Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Có một vùng quê như thế – Bút ký La Ngạc Thụy

Trở lại thăm Tân Bình vào những ngày đầu vụ thu hoạch mía, tôi ngạc nhiên đến sững sờ: Sao mà lạ lẫm quá! Hai bên bờ kênh Tây lộng gió, từ cầu K21 bắt đầu đi vào địa phân xã, cuộc sống công nghiệp sung túc đã phô bày ra. Nhà máy chế biến tinh bột mì Tây Ninh với công suất 50 tấn tinh bột/ngày và nhà máy mía đường Biên Hoà công suất 2.500 tấn mía cây/ngày mọc lên sừng sững nhưng không ngăn được những cơn gió thồi lồng làm lã ngọn mía trong vùng nguyên liệu đang chờ thu hoạch. Năm mới thành lập xă, vùng đất này bạc màu, cằn khô, đến cây mì là loại cây có sức chịu đựng nắng gió mà vẫn tong teo lá cuốn con sâu. Thế mà, giờ đây trước mắt tôi, trên khoảng trời mây trắng là những ống khói của hai nhà máy đang tuôn những cuộn khói cũng trắng như mây trời, ngầm chứa sức sống tràn đầy của những nông dân chân lấm tay bùn ngày nào nay đã trở thành công nhân nhà máy.

 Tôi mải mê đắm chìm vào kí ức cách đây hai mươi bảy năm! Cánh đồng lúa suối Vàng Cạn đang lúc chín vàng, sắp vào vụ gặt. Các thửa ruộng gò đây đó đã thu hoach xong. Cuối vụ gặt rơi vào thời điểm tháng mười hai âm lịch, gió đông lạnh từ đầu đông đến sáng, gió càng thổi mạnh từ xế chiều đến đêm để cho các chị, các mẹ tranh thủ giê sảy lúa chứa vào cũi, vào bồ. Trong cơn gió mùi cay nồng ấm toả lên từ những đống un lúa lép, chẽn lúa khô. Bầy trẻ con gom gốc rạ, giở rơm ủ lửa trên cánh đồng cho ấm đôi tay mà điều khiển cánh diều nương theo gió lượn lờ trên cao.
 Đứng trước nhà máy đường Biên Hòa, tôi chợt nhớ đến chú Hồ Văn Hạnh – trưởng ấp Tân Phước bị một quả đạn M79 dính vào lưng của bọn phản động do tên Hai Kiệm cầm đầu, bắn quá gần nên không nổ, phài chở về bệnh viện tỉnh xây bao cát mổ lấy ra. Kí ức tôi dường như trổi dậy những kỉ niệm, dĩ vãng một thời đã qua như hiển hiện trước mắt …
 Giải phóng năm 1975, nhưng mãi đến ngày 3-5-1978 cái tên xã Tân Bình mới được ghi chính thức vào sổ bộ huyện Hòa Thành, và mới đây, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị định số 46/TTg của Thù tướng chính phủ thì vùng đất này, nay đã thuộc về thị xã Tây Ninh. Nếu tôi không có mặt lúc đó, thì hôm nay không bao giờ tôi hình dung được sự đổi thay kì diệu với sức vươn Phù Đổng của một địa phương mà mình đã gắn bó thiết thân kể từ ngày thành lập. Tôi không tự cho mình là người hiểu biết quá trình phát triển của một vùng đất rộng, người thưa với thuở ban sơ chỉ có nhữntg căn chòi tranh trống hoác đón gió lộng và nắng đổ xế chiều: xen lẫn với đất hoang mọc đầy cỏ dại, rừng chối, là từng khoản rẫy mì, rẫy mía năng suất chỉ có từ năm đến bảy tấn một hecta. Ruộng lúa chỉ làm được một vụ dọc theo con con suối Vàng Cạn ra đến Cầu Gió không hơn năm mươi hecta. Hệ thống giao thông chỉ có hơn ba km đường đất nối từ đường 785 đến trung tâm xã vừa mới san ủi còn lồi lõm, đầy ổ voi, ổ gà. Nắng thì bụi mù trời, mưa thì lầy lội trơn trợt. Đường nối các xóm ấp thì không có một con đường nào cho ra đường, toàn là lối mòn ngẫu nhiên hình thành từ trong chiến tranh. Tôi nhớ như in, ngày đầu tiên theo chân đoàn “ánh sáng văn hóa” của huyện vào đây với nhiệm vụ xóa mù chữ cho người dân. Tâm trạng của tôi lúc bấy giờ chẳng có chút niềm tin nào để nghĩ rằng xã sẽ ổn định và phát triển. Bởi vì, tôi thấy dân ngụ cư toàn là dân thất nghiệp, lỡ vận theo quy luật sau chiến tranh, không mảnh đất cắm dùi trôi nổi vào đây làm thuê, cuốc mướn, tranh thủ mượn đất trồng tỉa sống qua ngày. Còn người có đất thì chưa chịu lên bám đất, cứ sáng lên, chiều về, bấu víu mảnh đất tạm bợ với tư tưởng không an tâm. Đất thì thừa mứa mà người thực sự gắn bó với cuộc sống nơi đây lại không có đất sản xuất. Cũng trong thời gian này, tình hình an ninh không được đảm bảo, bọn tội phạm hình sự hoạt động mạnh, chúng tổ chức đánh cướp lương thực, thực phẩm của nhân dân. Cướp cả súng của du kích, khủng bố các gia đình cán bộ xã, ấp. Rạch miệng, cắt tai cảnh cáo, kể cả bắn giết. Cán bộ xã hàng ngày, hàng đêm phải đem tất cả trí tuệ, tâm lực, giàu kinh nghiêm trong chiến tranh nhưng còn non trẻ trong xây dựng thời bình đều trút cả vào việc đề cao cảnh giác, tổ chức điều tra, truy quét liên tục để cố ngăn chặn sự phá hoại này, hầu đảm bảo an ninh cho khoảng vài trăm người dân sống rải rác khắp địa bàn xã. Tổ chức truy quét cũng chính là biện pháp tự trấn an mình để đủ tinh thần trụ vững.
 – Muốn nguời dân đang bám đất sản xuất được yên tâm, thu hút người dân còn lừng chừng, chưa dứt khoát, chưa dám vào và tạo sức hút người dân địa phương khác đến đây lập nghiệp, điều kiện đầu tiên là phải truy quét, triệt hạ các tổ chức phản động, đảm bảo an toàn, trật tự địa phương. Hình thành hệ thống trường lớp và mạng lưới y tế cũng là yêu cầu cấp bách trong quá trình xây dựng xã.
 Anh Năm Hùng, Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã đã trút bầu tâm sự với tôi như thế. Nhưng phải đến hơn năm sau, bọn phản động mới bị quân và dân ta tiêu diệt đến tên cuối cùng.
Giai đoạn bước vào xây dựng tuởng đâu xuôi chèo mát mái vì tình hình an ninh đã được vãn hồi, không còn sự đe doạ nào khã dĩ cản bước tiến lên. Nhưng! Lại chữ “ nhưng” quái ác. Năm 1979 cả nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, do chủ trương cục bộ, tự túc lương thực địa phương, nạn ngăn sông cấm chợ đã tạo ra không ít hoang mang cho người dân. Xã cũng tổ chức đóng chốt, lập trạm, bắt giữ tịch thu từ giạ lúa trở lên, đẩy tâm trạng người dân đến khổ cùng cực, ngậm đắng nuốt cay tìm mọi cách chuyển trộm lúa của chính mình. Do vậy lương thực đã thiếu lại thiếu trầm trọng hơn. Tiêu chuẩn lương thực của cán bộ phải độn đến 80% cao lương. Dân nghèo có người đã lặn lội leo núi, luồn rừng tìm đào củ mài, củ chuối về lắng bột ăn thay gạo. May mà Nhà nước kịp thời chấn chỉnh, sửa sai: Dẹp trạm, dở chốt. Mối giao lưu giữa các địa phương thông thoáng hơn, lương thực, thực phẩm bớt đi phần thiếu hụt.  
Rồi đến giai đoạn cắt xâm canh, giản dân, di dân lập nghiêp, thành lập Tập đoàn sản xuất với biện pháp nóng vội. Tiếng là làm đơn tự nguyện xin gia nhập tập đoàn nhưng thực chất là úp bộ đại trà. Tiếng là làm ăn tập thể nhưng cung cách vẫn còn cá thể, mà phải nuôi thêm bộ phận gián tiếp, nộp thuế nông nghiệp, nộp quỹ phúc lợi tập thê, quỹ”toi”, quỹ”ma”… Thu nhập thực tế không còn bao nhiêu . giá trị ngày công sụt giảm, lòng dân tan rã, thờ ơ, không thiết tha lao động, làm cho có làm, để duy trì mảnh đất thân thương do chính công sức mình đổ ra khẩn hoang, khai phá, cải tạo cho đất ngày trở thành đất thuộc.
Chủ trương cắt xâm canh cũng đạt được một số hiệu quả. Những nông dân nòi, ngoài mảnh đất ra không còn còn sống được bằng ngành nghề nào khác buộc lòng di chuyển lên để giữ đất. Số dân lúc này tăng lên 119 hộ với gần 500 nhân khầu. .Có dân thì có nhu cầu học hành, mua sắm, chữa bệnh…với cơ sở vật chất ban đầu lúc mới thành lập xã theo mô hình kinh tế mới là những cơ ngơi được xây dựng tạm thời bằng gạch đất nện, lợp tôn xi măng: Trụ sở UBND xã, trạm xá, cửa hàng hợp tác xã mua bán, kho lương thực , bốn phòng học và hơn mười căn nhà mái tranh vách đất cấp không cho dân lập nghiệp, tất cả đều tập trung tại xã thuộc ấp Tân Trung. Các ấp Tân Lập, Tân Phước, Tân Hòa chưa có một cơ ngơi nào, kể cả phòng học. Thế là hai phòng học tạm thời mái tranh vách đất, không đúng quy cách, nền cát bụi tung mỗi khi các em quét lớp, bàn ghế tạm bợ, bảng đen không lớn hơn mặt bàn giáo viên được cấp tốc xây dựng ở hai ấp Tân Hoà và Tân Phước. Khai giảng năm học đầu tiên chỉ có bốn mươi lăm em đủ độ tuổi, đủ trình độ được phân bổ ở các lớp, mỗi lớp không quá mười học sinh. Các em đi học phải băng đồng, lội ruộng, men theo đường mòn, mùa mưa bùn lấm ống chân.
 Giai đoạn xáo trộn, gây xôn xao người dân nhất, nản lòng người dân chân lấm tay bùn, thật thà, chất phác nhất là giai đoạn thực hiện chủ trương di dân lâp nghiêp vào năm 1984. Những hộ dân nghèo đói, thất nghiệp, cờ bạc, rượu chè, quậy phá ở các xã bạn trong toàn huyện được huy động lên đây. Thế rồi, nào cấp đất thổ cư trong khu quy hoạch, phân chia lại ranh giới, phá bỏ ranh đất cũ. Hộ có nhiều đất với tiêu chuẩn 0,3 ha/ 1 lao động chính hoặc 2 lao động phụ hoặc 3 ăn theo thì bị trưng dụng trang cấp thêm cho hộ thiếu đất, cấp đủ cho hộ không đất và dân lập nghiêp. Chính sách cào bằng, nóng vội ấy để lại một hậu quả mà cho đến mười năm sau chưa thể nào giải quyết dứt điểm được. Và cũng chính trong thời gian này, đầu năm người dân được trang cấp đất, niềm hồ hỡi, phấn khởi chưa kịp hoà vào máu, ngấm vào tim thì cuối năm giá cả nông sản tụt giảm đến độ không ngờ; giá mì, mía khi thu hoạch không đủ tiền đầu tư trồng lại, thậm chí không đủ tiền để trả công thu hoạch. Nhiều người bỏ cả mì dười đất, người lỡ thu hoạch rồi đành chịu bỏ đất hoang. Thật là nghiệt ngã, nhất là đối với dân lập nghiệp không trụ nổi đành quay về chốn cũ sống tạm bợ, vất vưỡng đầu đường, xó chợ vì trước khi được huy động lên đây họ đã bán đổ bán tháo đất đai, nhà cửa tạo chút nguồn vốn với ý muốn thật sự sinh cơ lập nghiệp nơi này.
 Lại nhớ lúc công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng mới hình thành, dòng kênh mới dẫn nước vào đất, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, chưa có kênh cấp hai, cấp ba, kênh nội đồng. Người dân chưa kịp trấn tĩnh qua cú sôc giá cả sụt giảm lại phải bắt tay vào thực hiện hiện cuộc vận động gấp rút cải tạo đồng đất có dòng kênh đi qua để kịp xuống giống vụ Đông xuân. Thời gian cải tạo đát quá ngắn ngủi so với yêu cầu. Bờ vùng, bờ thửa đắp tạm bợ, cày ủi, san đất vội vã, chỗ thấp chỗ cao. “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm“. Lời của đồng chí Bí thư Huyện uỷ phát động trong dịp vào họp dân, vận động thay đổi cây trồng, lập vùng chuyên canh đậu phộng. Trong lúc nguời dân chưa có kinh nghiệm nào về việc tỉa đậu tưới, nhưng qua phân tích hiệu quả của đồng chí Bí thư huyện: ‘ Một tương lai xán lạn đang mở ra” mọi nguời hăng hái nhận vay đậu giống, tro dừa, phân bón các loại từ đủ cho đến dư tính ra cho từng hecta đậu theo tiêu chuẩn do Tập đoàn sản xuất đi vay ngân hàng và mua về phân phối lại cho nông dân. Người dân chỉ còn bỏ công sức ra cày bừa, chăm sóc… và thu hoạch. Vụ đậu phọng bội thu đang hiển hiện trước mắt. Nhưng “nhân bất thắng thiên”, vì nhân thì hòa mà địa lại bất lợi. Một vụ thu hoạch hầu như trắng. Bởi vì đất chưa kịp san bằng, nên khi tưới nuớc, nơi thấp thì ngập úng, bờ thửa chưa kịp cứng đã oi nước, đứt từng đoạn dài trôi tuột đi. Người chưa kịp hiểu biết, không lường được sức mình, ít lao động, nhưng sản xuất quá nhiều vượt khả năng chăm sóc, không còn thời gian vần đổi công cho nhau! Viễn cảnh thất thu đã rõ khi thời gian thu hoạch chưa tới. Có người đã bỏ cuộc nửa chừng thiếu đói lại càng trầm trọng. Nợ nần chồng chất, may mà thiếu nợ tập đoàn chứ nếu vay ngoài chắc hẳn phải bán đất, bán nhà để trả nợ hoặc bỏ lánh đi nơi khác.
 Những tưởng cơn khủng hoảng đã qua đi khi dòng nước kênh Tây đã thật sự phát huy tác dụng. Nhưng không ngờ cú xốc mới lại đến. Các vụ tranh chấp đất diễn ra liên tục làm đau đầu các cấp lãnh đạo. Vụ này giải quyết chưa yên, năm ba vụ khác lại đến. Vụ đầu chưa gay lắm, vụ sau càng phức tạp hơn. Hậu quả của chính sách cải tạo nông nghiệp nóng vội thực sự dâng lên cao điểm. Gần một trăm hộ dân lập nghiệp trở thành trắng tay. Họ biến thành nỗi lo toan cho xã, bởi họ đã bán đi nhà cửa, đất đai chốn cũ; cơ ngơi mới chưa kịp ổn định phải dỡ đi trả lại cho chủ cũ. Họ lại phải một lần nữa sống vất vưởng bằng mọi ngành nghề: Chạy xe ôm, bán cà rem, bán vé số, lượm phế liệu… thậm chí có người nảy sinh trộm cắp. bức tranh đen tối hầu như phủ chụp toàn xã.
 Tổng kết từ năm 1978 cho đến năm 1986, trải qua tám năm đầy gian nan, vất vả, số lượng người dân Tân Bình có nâng lên, nhưng quá nhọc nhằn vì cuộc sống. Ổn định được tình hình an ninh, trật tự địa phương nhưng lại tạo bất an mới trong lòng người. Tình hình cán bộ lãnh đạo xã cũng theo từng giai đoạn nhọc nhằn của xã mà thay đổi. Tám năm mà tới bốn đời bí thư, năm đời chủ tịch. Cán bộ xã cũng thay đổi theo từng mốc thời gian. Nếu tám năm trước đã vậy, thì tám năm sau (1986- 1994) là bước nhảy vọt diệu kì, một sức vươn Phù Đổng khi mà dòng nước kênh Tây từ hồ Dầu Tiếng chảy về Tân Bình tưới tiêu cho hơn 300 ha đất ở ấp Tân Hoà, một phần ở ấp Tân Phước với hệ thống kênh mương hoàn chỉnh. Cuộc sống của người dân trong tám năm này mới thật sự  ổn định. Từ đó số dân quyết tâm định cư, bám đất sản xuất nhiều hơn. Dòng nuớc kênh Tây mát ngọt đã đẩy năng suất cây trồng lên cao, biến vùng đất cằn khô, bạc màu thành những vùng chuyên canh đậu phộng hoặc vùng đất ba vụ với hai vụ lúa một vụ màu; nâng vòng quay của đất lên 4,8 lần. Dòng nước đã làm thay đổi giá trị của đất để con người gắn bó thân thiết với đất hơn. Nói như có phép màu, đã đẩy bật hiệu quả của khoán 100, khoán 10 lên mức cao nhất; từng bước xóa đói giảm nghèo, cuộc sống từ ổn định nâng dần lên khá giả, giàu có. Hai bờ kênh Tây cũng là hệ thống giao thông chính của xã nối liền dường 785 thông qua lộ 12. Các tuyến đường liên ấp, liên xã dược qui hoạch mở rộng, nâng cấp. Việc vận chuyển nông sản, đi lại của bà con thuận lợi hơn, bớt đi sự vất vả khi phải chuyển bằng xe đạp vòng vèo, quanh co theo đường mòn, ranh đất hoặc chậm chạp bằng các xe do trâu bò kéo. Các công trình phúc lợi tâp thể cũng lần lượt được xây dựng khang trang, bán kiên cố: Trạm xá, Trụ sở Uỷ ban nhân dân, Trường mẫu giáo. Nhất là 15 phòng học ở 4 ấp được xây dựng đồng loạt trong vòng 3 năm thay thế cho những phòng học tạm thời như là chuyện thần thoại, mà công sức tiền của đóng góp do nhân dân là chính, nguồn ngân sách nhà nước tài trợ không quá 20%. Nhà tường, nhà ngói đủ kiểu dáng cổ kim thi nhau mọc lên. Xe cub, tivi, đầu máy video, radio- cassette và các tiện nghi khác được người dân mua sắm ngày càng nhiều theo từng mùa bội thu. Mấy ai ngờ được, một vùng đất trong chiến tranh còn hoang hóa, sau giải phóng vẫn còn rừng chồi, thú rừng còn lảng vãng như heo, mễn, thỏ,.. sống lẩn khuất cùng một ít dân làm rẫy, tỉa lúa; trải qua tám năm từ khi thành lập xã, mãi đối diện với đói nghèo, an ninh luôn bị quấy rối, cuộc sống nguời dân bị một chuỗi cú những cú sốc đeo đẳng, thế mà hiện nay có 735 hộ với 5.115 nhân khẩu, cuộc sống từ ổn định đến khá giả và giàu chiếm 85%.
 Dòng nước kênh Tây phát huy tác dụng kịp thời, đúng lúc đại hội 7 của Đảng khẳng định lại chủ trương đổi mới, đưa nông nghiệp lên hàng đầu, thực sự là niềm khao khát hợp lòng dân. Đảng nhìn rõ đã đền lúc có điều kiện phát huy tiềm năng lao động dồi dào của nông dân, đồng thời thấy được công sức cống hiến của họ và nhu cầu hưởng thụ còn nhiều chênh lệch, bất hợp lý. Rồi chủ trương sửa sai, giao quyền sử dụng đất lại cho nông dân, đến Luật đất đai được ban hành, người dân như được tiếp thêm sức mạnh thể hiện qua hàng loạt biện pháp để đổi mới đất nước. Với nghị quyết 05 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân càng khẳng định thêm điều kiện phát triển, mà mục tiêu trước mắt là xoá đói giảm nghèo. Một buớc ngoặc mới quan trọng mỗi ngày mỗi mở ra cho người dân cần cù lao động chính trên mảnh đất thân thương của mình.
 Đồng thời với những chủ trương, Nghị quyết đổi mới, cán bộ địa phương đã tự mình vươn lên và trưởng thành tại chỗ, qua sự quan tâm của huyện tổ chức, đào tạo. Các anh chẳng những đã lớn lên, có trình độ chính trị vững vàng, trình độ văn hóa, năng lực lãnh đạo đủ đề đáp ứng yêu cầu đổi mới của xã, mà còn biết làm kinh tế gia đình, có cuộc sống khá ổn định, nếu không nói là khá giả như anh Phạm Văn Năm, Bí thư Đảng bộ xã lớn lên từ một cán bộ thanh niên, anh  Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch xã xuất thân từ một du kích ấp, anh Đặng Hữu Nghĩa có thời gian là chủ tịch, Bí thư chi bộ, rồi Chánh văn phòng Huyện uỷ trưởng thành từ một học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học… các anh đã biết nhìn lại quảng đường đã đi qua, vạch lối để tiến bước trên đường đi tới. Các anh hiểu một cách hệ thống cái mình có và cái chưa có, nhất là hiểu lòng dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của họ. Ai cũng mơ ước ăn sung mặc sướng, có nhà cao cửa rộng, có đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống gia đình. Và các anh cũng biết dân của của mình chỉ sống thuần túy bằng nông nghiệp, ngoài bản chất cần cù lao động, kinh nghiệm trồng trọt truyền đời  đã lạc hậu so với bước phát triển của khoa học kĩ thuật với mảnh đất thân thương, không có gì hơn nữa. Nên các anh biết xác định từng vùng chuyên canh, phát huy chương trình khuyến nông, tận dụng tiềm năng dòng nước kênh Tây, hỗ trợ nguồn vốn để có những ruộng đậu đông xuân, trái từng chùm nần nẫn, hạt mẫy tròn với năng suất đạt 3,5 tấn/ha. Lúa hè thu, lúa mùa chín vàng trĩu hạt, oằn bông từ 3 -4 tấn/ha và nhất là hơn ba trăm hecta vườn tạp biến thành vườn mãng cầu thu hoạch hai vụ trong năm, đạt mức thu nhập hơn 50 triệu/ha.
Tên xã Tân Bình là tên mới đặt lại sau kỳ họp Hội đồng nhân dân đầu tiên. Tên xã trước đây là Suối Vàng, tên của dòng suối phát nguồn từ núi Bà Đen, len lỏi theo ngách đá, trượt xuống chân núi, xé đất trườn mình qua xã Ninh Sơn, băng qua đường 785 tạo thành ranh giới tự nhiên chia đôi với xã Thạnh Tân, rồi tách ra chảy xuyên qua xã, trôi tuột về ấp Tân Hoà. Gần cuối nguồn, lòng suối cạn dần do phù sa, cát bồi nên được gọi là suối Vàng Cạn. Dòng suối với truyền thuyết có mỏ vàng lộ thiên, bởi lẽ đáy suối lấp lánh mạt vàng, lẫn vào cát màu hồng nhạt, theo dòng nước trôi về xuôi, mang theo bao niềm uớc mơ hi vọng. Niềm tin đó đã thúc đẩy người dân cật lực lao động để làm giàu. Ngày nay, niềm tin đó không còn là một uớc mơ hão huyền, nó đang dần biến thành hiện thực.
Tôi đi dọc theo suối Vàng Cạn cùng với anh Bùi Công Thành Trưởng ấp Tân Hoà. Bà con đã nói thế này đang khi thu hoạch lúa mùa:
– Chưa bao giờ chúng tôi phấn khởi như hiện nay. Có vất vả nhưng vui. Nhớ lại thời tập đoàn sao mà đói khổ… 
Niềm hồ hỡi tin yêu ấy như nguồn nước mát của dòng kênh Tây chảy vào lòng tôi. Tôi hiểu, bởi vì tôi cũng đã cùng bà con chấp nhận sự nghiệt ngã của hơn 10 năm trước.
Tôi hỏi anh Thành:
– Xã vận động bà con bỏ cây mì, cây mía dễ làm, không tốn nhiều công sức chăm bón thành vùng chuyên canh đậu phộng, đòi hỏi nhiều phân bón, trình độ khoa học kĩ thuật… bằng cách nào ? Có giống như lần trước không?
Anh Thành cười đáp:
– Chúng tôi chỉ khơi dậy lòng ước muốn làm giàu của bà con thôi anh ạ. Bà con thông, thấy hiệu quả tự nhiên chuyển đổi cây trồng. Vả lại bà con cũng có kinh nghiệm sau thất bại lần trước.
Anh Phạm Văn Năm – Bí thư Đảng bộ xã, anh Nguyễn Văn Trung – phó bí thư, anh Nguyễn Hữu Quảng Chủ tịch UBND nghe tôi về thăm xã đã vội vàng xuống ấp đón. Nhìn các trụ điện cao thế chạy dọc bờ kênh Tây, tôi hỏi anh Năm:
– Mạng lưới điện quốc gia đã vào đến xã. bà con đã đủ sức hạ thế để có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất chưa?
Anh Năm không đáp, nhường lời cho anh Quảng :
– Dư sức anh ạ. Mạng lưới điện đã phủ hết cả xã rồi, kể từ năm 1990 kia. Nói thật, thấy xã còn nghèo mà đã xây dựng nhiều nên huyện thương tình cho gần 100 triệu đồng để hạ xuống trung thế và dẫn vào tận trung tâm xã. Bà con chỉ chung lưng đấu cật hạ thế thôi. Mỗi hộ khoản 700.000 đồng.
Tôi chợt nhớ đến một bộ phận dân tộc Tà Mun đã cùng chúng tôi đồng cam cộng khổ từ ngày thành lập xã. Tôi hỏi  anh Quảng:
– Còn cuộc sống của bà con người dân tộc Tà-mun?
Anh Quảng đáp với giọng thật vui:
– Đã khá hơn nhiều rồi. Hộ nào cũng có phương tiện nghe nhìn, 70% hộ đã sắm được xe máy, con em của họ đã được đến trường, không còn hộ nào nhà còn tranh lá. 
Tôi bỗng chợt nhớ nên hỏi tiếp:
– Đảng chủ trương xoá đói giảm nghèo nhưng hiện nay xã vẫn còn hộ nghèo, các anh có biện pháp gì chưa?
Các anh lặng yên không đáp mà nhìn xuống dòng kênh Tây nước đang chảy xuôi. Cuối cùng anh Năm, bí thư xã cũng nói:
– Vốn- Can thiệp cho họ vay vốn, hướng dẫn họ cách làm ăn. Tôi tin như nước dòng kênh chảy mãi cũng tới.
Bề bộn với những lo toan cho sự đi lên, giải quyết tốt hơn những vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Giải pháp nào là tối ưu? Bước đi lên của mỗi địa phương  cũng như cuộc đời của mỗi người phải trải qua nhiều thử thách. Bước vào thời kì đổi mới, thực tiễn nông thôn còn hàng loạt vấn đề, mà nổi rõ nhất là người và đất?
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập xã  có đủ mặt các anh, các chị góp phần vào quá trình xây dựng xã, trong lúc khó khăn thiếu thốn, trong giai đoạn vươn lên và phát triển. Mọi người đã họp mặt ôn lại những nỗi vui buồn, những nỗi gian lao nguy hiểm, những hy sinh vượt khó, cũng như hân hoan đón mừng thành tựu của xã qua từng bước đi, những chặng đường để có bộ mặt xã hội phát triển hôm nay. Mọi người đều có thể ngẩng cao đầu dù trong quá trình qua có người thật sự trưởng thành, có người bỏ cuộc nửa chừng, cũng có người gục ngả, bị loại trừ …với những nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó. Tất cả không ít thì nhiều đã cùng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng, vươn lên của xã.
Đã qua rồi thời kỳ gian nan, vất vả, cam chịu. Bây giờ là giai đoạn “dân biết, dân bàn, dân làm , dân kiểm tra”. Câu ngạn ngữ:” Đất lành chim đậu đang rõ nghĩa nơi đây. Hàng nghìn con nguời đã chấp nhận xa nơi phồn hoa đô hội, dời nhà chuyển cửa quyết tâm lập nghiệp nơi đây. Cây lúa, cây đậu, cây mì, cây mía, con cá, con vịt … đã cùng con người chịu thương, chịu khó nẩy mầm, đâm lộc tươi xanh.
Thực tế đã qua, là thời kỳ hạt gạo phải đổi rất nhiều mồ hôi, công sức và cả máu. Thời kỳ hiện tại cứ nhìn vào bữa cơm của từng nhà, vào nụ cười rạng rỡ, lấp lánh niềm vui của từng gương mặt … hẳn sẽ đánh giá được thành tựu sau hai mươi bảy năm xây dựng xã.
Tân Bình cách thị xã Tây Ninh không quá 20 km. với Nhà máy chế biến tinh bột mì công suất 50 tấn tinh bột/ngày và nhà máy đường Biên Hoà công suất 2.500 tấn mía cây/ngày cùng với người dân cần cù, địa thế thuận lợi, thêm sức bật mới từ công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, từ nguồn điện cao thế chạy xuyên qua xã, từ lớp cán bộ lãnh đạo trẻ, đủ năng lực, trình độ, trưởng thành từ thực tiễn khó khăn của địa phương. Tôi tin rằng Tân Bình sẽ giàu đẹp đúng nghĩa, khi cái đẹp cần nâng niu, cái xấu cần gạt bỏ. Và đứng trước vườn cây mãng cầu trĩu quả cho trái 2 vụ/năm tôi liên tưởng đến một Tân Bính công nghiệp hoá, hiện đại hoá không phải chỉ là niềm mơ ước, mà là môt thực tế trong tương lai gần , đang tới và sẽ tới.
Viết xong năm 1993
Chỉnh lại năm 2005

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét