Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Sách văn học Tây Ninh qua 10 năm hỗ trợ xuất bản - La Ngạc Thụy

Quyết định số: 926/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và địa phương thực sự là “cú hích” tạo bước đột phá cho hoạt động văn học nghệ thuật Tây Ninh nói chung và hoạt động xuất bản sách văn học tỉnh nhà nói riêng.
 


 
Khởi đầu là 2 đầu sách: Truyện ký và Thơ “Kỷ niệm 30 năm Giải phóng Tây Ninh” năm 2005 đã tập hợp hầu hết những tác giả và tác phẩm được sáng tác từ sau năm 1975. Đây chính là chất xúc tác tạo ra sự cộng hưởng kích thích cảm  hứng sáng tác, một không khí văn chương sôi động và thực sự khởi sắc tạo hiệu ứng cho sự nẩy mầm, cất cánh, có sức lan tỏa thúc đẩy văn nghệ sĩ sáng tạo để có những tác phẩm văn chương lần lượt ra đời.

 
Nếu như từ năm 2005 cho đến năm 2008, Hội VHNT Tây Ninh đầu tư có trọng điểm  xuất bản 7 đầu sách là những tuyển tập của nhiều tác giả, chỉ duy nhất một tập thơ  “Dòng sông và nỗi nhớ” của tác giả Vũ Miên Thảo là được in riêng. Và kể từ năm 2009, sau đại hội Văn nghệ lần thứ III mới có chủ trương thẩm định tác phẩm hỗ trợ xuất bản từng tác giả.  Cần ghi nhận, song song với sự hỗ trợ từ kinh phí hỗ trợ sáng tạo, trong khoảng thời gian này nhiều tác giả cũng đã tự đầu tư kinh phí in nhiều đầu sách, trong đó phải kể đến các tác giả Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy và Minh Phương góp phần tạo nên diện mạo văn học Tây Ninh thật đa dạng, phong phú.
Theo thống kê của Phân hội Văn học, 10 năm qua, hàng năm đều có từ 5 – 12 tác phẩm xin hỗ trợ xuất bản. Tuy nhiên chỉ có khoảng 50% tác phẩm được hỗ trợ với tổng cộng 39 tác phẩm được xuất bản (trong đó có 28 tập thơ, 11 tập văn xuôi) chưa kể rất nhiều đầu sách tác giả tự đầu tư kinh phí. Nhìn chung chất lượng chưa cao, còn quá ít tác phẩm tạo được dư luận, chưa gây được tiếng vang trên diễn đàn văn học, chưa tạo được dấu ấn, đi vào lòng bạn đọc..  Mặt khác, cho dù không khí sáng tạo và in ấn khá sôi động thì  đề tài và bút pháp vẫn  theo lối mòn quen thuộc chưa có thay đổi nhiều. Phần lớn người viết chưa có ý thức tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong sáng tác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đang có sự chuyển hướng nhất định trong một số tác phẩm đặc biệt là của tác giả Nguyễn Đức Thiện, Thạch Minh, Trần Nhã My… Còn lại chưa thât sự có thay đổi và định hình phong cách rõ nét trong đội ngũ những người sáng tác.
Đầu tiên là đội ngũ sáng tác thơ ở Tây Ninh khá đông và đã có đầu sách xuất bản: Phan Phụng Văn, Cảnh Trà, Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, Vũ Miên Thảo, Phan Kỷ Sửu, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Quốc Nam, Vũ Thiện Khái, Trần Nhã My, Minh Phương, Nguyễn Thị Kim Liên, Kha Ly Chàm, Hạ Vi Phong, Đào Thái Sơn, Nguyệt Quế, Lê Trí Viễn, Lê Hoài Tông, Lê Thị Phù Sa, Trương Thứ Bảy, Lê Văn Thật, Nguyễn Thị Xuân Khanh, Thanh Nhàn,  Ngọc Tình, Thanh Liêm, Nghiêm Khánh… Ngoài ra còn có các tác giả là người ngoài hội tự đầu tư kinh phí xuất bản: Hồ Chí Bửu, Trần Mỹ Liên… Nhìn chung lực lượng thơ đông đảo, chất lượng tác phẩm khá đồng đều nhưng chưa có hiện tượng bứt phá. Có chăng là Kha ly Chàm chọn lối thơ thiền, Nguyễn Văn Tài, Đào Thái Sơn có chú ý ngôn ngữ, hình tượng mới trong thơ và Trần Nhã My với phong cách thơ hiện đại. Có thể nói thơ Tây Ninh đã xuất bản tạo được diện rộng nhưng thiếu đỉnh cao, có đổi mới và bứt phá nhưng còn ít tác phẩm tạo được  dấu ấn đáng chú ý về mặt thi pháp. Một số tác giả cũng đang thể nghiệm cách tân, nhưng chưa định hình rõ nét …
Về mảng văn xuôi, lực lượng và số đầu sách có ít hơn so với thơ nhưng đa số đều khẳng định được mình có tác phẩm đăng tải trên diễn đàn văn nghệ cả nước. Ngoài nhà văn Nguyễn Đức Thiện (đã qua đời) được xem như sáng tác chuyên nghiệp với hơn 10 đầu sách. Các tác giả Trần Hoàng Vy, La Ngạc Thụy, Phùng Phương Quý, Đào Phạm Thùy Trang, Vũ Thiện Khái, Nguyễn Tấn Hùng, Thạch Minh, Nguyễn Khắc Luân, Phước Hội, Nguyễn Đức Nguyên, Đặng Hoàng Thái, Lê Bá, Trương Thứ Bảy… cho thấy các tác giả có sức viết khỏe, giọng văn sắc sảo, nhiều vốn sống và tiếp cận hiện thực xã hội không né tránh, đậm nét địa phương. Đặc biệt, các tác giả Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, La Ngạc Thụy, Phùng Phương Quý, Lê Bá có đầu tư sáng tác từ truyện vừa đến truyện dài phản ánh được thực tế chiến tranh cách mạng, xã hội Tây Ninh. Đây là những tác giả đầy nội lực của văn xuôi Tây Ninh. Mảng nghiên cứu – lý luận – phê bình chỉ có tác giả Trần Văn Rạng nghiên cứu về tôn giáo Cao Đài và tác giả Dương Công Đức với 2 tác phẩm nghiên cứu về Tây Ninh thật đồ sộ: “Trảng Bàng phương chí” và “Gia Bình xưa”.
Ngoài những tác phẩm được  in riêng (do Hội hỗ trợ hoặc do tự tác giả đầu tư kinh phí), Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh còn chú ý xuất bản các tuyển tập Thơ và Văn xuôi tập hợp hầu hết các tác giả đang sống và làm việc ở Tây Ninh: Tập truyện ngắn Những cây bút trẻ Tây Ninh, tập Thơ Tây Ninh kỷ niệm 30 năm giải phóng, tập Truyện ký Tây Ninh kỷ niệm 30 năm giải phóng, Văn học Tây Ninh kỷ niệm 35 năm giải phóng, Tập thơ viết về Núi Bà Đen và mới đây, trong năm 2015 đã xuất bản 2 tuyển tập 40 năm  – Thơ và Văn Tây Ninh (1975-2015). Qua những tác phẩm văn xuôi đã xuất bản, điều đáng quan tâm là chưa có tác giả nào đầu tư sáng tác dài hơi (ngoài nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã chết). Truyện ngắn và bút ký luôn là thể loại được các tác giả lựa chọn để sáng tác, mảng thiếu nhi dường như bỏ ngõ chỉ có tác giả Trần Hoàng Vy còn theo đuổi, mảng đề tài chiến tranh không có tác giả nào đủ vốn sống để thể hiện. Đây là mảng thiếu xót lớn, chúng ta đang mang nợ với lịch sử và quá khứ vì Tây Ninh là nôi cách mạng, rất phong phú về đề tài. Phải nói là văn xuôi Tây Ninh còn bó hẹp về đề tài và thể loại, sa vào đề tài vụn vặt không có sự đầu tư nghiêm túc. Các tác phẩm in thành sách là một sự tập họp lại, chưa có chủ đề rõ ràng, dễ dãi và đơn điệu. Mặc dù vậy ở thể loại này số lượng cũng chưa nhiều, mỗi năm trình làng vài ba truyện ngắn hoặc bút ký đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh và Báo Tây Ninh nên số tác giả viết nhiều rất ít và số tác phẩm được in thành sách chưa có bao nhiêu.
Một vấn đề khác rất đáng quan tâm là lực lượng sáng tác trẻ quá ít ỏi như Trần Nhã My, Trương Thứ Bảy tuổi đã ngoài 40, chỉ còn Bùi Bảo Kỳ nhưng chưa định hình, bút pháp còn hạn chế. Lực lượng trẻ kế thừa đang hụt hẩng và các tác giả chủ lực hầu hết đã cao tuổi khó bứt phá mạnh mẽ. Trong lúc người đọc đang chờ những tác phẩm hay hơn, mới lạ hơn và thể hiện được hiện thực xã hội cũng như trăn trở của cuộc sống. Đặc biệt là những tác phẩm mang tính đặc trưng Tây Ninh.
Trên đây chỉ là một số cảm nhận cá nhân, chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức, nhưng là một thực tế đáng quan tâm. Rất cần những nhà quản lý văn học nghệ thuật phân tích đầy đủ và khách quan hơn để có biện pháp thúc đẩy nền văn học Tây Ninh theo kịp sự phát triển chung.
 La Ngạc Thụy

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét