Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Nắng mưa Đà Lạt - Tản văn La Ngạc Thụy


La Ngạc Thụy

Chiếc xe dừng lại trước sân Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Đà Lạt – Lâm Đồng, cửa xe vừa mở ra, hơi lạnh đột ngột ùa vào. Không như cánh văn nghệ sĩ mới đi trại hối hả xuống xe, như sợ trể giờ, vai mang tay xách hành trang nối bước theo nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh – Trưởng đoàn liên hệ văn phòng làm thủ tục nhập trại. Tôi thản nhiên ngồi lại trên xe nhìn khuôn viên nhà sáng tác.


travel, hp, pepsi, coca-cola, food, computer, iphone, english, learning
Chiều Đà Lạt mờ sương. Hơi sương thấm đẫm, hòa quyện kỷ niệm. Vẫn bóng liễu rũ nở hoa đỏ thẩm buông thỏng cành lá, vẫn gốc tùng bách vươn thẳng thách thức triền dốc nghiêng sương và vài ngọn thông đan cành lấp lóa khuất thân sau dãy tường nhà sáng tác.
Chuyến đi dự trại sáng tác đợt này gồm có 12 văn nghệ sĩ thuộc 4 bộ môn: văn học, âm nhạc, mỹ thuật và nhiếp ảnh nghệ thuật. Tiếc là chuyến đi này vắng bóng hồng. Ai cũng bảo đến Đà Lạt thời điểm này chỉ ngồi trong phòng trùm chăn trông mưa.  Những ngày đầu chúng tôi không tin, vì bầu trời Đà Lạt lúc nào cũng quang đãng. Trong lúc đó, tin từ quê nhà cứ liên tục bay ra, Tây Ninh mưa dầm dề, chắc Đà Lạt đang bão!  Tôi cười khoái chí: vậy là số mình đỏ! Một số văn nghệ sĩ mới đến Đà Lạt lần đầu, ngay chiều hôm sau đã háo hức rũ nhau đi ngắm hồ Xuân Hương. Quanh hồ không gió, nhưng sương thấm lạnh. Đêm xuống, ngồi trên băng đá bên này hồ vắng lặng cùng với Trương Thứ Bảy, nhìn sang bên kia phố Đà Lạt nhấp nhoáng ánh đèn rực sáng một góc trời. Chợt nhớ đến lời hẹn với nhà văn Đặng Thị Thanh Liễu trước chuyến đi:
-Khi nào các anh đến nhớ điện báo cho em.
Sau vài lời a lô báo tin, giọng Thanh Liễu âm âm trong điện thoại:
-Mừng các anh đã đến. Hồ Xuân Hương giờ này lạnh lắm. Hẹn ngày mai gặp nhau ở Nhà sáng tác.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và tác giả (ảnh Trương Thân)

Và tôi cũng không hiểu nhà thơHàn Mặc Tử cảm nhận từ đâu khi viết về Hồ Xuân Hương:
Để nghe dưới nước đáy hồ reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Vì tôi ngồi trên băng đá cạnh hồ suốt buổi chiều chỉ nghe sương thấm lạnh nhưng không một chút gió và liễu quanh hồ buông rũ cành lá bất động.
Có điều chiều Hồ Xuân Hương không gió, nhưng vẫn lạnh.

Sáng hôm sau, hơn 6 giờ trời vẫn mờ sương. Đứng trên lan can nhà sáng tác nhìn xuống, đường phố le lói ánh đèn xe. Dưới xa thành phố Đà Lạt nằm chênh vênh nghiêng dốc, lung linh chao sương. Nắng bỗng bừng lên đột ngột. Bầu trời mới đầy mù sương, thoắt sáng bừng chao nghiêng ánh mắt. Trời quang vậy, không dưng mưa xé nắng buông màn nước trĩu sầm không gian. Ôi nắng mưa Đà Lạt thật diệu kỳ làm sao!
Nhìn màn mưa ai cũng nghĩ chắc không thể nào đi đâu được nữa. Vậy mà cơn mưa lại tạnh đột ngột. Trời lại quang le lói nắng. Thành phố như bừng sáng. Thành phố Đà Lạt nhìn từ đây nhấp nhô thang bậc với sương, nắng, mưa phù phép vô chừng, biến Đà Lạt ấm, lạnh mông mênh.
Tác giả bên bờ hồ Tuyền Lâm

Ai cũng bảo thành phố Đà Lạt ngàn hoa. Tôi chưa được chứng kiến festival hoa Đà Lạt, nhưng thật tình, suốt thời gian dạo quanh thành phố Đà Lạt trên các tuyến đường qua các danh lam thắng cảnh: Lang Biang, Suối Vàng, Trúc Lâm Thiền Viện, hồ Tuyền Lâm…vẫn chưa thể hình dung được thành phố hoa Đà Lạt sắc màu lung linh thế nào? Những hoa hồng, hoa cúc, cúc tím, dong riềng, bóng nước, sen cạn, thược dược, mõm sói, bất tử, cẩm chướng, cẩm nhung, á phiện, tư tưởng, phong lữ, móng rồng … vừa quen vừa lạ dường như chỉ có tên trong sách hoa. Chẳng lẽ thành phố ngàn hoa cũng chỉ nở trong mùa festival? Nhà văn Minh Phương đồng cảm: Muốn ngắm hoa Đà Lạt phải mua vé vào công viên hoa thành phố. Tôi hơi ngạc nhiên: mua vé? Vậy là thành phố ngàn hoa cũng kinh doanh ngắm hoa. Tôi liên hệ: Tây Ninh cũng có nhiều hoa trong các công viên mà dường như không ai bán vé! Sao vậy nhỉ? Hoa Đà Lạt đi vào tâm hồn các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ để tạo nên những tác phẩm, xao xuyến lòng người được xúc cảm từ đâu? Cô gái làm dịch vụ photocopy dưới triền dốc nhà sáng tác, có cái tên thật quyến rũ - Vũ Liên Mơ góp vào: Hoa Đà Lạt mùa này đúng là chỉ có trong công viên. Hoa dã quỳ thì vừa mới chớm nở, chắc hơn tháng nữa mới đúng là Đà Lạt hoa.
Có lẽ, suốt những ngày qua tôi chỉ cảm nhận được nắng và mưa Đà Lạt khi đến thăm Đồi Mộng Mơ với cảnh nắng trên cao và mưa dưới thấp.Mưa Đà Lạt bất chợt, thong thả và dịu êm. Mưa không gió nên sợi mưa cứ buông thỏng như con người thong dong thả từng bước dưới mưa. Họ không vội vàng, bởi có vội vàng cũng vướng cơn mưa bất chợt tiếp theo. Tôi cũng vậy, đang đi dưới nắng trên đoạn đường dốc hoang, bất chợt cơn mưa buông xuống, có vội vàng mưa cũng ướt áo khoát. Bởi vậy nên nắng Đà Lạt rất quái, mưa đang dịu êm bỗng nắng nhô lên cắt phăng màn mưa, rồi đột ngột đốt nóng những người đang ngược dốc, nhất là những người đang lọt thỏm trong dải tường thành mô phỏng Vạn Lý Trường Thành. Ngồi nép bên bậc đá khô khốc của Thác Vàng nhân tạo bị bỏ quên, mùa này mà lại khô nước, mới cảm nhận được nắng quái Đà Lạt. Đà Lạt không thiếu cảnh sắc thiên nhiên, đặc biệt là thác: Prenn,  Đatanla, Cam ly, Pon gon, Thác Voi, Thác Hang Cọp…Vậy màkhông hiểu ngành du lịch Đà Lạt nghĩ gì khi tạo nên đồi Mộng Mơ với nhiều cảnh vật giả tạo, giả tạo đến sống sượng, trơ trẻn mà điển hình là Thác Vàng khô khốc nước vào mùa mưa… hay mô hình Mẹ Âu Cơ với 50 con lên núi, bên cạnh dải Vạn Lý Trường Thành nhiều tai tiếng… đến cả những thiếu nữ áo dài, khoát áo ấm dịu dàng ngồi bên gánh thơ rao bán. Ôi các nhà thơ Tây Ninh đi sáng tác đợt này có mủi lòng, tủi phận cho kiếp tằm nhả tơ và các nhà thơ Đà Lạt có nhói đau khi thơ mình được mang rao bán giữa chợ đời, đông đảo khách du lịch lại qua.
Dường như suốt những ngày qua, trời Đà Lạt không gió. Nhìn dáng liễu rũ chẳng chút lay động tôi nhìn đến thẩn thờ. Đà Lạt không gió thật sao? Dáng liễu mà trơ trơ ai bảo là liễu rũ? Như thơ đem rao bán mà chẳng thấy người mua! Bây giờ tôi mới ngộ ra sương, gió, nắng, mưa Đà Lạt thật khác thường. Sương Đà Lạt dày không rơi. Gió Đà Lạt như không thổi. Nắng thì bất chợt. Mưa lại thong thả, buông thỏng. Phía trước Nhà sáng tác là vườn tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng – Nhà điêu khắc nổi tiếng với áo cánh dơi và đầu đội chiếc mũ cao bồi, thường chu du khắp chốn, đến ngày thứ bảy ông mới trở về bên vườn tượng. Sau khi chiêu đãi đoàn văn nghệ sĩ Tây Ninh một chầu cà phê sáng, nghe tôi bình phẩm về sương, gió, nắng, mưa Đà Lạt. Ông thỏng buông một câu:
-Muốn nhìn sương Đà Lạt phải thức từ 3 giờ sáng.
Giờ này, dân Đà Lạt có ai thức để đón nhìn sương. Tôi cũng không ngoại lệ, nhìn sương từ mờ sáng nên chỉ thấy lớp sương dày đặc quánh và sương đọng thành giọt nặng oằn cánh hoa dại bên đường.
Đà Lạt ngày không tháng có năm tổng số không bốn.
La Ngạc Thụy 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét