vòng rào có tất cả 12 cửa ra vào. Tuy nhiên trên thực tế không có Cửa 5, theo tư liệu giải thích thì Cửa 5 ở chính giữa (Ngũ trung) của hình đồ Ma phương số, nên số 5 là hình ảnh của Báo Ân Từ - Điện thờ Đức Phật Mẫu. Thay vào đó là Chánh môn để đủ 12 cửa cách nhau 300 mét. Theo hình đồ thì Cửa 1 chính là Cửa Hòa viện, theo hướng ngược chiều quay đồng hồ thì Cửa 1 đối diện Cửa 7 nối liền là lộ Hộ Pháp, Cửa 2 nối liền Cửa 6 là lộ Thượng Phẩm, Cửa Chánh môn nối liền Cửa 11 là lộ Thái Thơ Thanh, Cửa 3 nối liền Cửa 10 là lộ Thượng Trung Nhựt, Cửa 4 nối liền Cửa 9 là lộ Oai Linh Tiên. Nội Ô Tòa Thánh là cả một công trình sắp đặt khoa học. Sáu con đường trong Nội Ô ngang dọc, thẳng tắp, rộng thoáng nối liền các cửa, được điểm tô các loại kỳ hoa dị thảo và cảnh vật thiên nhiên, bốn mùa tươi tốt, tỏa hương thơm. Nhất là vườn hoa kiểng “Bá Huê Viên” trước Đền thờ Phật Mẫu và hai cánh rừng thiên nhiên trước Tòa Thánh.
Có thể nói Nội Ô trước đây, thanh niên thời đó “trốn quân dịch” thì vào đây xin làm công quả và được cưu mang, che chở. Tôi cũng có khoảng thời gian hơn hai tháng la cà khắp chốn tìm hiểu sau khi thi rớt Tú tài 2 và trong tay đã cầm tấm giấy “lệnh nhập ngũ”. Khách đến tham quan, chiêm bái đều được đón tiếp chu đáo và hướng dẫn tận tình do Ban tiếp tân đảm nhiệm gồm những người am hiểu về giáo lý, lịch sử đạo. Ngoài ra còn có lực lượng Bảo thể, thường trực khắp mọi nơi sẵn sàng giúp đỡ mọi việc, đồng thời can thiệp, nhắc nhở để cảnh quan của Thánh địa luôn được trong sạch, thanh khiết, không có những lời nói thô tục, những cử chỉ sỗ sàng, đặc biệt đối với đôi trai gái yêu nhau có thái độ tình tứ lộ liễu nơi chốn tôn nghiêm.
Hàng năm, đạo Cao Đài có hai lễ lớn: Vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch tại Tòa Thánh và Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu - Hội yến Diêu Trì Cung ngày rằm tháng 8 âm lịch tại Báo Ân Từ. Hai đại lễ này chính là lễ hội của tín đồ Cao Đài, các tỉnh cũng về tham dự nên hàng năm hai đại lễ thu hút hàng triệu lượt người về chiêm bái, tham quan kể cả người ngoại đạo.
Ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn ghi dấu sự kiện trọng đại của tôn giáo Cao Đài. Đó là ngày đại lễ khánh thành Tòa Thánh được tổ chức qui mô, hoành tráng 01 tháng 02 năm 1955. Năm này tuổi tôi vừa đủ để nhớ, nhưng cũng không thể nhớ rõ đoàn diễu hành có bao nhiêu xe hoa (thời ấy gọi là cộ tiên), khởi hành từ Báo Ân Từ đến Tòa Thánh vòng qua Đại đồng xã ra ngã Cửa Hòa viện rồi theo vòng rào Nội ô theo đường Ca Bảo Đạo đến Báo Quốc Từ, xuống chợ Long Hoa, vòng theo vòng rào chợ đến Cửa 8 chợ rẽ phải về Cửa 6 Nội ô dừng lại trước Báo Ân Từ. Đoàn diễu hành dài hơn 1 km, đi đầu là đoàn múa Tứ linh, kế tiếp là đoàn Cộ tiên, cuối cùng là đoàn thiếu nhi tay cầm lồng đèn đủ hình dạng, rực rỡ sắc màu lung linh đèn sáp chao theo gió. Đặc biệt là múa Rồng. Con rồng thuở ấy, chỉ có đầu và đuôi rồng hình dáng giống như hiện nay, riêng thân rồng toàn bằng bẹ chuối liên kết bởi những vòng tre để cắm nhang và đoạn vải trang trí vẩy rồng để dễ uốn lượn khi múa diễu hành, những đóm nhang chi chít khắp thân rồng, đứng xa nhìn đúng là những vẩy rồng lấp lánh uốn lượn dưới trời đêm, đến tận bây giờ dù con rồng đã được làm hoàn chỉnh, vẩy rồng lấp lánh bởi đèn điện ắc – qui, nhưng mọi người ai cũng gọi là rồng nhang.
Có thể nóiThánh địa bao gồm khu nội ô và ngoại ô, là vùng đất lớn nhất của tôn giáo Cao Đài ở Tây Ninh, hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan và các tín đồ hành hương, chiêm bái. Ngoài tôn giáo Cao Đài, trên đất Tây Ninh còn có Phật giáo, Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo khác sống hòa nhập cùng nhau, tạo nên bản sắc riêng, phong phú và đa dạng.
Cùng với núi Bà Đen nhiều huyền thoại, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh có thể nói là hai kỳ quan tiêu biểu của Tây Ninh được cả nước và thế giới biết đến.
L.N.T
* Tài liệu tham khảo: Giới thiệu Tòa Thánh Tây Ninh của Hiền tài Nguyễn Văn Hồng phổ biến trên Website của daocaodai.info.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét