Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Mười năm dự án văn học cho thiếu nhi



Mười năm trước, trong một cuộc trao đổi thuộc chương trình Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam, các nhà văn, nhà làm sách bỗng nảy ra ý tưởng xây dựng một dự án văn học cho thiếu nhi gắn kết ưu điểm của hai nền văn học. Với Việt Nam, đó là một kho tàng truyện thần thoại và các bài hát phong phú. Đây là những nhân tố góp phần thúc đẩy văn học viết phát triển. Lứa tuổi nhi đồng ngày càng tỏ ra quan tâm và yêu thích văn học, trong khi sách nước ngoài và phim hoạt hình đang ngày càng trở lên thịnh hành.

 

Về phía Đan Mạch, đây là đất nước có nền sáng tác thiếu nhi rất phát triển, từng đóng vai trò là một trong những cái nôi của văn học thiếu nhi thời hậu chiến. Kết hợp ưu điểm của Việt Nam với kinh nghiệm của phía Đan Mạch, “Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch” đã ra đời với kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển văn học thiếu nhi tại Việt Nam, củng cố năng lực cho nhà văn và họa sĩ truyện tranh cũng như tăng cường việc sử dụng sách dành cho thiếu nhi trong giáo dục nhà trường và trong gia đình. Dự án được triển khai dựa trên sự hợp tác giữa Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng.

Trải qua 10 năm, dự án đã tổ chức được 8 cuộc vận động sáng tác với hơn 4.000 tác phẩm tham gia. 104 tác phẩm trong số đó gồm cả truyện chữ và truyện tranh đã được chọn để xuất bản thành sách. Dự án cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về sáng tác cho thiếu nhi, mời các nhà văn Đan Mạch đến để trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác, đặc biệt là truyện tranh. Ngoài ra, một hoạt động của dự án là chương trình “Chuyến tàu kể chuyện” đã tổ chức gần 50 sự kiện, đưa các tác phẩm, tác giả đến giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước, trao tặng hơn 43.000 bản sách, thành lập 16 câu lạc bộ bạn đọc thiếu nhi trên cả nước.

Dự án đã chính thức khép lại nhưng điều đáng nói là không chỉ có những con số, dự án còn ảnh hưởng tích cực đến phong trào sáng tác trong nước. Như với chủ đề sáng tác “Một ngày kỳ lạ” (2007-2008); “Bước qua hai thế giới” (2008-2009) đã là cuộc thử nhiệm lối sáng tác mang hơi hướng huyền ảnh vốn rất phổ biến ở nước ngoài nhưng lạ lẫm trong nước. Thời điểm hai đề tài này được phát động là lúc kiểu sáng tác truyền thống xoay quanh gia đình, trường học… vẫn đang thịnh hành và chiếm ưu thế tuyệt đối trong dòng sáng tác cho thiếu nhi. Có lẽ chính vì thế, hai đề tài trên đã không mấy thành công khi đó. Tuy nhiên, chính nhờ các cuộc phát động này đã góp phần không nhỏ kích thích trào lưu sáng tác huyền ảo trong nước sau đó để vài năm sau, đã xuất hiện cả một loạt các tác phẩm huyền ảo do những cây bút trẻ sáng tác.

Gần 10 năm, trải qua các cuộc thử nghiệm với những đề tài, những phong cách sáng tác, thể hiện tranh (truyện tranh) theo các trường phái từ cổ điển đến hiện đại, trải qua rất nhiều thất bại, dần dần các cây bút trong nước đã tìm được lối đi riêng cho mình. Năm 2015  là năm diễn ra những thay đổi mạnh mẽ trong sáng tác cho thiếu nhi, thiếu niên, đặc biệt ở lĩnh vực truyện tranh và năm 2016 dự kiến sẽ là năm dòng sáng tác thiếu nhi này trỗi dậy.

Khởi sắc này có một phần công lao không nhỏ từ dự án trên dù có thể không trực tiếp nhưng cũng mang đến những bài học bổ ích cho các tác giả trẻ hiện nay. Như nhận xét của nhà văn Lê Phương Liên, một trong những cây bút xuất sắc có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi đương đại và là người có nhiều năm theo sát dự án: “Sự sáng tạo đổi mới không phải là sự bắt chước rập khuôn chạy theo các phương pháp sáng tác nước ngoài. Sự sáng tạo của người sau khi đi du ngoạn, chính là sự trở lại chính mình, ở một bước cao hơn, ở một vòng tròn rộng hơn…”
 

TƯỜNG VY

Nguồn thanhnien.online

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét