Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Huyền thoại núi Bà Đen - Ký sự La Ngạc Thụy

 Đứng trên Cầu Quan nhìn về hướng đông bắc, đỉnh núi Bà Đen phủ trùm mây trắng, trông giống “chiếc nón bài thơ lồng lộng giữa trời” trong một bài thơ mà tôi không thể nhớ nổi tên tác giả. Trước kia núi Bà Đen còn gọi là núi Một và vì mây trắng luôn phủ trùm đỉnh núi nên còn gọi là Vân Sơn. Núi Bà Đen hợp cùng núi Phụng, núi Heo trở thành quần thể sinh thái đa dạng và nơi để khách hành hương, chiêm bái.


Núi Bà Đen cao 986 mét, cao nhất Nam bộ với nhiều truyền thuyết và huyền thoại. Truyền thuyết thì có sự tích về nàng Đênh và nàng Lý Thị Thiên Hương. Hai truyền thuyết có nội dung gần giống nhau khi hiển thánh đã báo mộng cho chúa Nguyễn Ánh lánh nạn thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Chỉ khác về nguồn gốc xuất thân. Nàng Đênh gốc Khmer con quan Trấn Võ, còn Lý Thị Thiên Hương gốc Việt con phú hào, cha tên Lý Thiên và mẹ là Đặng Ngọc Phụng ngụ ở trấn Quan Hóa. Nàng Đênh thì mộ đạo, quyết theo con đường tu đạo nên coi trọng trinh tiết, từ chối hôn ước mà cha nàng đã hứa gả cho con quan trấn thủ Quan Hóa. Một đêm nàng Đênh trốn gia đình tìm nơi tu hành sau thành chánh quả, hiển thánh phù hộ cho dân lành. Nàng Lý Thị Thiên Hương văn hay võ giỏi đã có hôn ước với chàng trai Lê Sĩ Triệt, sau khi Lê Sĩ Triệt cứu nàng thoát khỏi nanh vuốt bạo lực ép duyên của con trai quan Trấn thủ Hà Đảnh. Khi Lê Sĩ Triệt lên đường tòng quân giúp nước, Lý Thị Thiên Hương trong một lần lên núi thăm dưỡng phụ và cũng là thầy dạy võ cho Lê Sĩ Triệt, nàng bị bọn côn đồ, cướp núi chặn đường uy hiếp ép duyên. Lý Thị Thiên Hương chống trả kịch liệt, nhưng thân gái thế cô nên thất thủ. Để giữ gìn tiết trinh nàng đã lao xuống hang sâu tử tiết. Sau nàng linh hiển đã báo mộng cho sư trụ trì tìm xác nàng hỏa thiêu. Từ đó nàng hiển thánh độ trì cho dân làng xung quanh núi. Sau này, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, nhớ ơn Bà hiển linh báo mộng thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn, đã truyền Tả quân Lê Văn Duyệt Tổng đốc thành Gia Định lên núi sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, đặt tên núi là Linh Sơn, Chùa Bà là Linh Sơn Tiên Thạch Tự, còn truyền đúc tượng Bà bằng đồng đen để cho dân chúng thờ tự. Để tránh gọi tên tộc nên dân làng gọi là Bà Đen. Núi Bà Đen có tên từ đó. Vì Bà quá linh hiển, dù đã tránh gọi tên tộc, nhưng dân làng vẫn kỵ húy nên trải qua một thời gian dài, dân làng gọi là "Bà Thâm", thậm chí tránh nói đến tiếng "đen" như áo bà ba "thâm", vải "thâm"... Cố nhà văn Xuân Sắc đã dựa vào huyền thoại nàng Lý Thị Thiên Hương viết nên tiểu thuyết dã sử “Kỳ tích Bà Đen” nổi tiếng.
Chùa Bà (Chùa Thượng)
Ngoài huyền thoại về sự linh hiển của Bà Đen, còn có các động hang khác như hang Hổ, hang Gió, động Kim Quang, động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà…. Mỗi tên hang động đều có những thần tích hiện còn truyền tụng trong dân gian. Động Thanh Long là nơi một loài thực vật có tên Thanh Long đã bám vào đá núi, chịu nắng, chịu mưa mà sinh trưởng, dân gian thêu dệt  nơi đây là chốn tu hành không cần ăn uống vẫn sống đến ngày đắc quả. Hang Hổ được truyền tụng hang này chính là nơi trú ẩn tu luyện của chúa sơn lâm, sau trở thành vị thần hộ mệnh cho những ai quyết tâm lên núi tu đạo. Đặc biệt là hang Gió với những làn gió mát huyền diệu thổi vào hồn những vị sư trụ trì để tâm hồn được thư thái, thông huyền giáo lý, phật pháp… Một loài thực vật với sức chịu đựng diệu kỳ, một loài dã thú hung dữ ngộ đạo và một hiện tượng thiên nhiên kỳ bí hòa quyện nhau trở thành triết lý tu hành dành cho những ai muốn tu đạo.
Đáng kể nhất là truyền thuyết về sự hình thành núi Bà, núi Phụng, núi Heo và  dòng suối mang tên Suối Vàng.Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa vùng núi này là vùng đồng bằng hoa màu tươi tốt, nhờ dòng suối Tiên chảy qua. Nhưng do bầy trâu vàng của nhà Trời thường xuống ngụp lặn, vẫy vùng tạo cơn sóng dậy, sôi trào nước nổi tạo cảnh lụt lội triền miên. Cuộc sống cư dân quanh vùng vô cùng thống khổ, nên đã kêu khóc thấu Trời. Trời liền lệnh cho các Thiên thần khuân đá lấp lại. Lệnh nhà Trời quá ư nghiêm ngặt nên các Thiên thần khẩn trương làm việc quên mất bầy trâu vàng đang vẫy vùng dưới đó. Đất đá đã lấp luôn bầy trâu vàng. Đá lấp mãi, lấp nơi này nước sôi trào nơi khác và Thiên thần cứ lấp ngày càng cao, nhưng nước cứ mãi trào tuôn vì bầy trâu cứ mãi vẫy vùng mong thoát ra. Đến khi hoàn thành, vùng đất này trở thành ba ngọn núi. Bầy trâu vàng bị nhốt trong lòng núi vẫn cố vùng vẫy, nên nước vẫn theo kẻ đá tuôn ra, cát dưới lòng suối lấp lánh ánh vàng. Khách thập phương đến chiêm bái chùa Bà, ai một lần rửa mặt, rửa tray dưới khe đá giữa khoảng đường từ chùa Bà sang chùa Hang đều nhìn thấy dưới đáy nước ánh vàng lấp lánh lẫn trong màu cát hồng nhạt.
Nhà sưu khảo Huỳnh Minh có ghi trong sách "Tây Ninh xưa và nay":Vào khoảng năm 1930, có một kỷ sư địa chất người Nhật đến núi Bà gặp vị sư Nhất Thiện tu ở chùa Ông Hổ. Sư Nhất Thiện dẫn ông đến Suối Vàng để xem hiện tượng lạ này. Vị kỷ sư có hốt một túi cát Suối Vàng đem về nghiên cứu và giải thích: "Vùng núi Bà có mỏ vàng lớn, nhưng vàng còn non chưa khai thác được, đây là mầm mống của sự giàu có về sau của đất Tây Ninh".
Cuối thế kỷ 17, vùng đất Tây Ninh đã có người đến sinh cơ lập nghiệp. Cuộc sống của họ luôn bị bọn cướp bên kia biên giới tràn sang đốt phá, cướp của, giết người. Sang thế kỷ 18, bộ máy an dân mới được thiết lập thành phủ Tây Ninh. Quan Tri phủ Huỳnh Công Giảng dựng đồn Trà Vong để bảo vệ cuộc sống người dân. Dân gian còn truyền tụng Quan Lớn Trà Vong đã thiết lập tại vùng Suối Vàng này một trại nuôi ngựa chiến. Thung lũng núi Phụng trở thành bãi tập của những con chiến mã.
Không biết trại nuôi ngựa có hay không? Có điều là từ trước năm 1945 ở đây đã có dấu vết miếu thờ Quan Lớn Trà Vong, trong miếu là tượng những con ngựa chiến. Sau năm 1945 vùng đất này bỏ hoang hóa và ngôi miếu cũng sụp đổ theo thời gian. Theo cố nhà văn Xuân Sắc, tác giả quyển tiểu thuyết "Kỳ tích Bà Đen" nổi tiếng một thời thì thưở ấy, nơi đây chỉ có cỏ le chen lẫn những cây chân bò, chung quanh là rừng cây cổ thụ bạt ngàn.Trong chiến tranh chống Mỹ, nhờ lợi thế của núi rừng, quân và dân ta làm chủ tình hình, phục kích chặn đánh những cuộc hành quân qui mô của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mỗi lần chúng hành quân qua đây phải dùng lực lượng cơ giới hùng hậu, chuyển quân hay tiếp tế phải dùng máy bay lên thẳng.
Huyền thoại và truyền thuyết về núi Bà Đen rất phong phú và đa dạng. Với thiên ký sự không thể chuyển tải hết. Tuy nhiên, bên cạnh truyền thuyết còn có một sự thật là chuyện cây bạch mai trên núi. Vào năm 1901, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu, theo lời mời của những nhà thơ Tây Ninh, nữ sĩ đã tháp tùng cùng họ lên vãn cảnh chùa và thưởng ngoạn cảnh hoa bạch mai nở trắng. Trước hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đó, nữ sĩ đã cảm tác đề vịnh bạch mai:
Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân. 
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân...
Sau đó nữ sĩ còn cảm tác hai bài thơ thất ngôn bằng chữ Hán với tựa đề “Linh Sơn nhất thụ mai” dành tặng cho những nhà thơ Tây Ninh. Xin chép ra đây để chúng ta cùng thưởng thức:

Linh Sơn nhất thụ mai
                       I 
Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân
Tịnh độ cô tiêu viễn tục trần
Noãn nhập ám hương xuân dật tứ
Hàn xung sơ ảnh nguyệt tà thần
Tuyết trùng tự hước lưu phong vận
Phong ngoại ủng liên đạp tuyết nhân
Thừa hứng mạc hiềm sơn thủy viễn,
Đông lai dữ tứ phú Dương xuân
                       II
Nhất chủng u hương phận ngoại kỳ,
Trần ai cách đoạn kiến băng ty.
Tài khai ngọc kính triềm thần lộ,
Khước bả phương tâm chiếu vãn huy.
Xuân tín bất dung hồng tử cộng,
Tuế hàn khởi dữ tuyết sương khi.
Tuỳ duyên nhược ngộ tri âm khách.
Thiên lý tình thâm tá nhất chi.

Sương Nguyệt Anh

Hai bài thơ trên được nhà thơ Hi Đạm dịch như sau:

Cây mai ở núi Linh Sơn
                      I
Ngọc, quỳnh cốt cách vốn trời ban,
Đất tịnh, trơ vơ lánh thế gian.
Ấm áp hương đầm xuân buổi sớm,
Lạnh lùng bóng nhạt nguyệt đêm tàn.
Nghĩ thân ánh tuyết hơi sương đượm,
Thương kẻ hài sương gót tuyết chan.
Mến cảnh, nước non xa chớ ngại,
Cùng lên ngâm vịnh tứ xuân tràn.
                     II
Một áng hương trinh thoảng tuyệt vời,
Bụi nhơ, mình sách cách xa khơi.
Vừa phô kính ngọc sương mai đẫm,
Đã trải lòng thơm nắng quái phơi.
Hồng tía tin xuân không góp mặt,
Tuyết sương tiết lạnh dễ trêu ngươi.
Dặm ngàn tri kỷ duyên may gặp,
Một nhánh tình sâu gửi gắm ai.

Hi Đạm

Những truyền thuyết, huyền thoại về núi Bà Đen rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên chưa có nhà nghiên cứu hay tư liệu nào minh chứng một cách chính thống, đáng tin cậy. Thuở sinh thời, cố nhà văn Xuân Sắc cũng đã bỏ công nghiên cứu, tìm tòi tư liệu. Ông sưu tập được một tập tài liệu quý do chính những vị sư trụ trì chùa Bà ghi chép. Ông đã tặng tập tài liệu này cho Ni sư Thích Diệu Nghĩa – trụ trì ba chùa núi Bà hiện nay. Và chính nhà văn Xuân Sắc đã cung cấp tư liệu cho tôi viết bài báo “Ai là người khai sơn?” nhân mùa lễ hội núi Bà cách nay mười năm, đăng trên Báo Tây Ninh.
“Khi vua Gia Long, triều Nguyễn lên ngôi (1802), nhớ ơn Bà Đen hiển linh mách bảo, vua đã truyền cho Tả quân Lê Văn Duyệt lên núi sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, chùa Bà là Linh Sơn Tiên Thạch Tự, núi Bà là Linh Sơn. Vua cũng phong cho nhà sư khai sơn sư tổ Đạo Trung Thiện Hiếu là Pháp Bảo Thiền Sư, ban cho một chiếc ấn ngà rộng 8 phân vuông, khắc chữ “Linh Sơn Thánh Mẫu”, quay ấn chạm hình sư tử.
Tư liệu về vị sư khai sơn rất ít ỏi. Truyền ngôn thì sư Đạo Trung khai sơn vào năm 1763. Sư tu tại đây 31 năm mới rời núi về dựng chùa Long Hưng ở Bưng Dĩa – Thủ Dầu Một, rồi viên tịch tại đó. Đến năm 1802 vua Gia Long mới lên ngôi, vậy là 39 năm sau khi khai sơn, chùa Bà trên núi mới có sắc phong?
Sách Việt Nam Phật Giáo sử luận tập 2 của Nguyễn Lang, nhà xuất bản Hà Nội (1992) có ghi: “…Ở Tây Ninh chẳng hạn, Thiền sư Đạo Trung khai sơn chùa Linh Sơn núi Điện Bà vào năm 1763, ông là đệ tử của Thiền sư Đại Cơ thuộc đời thứ 4 của môn phái Liễu Quán. Đại Cơ là đệ tử của Tế Giác. Tế Giác là đệ tử trực tiếp của sư Liễu Quán…”
cls0801.JPG Chùa Trung 
Sư Liễu Quán sinh năm 1670, viên tịch ngày 21.11 (âm lịch) năm 1742. Liễu Quán người Phú Yên, học đạo với Thiền sư Tế Viên rồi ra Thuận Hóa học đạo với các Thiền sư: Giác Phong, Thạch Liêm, Từ Lâm, Tử Dung. Năm 1712, sau khi giác ngộ ông đã mở nhiều đạo tràng và tổ chức nhiều giới đàn. Bốn giới đàn lớn nhất trong lịch sử Phật giáo ở Đàng Trong được tổ chức ở Thừa Thiên Tự từ năm 1733 đến 1735 là do ông chủ tọa.
Trước khi viên tịch sư Liễu Quán để lại bài kệ truyền pháp như sau:
“Thiệt tế đại đạo, tính hải thanh trừng
Tam nguyên quãng nhuận, đức bổn tử phong
Giới định phúc tuệ, thế dung viên thông
Viễn siêu trí quả, mộc khế thành công
Truyền trì diệu lý, diễm xướng chính tông
Hành giải tương ứng, đạt ngộ chân không”.
Chữ “Thiệt” đứng đầu bài kệ này là sư Liễu Quán. Đệ tử kế tiếp là “Tế Giác”, rồi đến “Đại Cơ”. Đến sư “Đạo Trung” khai mở núi Bà có tên chữ thứ tư của bài kệ là “Đạo”… Trong sử sách chùa Bà cũng ghi sư tổ là Thiệt Diện (Liễu Quán), Tế Giác, Đại Cơ, Tính Hiền, Hải Thông, Thanh Thọ, Trừng Tùng… truyền tiếp đến nay là ni sư Diệu Nghĩa. Ban đầu không ai hiểu, nhưng khi tìm được bài kệ mới hiểu rõ dụng ý của bài kệ. Như vậy, ni sư Diệu Nghĩa viện chủ ba chùa: chùa Bà, chùa Hang, chùa Trung hiện nay đứng vào hàng đệ tử thứ 35 trong bài kệ.
Trước Gia Long, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) có mối liên hệ với sư Liễu Quán. Sử ghi, nhiều lần chúa Nguyễn Phúc Khoát triệu thỉnh sư Liễu Quán vào phủ Chúa, nhưng sư Liễu Quán đều từ chối. Chúa phải đích thân đến chùa Viên Thông, nơi sư trụ trì để viếng thăm và hỏi đạo. Vì lý do có chứa ngự đến nên ngọn núi bên chùa Viên Thông được người đời gọi là núi Ngự.
Khi sư Liễu Quán viên tịch, chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc chỉ dựng bia, lập tháp cho sư, ban thụy hiệu là: “Đạo Hạnh Thụy Chính Giác Viên Ngô Hòa Thượng”. Sau đó chúa còn tạo điều kiện cho đệ tử của sư khai mở bốn giới đàn và nhiều Tổ đình ở khắp Đàng Trong.
Căn cứ theo tình hình lịch sử thời bấy giờ, thì sư Đạo Trung vào Nam khai sơn núi Bà đúng vào lúc dân Thuận Quảng di dời vào Nam mưu cầu cuộc sống. Giai đoạn này Tây Sơn dựng nghiệp, Nguyễn Ánh bôn đào. Nguyễn Ánh có chạy qua Tây Ninh, chiêm bao thấy Bà Đen mách bảo, nên khi lên ngôi đã ban sắc phong để tạ ơn. Hai địa danh Sân Chầu (đã chìm dưới đáy Lòng Hồ Dầu Tiếng) và bến Tầm Long ở huyện Châu Thành minh chứng chúa Nguyễn Ánh đã từng qua Tây Ninh, ngự ở Sân Chầu được Bà Đen mách bảo, đã theo con đường Sứ qua bến Tầm Long sang Nông Pênh, rồi đến Xiêm La cứu viện chống lại quân Tây Sơn.
Chùa Vĩnh Xuân - Chùa Hạ
Ngày xưa, dân cư sống tập trung ở phủ Quan Hóa. Muốn lên núi Bà phải đi theo con đường Sứ, qua các địa danh Bàu Đồn, Truông Mít, Chà Là, Bàu Cóp … dân cư thưa thớt, rừng thiêng nước độc và thú dữ. Đây là những địa danh đi vào tiểu thuyết “Kỳ tích Bà Đen”. Riêng địa danh Bàu Cóp còn là câu chuyện rất thú vị. Thuở ấy, người dân đi viếng núi phải hợp thành đoàn, có đoàn lên đến năm, bảy xe do trâu bò kéo. Ít có đoàn đi bộ vì đường quá xa. Khi qua khỏi Chà Là một đoạn thì trời cũng vừa sụp tối, nên dừng lại nghỉ chân tại một cụm rừng bên cạnh bàu nước. Trăng mùng tám tháng giêng, nửa trăng vắt vẻo trên cao đủ soi sáng cho mọi người nhóm lửa nấu ăn, rồi chia nhau tìm chỗ nghỉ lưng trên những manh chiếu cói trải bên đường. Nửa khuya có một chị mót đái, ngồi dậy dò từng bước vào cụm rừng, tìm chỗ khuất cách đoàn người vài chục mét để giải quyết. Bỗng mọi người nghe tiếng chị la thét: Cóp, cóp bà con ơi! Cứu với, cứu với, cóp, cóp… Khi mọi người chạy vào đến nơi thì giọng chị đã khàn, tay chỉ vào gốc cổ thụ, nói không còn ra hơi: cóp, cóp… Mọi người nhìn vào gốc cây, rồi nhìn quanh quất chẳng phát hiện được gì. Khi dìu chị đến chỗ nghỉ, chị mới hoàn hồn kể lại. Thì ra khi đang ngồi tiểu, chị phát hiện một “ông ba mươi” nằm duỗi bên gốc cây rình mồi. Chị hoảng quá la lên, nhưng vì quá sợ nên tiếng “cọp” biến thành tiếng “cóp”. Từ đó, mọi người gọi nơi đây là Bàu Cóp và trở thành địa danh. Còn dân lục tỉnh muốn lên viếng núi Bà Đen, phương tiện đi lại chủ yếu đi lại bằng đường sông, qua sông Vàm Cỏ Đông rồi rẽ vào rạch Tây Ninh đến tỉnh lỵ Tây Ninh.Nhận thấy, bá tánh đã vượt đường xa viếng núi rất vất vả và mệt mỏi, nên năm 1871,Thiền sư Huệ Mạnh đã cùng với tăng ni, vận động phật tử xây dựng chùa Phước Lâm, bên bờ rạch nhỏ chảy từ Suối Vàng xuống làng Vĩnh Xuân gần chợ cũ Tây Ninh để làm điểm dừng chân ngơi nghỉ cho bá tánh trước khi lên núi, nên còn gọi là chùa Vĩnh Xuân. Trong hệ thống chùa núi Bà gồm có Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Bà, Chùa Hang ... thì Chùa Phước Lâm là Chùa Hạ, Chùa Bà chính là Chùa Thượng.
Núi Bà Đen còn rất nhiều huyền thoại cần phải nghiên cứu, tìm tòi tư liệu mới khám phá hết những huyền bí của vùng đất thiêng. Trong phạm vi thiên ký sự này, tôi chỉ có thể gởi đến bạn đọc một số huyền thoại vẫn còn truyền tụng trong dân gian.

La Ngạc Thụy

Tài liệu tham khảo:
-        Tây Ninh xưa và nay” của Huỳnh Minh
-        Việt Nam Phật Giáo sử luận tập 2 của Nguyễn Lang, nhà xuất bản Hà Nội (1992)
-        Bản thảo về núi Bà Đen của cố nhà văn Xuân Sắc.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét