Kinh tế phát triển, cuộc sống tinh thần và vật chất cũng
phát triển theo. Đặc biệt, phong trào làm giao thông nông thôn trở thành chuyện
thường ngày. Ở vùng thị xã, thị trấn thì nâng cấp bê – tông hóa, ở nông thôn
thì mở rộng, láng nhựa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Những
con đường ngày càng thông thoáng, sạch sẽ hơn. Từ đó, những tường rào được phá
bỏ; mở rộng phá bỏ đã đành, nâng cấp cũng phá bỏ để xe cơ giới san ủi thuận
lợi, dễ dàng; cũng có những tường rào không cần phá bỏ, nhưng cũng phải phá để
xây mới cho xứng tầm với căn nhà vừa mới xây hoặc sửa sang lại từ số tiền được
đền bù… Ban đầu nhìn những căn nhà mới xây, những bờ tường rào kiên cố, tôi
cũng thấy bình thường. Nhưng nhà xây mới càng nhiều, nhìn lại tôi chợt thấy
mình như bị hụt hẫng, bởi những căn nhà đó phần lớn có kiểu dáng quá cầu kỳ,
hợm hĩnh, không dạng ngôi tháp nhiều nóc cũng xây mái vòm trên đỉnh… mà trước
khi xây ít thấy chủ nhà tham vấn kiến trúc sư, họ xây theo ý mình vừa “học” ở
đâu đó mà họ cho là đẹp. Qua đó mới thấy trình độ kiến trúc của dân mình còn
quá thấp dù ở nông thôn hay đô thị.
Trong một chuyến công tác ở một
vùng nông thôn, tôi chợt nhớ đến một người bạn mà hơn chục năm qua tôi
không gặp lại vì anh đã bán căn phố ở thị trấn Hòa Thành chuyển về đây, nghe
nói anh đã xây căn nhà bề thế lắm. Và không khó để tìm ra nhà anh, vì chỉ cần
hỏi thăm căn nhà to nhất vùng này là ai cũng biết. Tuy nhiên, khi đến nơi tôi
chợt thấy ngại ngần không muốn vào chơi nữa. Căn nhà của anh bây giờ ngăn cách
quá. Ngày trước, căn phố của anh ở thị trấn cũng có hàng rào nhưng bằng gỗ
thấp, thưa thoáng, sơn màu cũng trang nhã, hiền hòa và khá dễ thương. Nhưng bây
giờ, căn nhà trông “bề thế” hẳn ra. Bề thế không do căn nhà khá lớn mà bề thế
bởi tường rào. Tường rào xây khá cao che khuất cả khoảng sân khá rộng. Trên đầu
tường rào hai bên và phía sau nhà cắm lởm chởm miểng chai đủ màu sắc. Đã thế,
phía trên còn giăng thêm lớp kẻm rào “B40”, phía trước nhà là tường rào dán đá
hoa cương xanh xám cao hơn thước, phía trên là những chấn song sắt hình mũi
tên, mũi giáo nhọn hoắc toát lên vẽ lạnh lùng và tù hãm. Thế là, sau một lúc
ngập ngừng, tôi quyết định không bấm chuông gọi, mà vô ga xe chạy thẳng.
Trên đường về, không hiểu do bị ám
ảnh bởi “vòng rào ngăn cách” nhà bạn hay sao mà bỗng dưng, tôi lại cứ để ý tìm
xem có nhiều nhà như thế nữa không? Và trong ký ức tôi chợt trỗi dậy hình ảnh
những hàng rào cây xanh ở một vùng quê khoảng hơn hai mươi năm về trước. Đó là
những hàng rào bằng cây dâm bụt, quanh năm xanh màu lá, khoe sắc bông đỏ rực
chung quanh nhà chỉ nhằm phân biệt ranh đất của nhau. Bờ rào dâm bụt xanh thân
thiện ấy chính là nơi để đám trẻ con núp mát hai bên chơi bán hàng, hai lá làm
tiền và người lớn của hai nhà đứng ở hai bên bờ rào kể cho nhau nghe chuyện nắng
mưa hay kháo nhau những thông tin nghe “lỏm” được.Giờ đây những hàng rào cây
xanh ấy đã biến mất lâu rồi. Tiếc thay! Cũng không thể trách những chủ căn nhà
đó được. Họ muốn an toàn tuyệt đối khi trong nhà đã có của ăn, của để! Thế
nhưng, tôi không thể nào quen được với những bức tường rào lạnh lùng ấy. Trẻ
con mất đi vẻ hồn nhiên khi còn lại qua hỏi chuyện học hành hay khoe một món đồ
chơi mới. Người lớn thì ngày càng xa nhau nhau, đèn nhà ai nấy rạng, không còn
cảnh “tối đèn có nhau” nữa.Vì muốn lại qua “tám chuyện” với nhau, hình như ai
cũng thấy ngại ngần, khi trước mặt mình là cổng, là tường cao kín mít, cắm đầy
những thứ nhọn hoắt, lởm chởm bên trên.
Lại nhớ, thời còn làm hiệu trưởng
của hơn 15 năm về trước, chủ trương của ngành giáo dục là các trường, nhất là
bậc tiểu học phải xây dựng hàng rào cây xanh, xem đó là một trong những tiêu
chuẩn thi đua. Mỗi lần có đoàn kiểm tra về, trường tôi luôn đạt loại tốt về
việc thực hiện hàng rào cây xanh trong đánh giá của đoàn. Nay trở về trường cũ
hàng rào cây xanh ngày xưa cũng đã được tường hóa mất rồi.
Và cũng chợt mĩm cười khi căn nhà
tôi đang ở chưa có hàng rào. Nguyên nhân là chưa có tiền để xây. Trong đầu tôi
hiện lên hàng rào nhà mình sẽ không như thế. Chỉ có điều nhiều năm qua, tôi tìm
kiếm mãi giống dâm bụt để thực hiện ý định mà chưa có. Chẳng lẽ hàng rào cây
xanh sẽ biến mất từ đây?
LA NGẠC THỤY
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa