Trước đây, tôi đã được đến Tây Ninh, Đồng Nai nhiều lần. Nhưng tâm thế tựa như người cưởi ngựa xem hoa. Chúng tôi lướt qua những nơi có cảnh đẹp, chụp vài kiểu hỉnh lưu niệm... rồi thôi.
Đến khi cùng đoàn văn nghệ sĩ tham gia
chuyến đi thực tế do Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh tổ chức với chủ đề Về nguồn,
tôi thật sự cảm nhận tình đất, tình người nơi vùng đất lưu dấu lịch sử anh hùng
một thời giữ nước một cách sâu sắc.
Chuyến xe mang mười lăm người háo hức như
mới đến đây lần đầu. Không ai chịu ngủ hay ngồi yên ngắm cảnh. Những câu chuyện
vui nổ giòn như bắp rang. Đã vậy thêm chú tài xế dễ tính, hiền lành nên ngồi
trên xe như đang đến một điểm hẹn giao lưu giữa các văn nghệ sĩ chuyên ngành của
hai vùng đất này. Điều khiến cả đoàn ấn tượng nhất là tiếng ...chuông điện thoại
liên tục của nhà thơ Vĩnh Thuyên ở Tây Ninh. Anh ấy cứ hỏi nhà thơ Hồng Băng rằng
đoàn đã đến đâu rồi. Nhớ đừng ghé quán ăn trưa ở đâu vì anh xin mời đoàn một bữa
cơm ....chay. Nghe tiếng cơm chay một người cười vui vẻ, nhớ ra hôm nay đúng là
ngày rằm. Nhưng chỉ có mấy chị phụ nữ ăn chay còn nam thì ...chưa hề. Dù vậy,
thấy nhà thơ Vĩnh Thuyên quá nhiệt tình. Anh bảo tài xế lái xe ra tận cửa vào tỉnh
Tây Ninh để đón, nên chuyện chay mặn bỗng
không nhằm nhò gì hết. Nhà thơ Vĩnh Thuyên bắt tay từng người, mời đoàn
vào ...ngôi biệt thự....bự thiệt là bự của gia đình anh. Chúng tôi kinh ngạc trước
sự giàu có, sang trọng và nghệ thuật trong kiến trúc của khuôn viên nơi nầy. Một
bên là quán ăn, một bên là quán giải khát lãng mạn, ở giữa là cái tổ ấm khá đồ
sộ, lịch sự. Tôi phải cố gắng lắm để không thốt ra thành tiếng Ồ nhà thơ Đại
gia là đây! Vui và ngưỡng mộ không phải vì vật chất anh đang sở hữu mà vì tấm
lòng hiếu khách, mến bạn văn thơ của anh. Và tôi hiểu ra đối với anh tiền chỉ
là phương tiện giúp anh thực hiện những điều về tình thần mà thôi. Chính vì vậy,
cứ gần giáp tết anh lại mang rất nhiều tấm lịch thật to đến tận nhà bạn văn thơ
để tặng như để thay anh nói rằng thời gian có trôi đi nhưng tình bạn văn chương
mãi mãi bền vững.
Khi ngồi vào bàn đã được dọn
thức ăn chay, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa về các món ăn. Nào là thịt heo
quay chay, canh chua chay, gỏi ngó sen chay, hột gà chiên chay, sườn ram gừng
chay...nhìn y chang như đồ mặn và khi nhấm nháp chúng thì còn tuyệt hơn bởi hương
vị chẳng khác đồ mặn là bao, mà còn tạo cảm giác ngon miệng nên....chủ nhà cứ
phải hối nhân viên phục vụ mang thêm. Bữa ăn thêm phần vui vẻ khi nhà thơ La Ngạc
Thuỵ ào đến như chính anh là người đi xa về nhà gặp lại người thân. Anh bắt tay
từng người rồi mời chúng tôi đi cà phê. Ngay lúc đó lại có nhà thơ Vũ Miên Thảo
trốn bệnh viện ra thăm chúng tôi, anh bảo rằng hay tin văn nghệ sĩ Trà Vinh đến
Tây Ninh, anh như ...hết bệnh, tạm biệt
bác sĩ vài giờ để tay bắt mặt mừng, anh tin rằng điều này giá trị hơn mấy viên
thuốc anh uống theo toa bác sĩ. Phụ nữ cũng không kém. Nhà thơ Huỳnh Gia cứ gọi
điện cho nhà thơ Châu Thị Cẩm Liên suốt. Chị hỏi đang ở đâu, và hẹn giờ mời mỗi người một ly nước nghĩa tình. Nhưng
do quá trưa mà đoàn đã mệt lữ nên đành hẹn lúc khác. Một nhóm ở lại cùng theo
nhà thơ Vĩnh Thuyên, La Ngạc Thuỵ, Vũ Miên Thảo sang cửa hàng giải khát kế bên
uống cà phê Y tâm sự tiếp. Một nửa lên xe về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi để
chiều giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh.
Hội văn học nghệ thuật Tây Ninh đón
chúng tôi như khách quý. Chị Phượng, Phó Chủ tịch Hội ra tận cửa, tươi cười mời
vào và hối thúc nhân viên văn phòng mời nước giải khát. Chúng tôi choáng ngợp
trước những bức tường trưng bày ảnh nghệ thuật của chuyên ngành nhiếp ảnh. Những
màu sắc rực rỡ, hài hoà và ý nghĩa của ảnh khiến chúng tôi vừa cảm phục vừa
thích thú. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Những anh bên chuyên
ngành nhiếp ảnh Trà Vinh cứ ngắm hoài ngắm mãi, tấm tắc khen ngợi. Cô Phượng
Phó chủ tịch Hội đã đại diện Hội VHNT Tây Ninh giới thiệu sơ lược về văn hoá - xã hội tỉnh Tây Ninh. Với giọng nói
cực kỳ truyền cảm, cô đưa chúng tôi đi một vòng Tây Ninh với những ưu thế địa
lý, tự hào di tích lịch sử quê nhà, những đặc sản vùng miền, những thành tựu của
Hội VHNT Tây Ninh trong năm, đồng thời cô cũng chia sẻ kinh nghiệm dẫn đến
thành công khi nhiếp ảnh gia Dương Văn Hưởng Trà Vinh yêu cầu. Sau đó, chú Trần
Dũng, Phó Chủ Tịch Hội VHNT Trà Vinh phát biểu cảm ơn sự đón tiếp ấm áp, nghĩa
tình và gửi tặng Hội VHNT Tây Ninh một số sách gọi là quà văn nghệ.
Theo lời khuyên của cô Phượng
PCT Hội VHNT Tây Ninh thì đoàn nên đi thăm Toà Thánh Tây Ninh. Một địa điểm tâm
linh nổi tiếng toàn quốc với cách kiến trúc độc đáo và tìm hiểu quá trình thành
lập Thánh Thất. Thời gian này là phù hợp nhất để vào chánh điện đồng thời có
ghi hình ảnh cũng đẹp vì ánh sáng đầy đủ. Cô còn chu đáo nhờ nhiếp ảnh gia Nguyễn
Bá Cường hướng dẫn đoàn tham quan và sau đó mời đoàn quay lại dùng bữa ăn thân
mật.
Vừa đến Toà Thánh Tây Ninh thì nhà thơ
Huỳnh Gia đã cùng nhà thơ Ngọc Tình phóng xe đến. Hai cô giang rộng hai tay ôm
mấy nàng bên Trà Vinh. Chúng tôi thật sự bồi hồi thương cảm trước chân tình của
hai bạn thơ bấy lâu chỉ biết nhau qua tác phẩm. Bây giờ nhìn nhau tận mặt, ôm
nhau mà lòng rưng rưng. Hai cô khiến chúng tôi nghĩ rất đẹp về người Tây Ninh
hiếu khách và đáng mến vô cùng. Sau khi chụp vài tấm ảnh lưu niệm, nhà thơ Huỳnh
Gia và Ngọc Tình cùng đoàn vào Thánh Thất để lễ Phật đồng thời tìm hiểu thêm về
đạo. Ấn tượng ban đầu ở nơi này là cách tiếp khách viếng Thánh Thất. Họ là người
trong đạo, mặc bộ áo dài toàn trắng, lễ phép, nhã nhặn nhắc nhở, hướng dẫn du
khách làm theo nội quy của Thánh Thất. Nhờ vậy, vẻ trang nghiêm, huyền bí luôn được
duy trì.
Khi chúng tôi quay trở lại
Hội VHNT Tây Ninh thì mấy bàn tiệc đã được dọn sẵn, chờ đợi khách cùng chủ liên
hoan. Buổi giao lưu thật tuyệt. Món ăn ngon, cách mời lịch sự của chủ nhà khiến
ai nấy đều cảm kích. Cũng là cô Phượng
xinh đẹp, lịch thiệp lên dẫn chương trình giao lưu văn nghệ. Cô hát tặng đoàn
Trà Vinh một bài. Chúng tôi thêm ngưỡng mộ bởi người đâu mà đẹp về hình thức, lẫn
tâm hồn. Lại thêm đa năng. Cô khiến cho buổi giao lưu thật sự mang màu sắc văn
nghệ khi cô mời thêm vài anh chị văn nghệ sĩ Tây Ninh lên hát tặng đoàn Trà
Vinh.Bên hội Trà Vinh cũng có cô Lệ Thuỷ cũng khiến bên Tây Ninh khen hay ơi là
hay rồi đến nhạc sĩ Bảo Sơn hát, chất giọng
trầm ấm của anh như mời gọi bạn nên cô Phượng PCT hội đã lên hát song ca, khiến
cho cuộc giao lưu thêm vui. Tiếp theo là thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiếu trình
bày một bản ca cổ. Giọng thầy em đềm như nước sông cổ chiên quê nhà nên đã gieo
vào lòng mọi người niềm cảm xúc dịu dàng.Sau đó, em gái Xuân Tuyền biểu diễn. Đặc
biệt là Xuân Tuyền ngâm bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ khiến cho không khí giao
lưu thêm chút lắng đọng, nhớ về vị cha già dân tộc VN. Trước khi chia tay, văn
nghệ sĩ hai hội cùng ra trước cổng chụp ảnh lưu niệm. Chúng tôi trở về khách sạn,
lòng vẫn còn đọng lại niềm mến thương văn nghệ Tây Ninh vô cùng và mong đợi các
bạn đến Trà Vinh để được tiếp rước nồng hậu như bạn đã đối với chúng tôi.
Như đã hẹn, sáng sớm, nhiếp ảnh gia Bá Cường
bên Hội VHNT Tây Ninh đã đưa chúng tôi đến cửa khẩu Xa Mát nằm trên quốc lộ
22B, Tân Lập, huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh.
Anh giới thiệu đây là cửa khẩu quốc tế Việt Nam - Campuchia. Và đây cũng
là niềm tự hào của tỉnh anh về giao lưu thương mại với nước bạn. Chúng tôi vây
quanh cột mốc Việt Nam 118. Đứng dưới lá cờ Tổ quốc, ngước nhìn bầu trời trong
veo màu hỗ phách mà lòng trào dâng cảm xúc rất lạ. Bên này là quê hương, bước
sang phía bên kia đã là nước láng giềng. Ranh giới mong manh giữa bạn hoặc thù
phải được hai nước cùng tôn trọng và gìn giữ theo hiệp ước. Rất mừng là đến nay
Campuchia là một nước bạn thật sự. Sau khi chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc 118, đoàn
văn nghệ sĩ đến Căn cứ Trung Ương Cục Miền Nam, mục đích chính của chuyến đi thực
tế lần này.
Chúng tôi được Ban quản lý các khu di
tích lịch sử Cách mạng mời vào NHÀ ĐÓN TIẾP, được nghe giới thiệu sơ lược về vị
trí địa lý của căn cứ, rồi vào Nhà trưng
bày khu di tích lịch sử văn hoá Quốc gia đặc biệt - căn cứ Trung ương Cục Miền
nam để xem hình ảnh, các vũ khí, những bản Nghị Quyết Xứ Uỷ lần IV, Lần V...Quyển
Bạch Thư cũ kỷ nhưng chứa đựng quyền lực vô hạn bởi nội dung cực kỳ quan trọng.
Quyển Bạch thư của văn phòng xứ uỷ Nam bộ đóng tại Sài Gòn chép bản đề cương
cách mạng miền nam của đ/c Lê Duẫn, Bí thư Xứ uỷ Nam bộ để gửi các địa phương
vào tháng 8/1956, chúng tôi quan sát những vật dụng của các vị lãnh đạo thời ấy
đơn sơ, giản dị biết chừng nào như chiếc xe đạp của Đ/c Nguyễn Văn Linh và hình
ảnh các vị trong BCH TW Cục Miền Nam. Được biết trong mười vị thành viên BCH có
đ/c PHẠM THÁI BƯỜNG là người Trà Vinh. Trong chúng tôi oà vỡ niềm tự hào rằng
quê hương Trà Vinh cũng có một người đã tham gia và trở thành đại diện cho nhân
dân Trà Vinh góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến đấu tranh giữ nước . Chúng tôi
còn được xem sa bàn diễn biến chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân
Junction City của quân Mỹ vào căn cứ Bắc Tây Ninh (Từ ngày 22/2 đến 15/4/1967).
Chúng tôi như được sống lại trận chiến đấu oanh liệt ngày nào.
Sau đó, Ban quản lý khu di tích lịch sử cử
một cô bé xinh xắn hướng dẫn và thuyết minh khi đoàn tham quan các nhà ở và làm
việc của các đồng chí trong BCH Trung ương Cục Miền nam. Đứng trước ngôi nhà lợp
lá trung quân bốn bề vách chỉ ngang lưng, ánh sáng chan hoà nhưng gió thông thống
thổi vào khiến chúng tôi nghĩ đến ban đêm gió từ rừng cây ào ạt tạt ngang chắc
sẽ lạnh vô cùng. Chú Trần Dũng, phó chủ tịch Hội VHNT TV cũng là trưởng đoàn cứ
nhìn đau đáu về chiếc bàn gỗ thô sơ, cây đèn dầu và quyển vở, rồi lại nhìn sang
chiếc giường tre mỏng mảnh, nơi mà đồng chí Phạm Thái Bường đã nằm nghỉ ngơi.
Tôi nghĩ chắc trong tim chú nhói lên niềm thương cảm, kính mến vô bờ trước cách
hy sinh mọi nhu cầu khác chỉ để chăm lo việc nước non. Tôi biết rồi đây, khi trở
về Trà Vinh chú sẽ có những bài viết về vị anh hùng dân tộc đã đem danh dự đến
cho nhân dân Trà Vinh. Quanh tôi, các anh em nghệ sĩ khác cũng thế, ánh mắt họ
nói lên tất cả, rằng họ quý trọng biết bao và yêu kính biết bao nơi này.
Tạm biệt Tây Ninh, chúng tôi lên xe đến
Đồng Nai, chuẩn bị cho cuộc giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và đến
tham quan chiến Khu Đ, mục đích chính thứ hai của đoàn.
Buổi gặp gỡ, giao lưu với Hội Văn học
nghệ thuật tỉnh Đồng Nai cũng rất đặc biệt. Sau khi Hội VHNT tỉnh Đồng Nai liên
hoan với Đoàn văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ
chức, đ/c Phó chủ tịch hội VHNT Đồng Nai mời chúng tôi cùng giao lưu văn nghệ
cho vui. Nhờ buổi giao lưu ké nầy, đoàn chúng tôi được biết mặt những nhà văn
tên tuổi mà bấy lâu ngưỡng mộ. Như nhà văn Nguyễn Trí, nhà văn Mai Thanh Nghị,
nhà văn Lưu Hoài Lương, nhà văn Hải Yến, nhà thơ Huỳnh Thuý Kiều...được nghe
các nhà văn, nhà thơ trình bày tác phẩm tâm đắc và Trưởng Đoàn chúng tôi là nhà
văn Trần Dũng cũng giới thiệu từng thành viên của đoàn, sau đó mời một số anh
chị trong đoàn trình diễn văn nghệ như cô Lệ Thuỷ với chất giọng ngọt và khoẻ,
cô đã khiến mọi người phải ngạc nhiên bởi sự truyền cảm đặc biệt, rồi đến nhạc
sĩ Bảo Sơn cũng thế, anh chứng tỏ rằng anh đúng là một nhạc sĩ Hội âm nhạc VN
ngoài sáng tác nhạc, đàn giỏi, anh còn hát cực kỳ hay. Sau đó đến tác giả Nguyễn
Văn Hiếu trình bày một bản ca cổ mùi rệu khiến cho mọi người bổng dưng im phăng
phắc để thưởng thức một loại đặc sản văn nghệ miền Tây. Chỉ tiếc là buổi giao lưu
kết thúc sớm, nếu không chúng tôi sẽ giới thiệu Xuân Tuyền hát và ngâm thơ, để
thấy rằng tài không đợi tuổi . Điều này ở Trà Vinh cũng không hiếm.
Trên đường, chúng tôi dừng chân trên cầu
nơi có đập thuỷ điện Trị An. Một công trình lợi ích quốc gia để ngắm nhìn dòng
sông Đồng Nai hiền hoà, thầm lặng hiến dâng nguồn nước cho người thành phố có điện
thắp sáng. Sau đó, chúng tôi đến Chiến khu Đ, di tích căn cứ quân sự ở miền Đông
Nam bộ của mặt trận Việt Minh và quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Đông
Dương và giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam. Chiến khu Đ nằm trong rừng Mã Đà,
thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Lối vào quanh co và hẹp. Nhưng rất mát và đẹp
bởi màu xanh ngăn ngắt của cây rừng, điểm xuyết màu sắc rực rỡ của đàn bướm chập
chờn xa xa. Tiếng lá rì rào, tiếng chim hót véo von hoà lẫn tiếng cười nói của
anh chị em văn nghệ sĩ khiến cho rừng như ấm lên, vui tươi hơn.
Người quản lý khu di tích căn cứ Chiến
Khu Đ tiếp chứng tôi rất niềm nở. Anh mời dùng trà nóng rồi hướng dẫn chúng tôi
lên đồi Bằng Lăng, đến trước đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã vì nước
vong thân. Anh giới thiệu những cây băng lăng được trồng bởi đ/c Nguyễn Minh
Triết, Bí thư thành uỷ TP HCM, đ/c Lê Hoàng Quân, UV BCH TW Đảng, đ/c Võ Văn Kiệt,
nguyên UV BCH Bộ Chính trị, đ/c Trương Mỹ Hoa, UV BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch nước
CHXHCN VN...khi các vị này viếng thăm chiến khu Đ. Chúng tôi được dịp nhìn những
tấm bia đá hình ngọn núi khắc tên lãnh đạo văn phòng Trung ương cục Miền nam thời
kỳ (1961-1962), tên các vị trong Bộ chỉ huy quân giải phóng Miền nam Trung ương
Cục miền nam tại Chiến khu Đ, di tich Sư đoàn 9 bộ binh anh hùng, Ban bảo vệ
Trung ương cục Miền Nam...đau xót nhìn những hố bom vẫn còn tồn tại, nay đã trở
thành chỗ cho cá tôm sinh sôi nảy nở. Chúng tôi ngẩn ngơ khi thấy vô số
cây mà các chiến sĩ xưa đã trồng để cải
thiện bữa ăn, như cây Gấm, cây chôm chôm, cây trường...nay chúng cao chọc trời
và gốc to hơn một vong tay ôm. Chúng tôi được viếng nghĩa trang liệt sĩ. Đứng
trước những ngôi mộ vô danh, lòng oặn đau khi nghe người quản lý khu di tích
báo cáo lý do vì sao mộ bia toàn trắng. Bởi sau những trận địch rải bom như vải
trấu, một số chiến sĩ hy sinh, thân thể không toàn vẹn. Đồng đội không nhận ra
là ai. Vì thế, ở dưới kia là nơi an nghĩ của ...một phần thi thể chiến sĩ mà
thôi. Đồng đội đành phải để ngôi mộ như những ngôi nhà không số. Tuy người thân
không nhận ra người mất nhưng các anh không hề bị quên lãng. Bởi nơi đây đâu vắng
khách đến viếng và tưởng niệm. Ai đứng trước hàng mộ không tên cũng rưng rưng nước
mắt. Các anh đã dạy cho hậu thế bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh vô điều kiện
và cao quý vô cùng.Và mỗi năm, cứ đến ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 sinh viên,
học sinh và các đoàn khách đến thắp nến tri ân.
Trên đường trở về Trà Vinh, anh chị em văn
nghệ sĩ đều mang tâm trạng bồi hồi, thương tiếc lẫn tự hào. Chúng tôi cảm ơn Hội
Văn học nghệ thuật Trà Vinh, cảm ơn trưởng đoàn Nhà văn Trần Dũng, phó Đoàn là
TKTS Xuân Tuyền đã giúp cho chúng tôi có một chuyến đi thật sự hữu ích. Qua lần
thực tế này, chúng tôi cảm nhận Đất Nước VN tươi đẹp vô cùng, người Việt Nam xưa
anh hùng bất khuất. Chúng tôi còn được giao lưu, gặp gỡ những anh chị em văn
nghệ sĩ của tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai, được bên nhau không lâu nhưng nghĩa tình
sâu đậm biết bao. Tôi thật sự yêu mến hai tỉnh bạn . Đồng thời, lòng tự hào dân
tộc càng thêm sâu đậm sau lần giáp mặt di tích lích sử Trung Ương Cục Miền Nam
và Chiến Khu Đ lừng lẫy một thời.
Trong tim tôi cũng đã thắp lên
ngọn nến tri ân và bừng bừng ngọn lửa yêu quê hương đất nước vô bờ.
Nguyễn Thị Mây
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét