Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

HƯƠNG VỊ “MẬT NGỌT” CỦA SÔNG HƯƠNG - Vũ Hồng



                                 
  Tập thơ “ Môi ngọt “ ( Nhà Xuất bản Hội Nhà văn – 2007 ) của tác giả Sông Hương là tập thơ thứ hai, sau tập thơ  Ánh đèn phố núi ( Nhà Xuất bản Văn nghệ tp- HCM – 2005 ).
Với 38 bài thơ, tập thơ Môi ngọt như một tập nhật kí ghi lại những diễn biến về cuộc đời mà tác giả phải nếm trải. Lật từng trang thơ tôi nghe đâu đây tiếng thở dài của một người phụ nữ đang ra sức chèo lái giữa dòng đời .

Nét nổi bật của tập thơ mà người đọc đón nhận được đó là mỗi dòng thơ đều mang nặng tình người, tình quê hương, thi thoảng chị cũng có những phút xao lòng,...  Trong hồn thơ ẩn chứa nỗi lòng của một người mẹ, một người vợ.
Tác giả Sông Hương, ngoài đời là Nguyễn Thị Kim Liên, một giáo viên dạy Ngữ văn ở Trảng Bàng, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh. Hiện chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội CGC huyện Trảng Bàng.
Tập thơ “ Môi ngọt “ đăng trên trang Web của Văn nghệ Sông Cửu Long ngày 26/01/2007 đã có đến 1245 lượt người xem. Tôi thử lướt qua trang web vannghesongcuulong.org thì thấy tên Nguyễn Thị Kim Liên hiện lên, chị là một trong số 9 tác giả của Tây Ninh ( Ngữ Yên, Ngô Thị Hạnh, Lê Thị Phù Sa, Hồ Chí bảo, Đào Phạm Thuỳ Trang, Đặng Hoàng Thái, Phan Tấn Luận, Trương Gia Hoà, Vũ Miên Thảo ). Tính đến lúc này, chị là một trong số 1110 tác giả nữ của cả nước .
Tình mẹ con
          Trước hết phải nói đến chữ tình của một người mẹ trong thơ của Sông Hương. Lời thơ của chị như dõi theo bước chân của đứa con yêu dấu. Mỗi một ngày trôi qua, mỗi nụ cười, từng tiếng nói đang còn bập bẹ như rung lên trong tim của người mẹ. Tất cả nhọc nhằn, thiếu thốn như qua đi, tất cả những gì nặng nhọc của cuộc đời như dịu lại khi trong căn nhà nhỏ đang rộn rã tiếng cười thơ ngây:
Thế là Tết trong nhà không hoa
      Có bóng con tôi thấp thoáng vào ra
Và tiếng cười rúc rích khắp nhà
    Thế mà vui suốt mấy ngày đón tết.
( Ngày tết không hoa )
          Thế mà vui ... ”. Sự chấp nhận trước cuộc đời, chấp nhận những gì đang có. Vì thế mà chị hạnh phúc. Đó cũng là một quan niệm sống, một quan niệm về hạnh phúc. Nguyễn Công Trứ từng quan niệm như vậy: Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn ? (Chữ nhàn). Hạnh phúc không ở đâu xa, mà nó ở quanh ta. Tôi lại nhớ đến lời của một bài hát :” Hạnh phúc sống quanh ta, đâu là chuyện bất ngờ... ”.
          Không hoa thì đi tìm hoa. Và hình ảnh đứa con với trên tay một giỏ hoa đầy ắp đủ loại:
Một giỏ đầy hoa
Một rừng hoa theo con về nhà
Ngắt bông đỏ tặng ba
Ba luôn mạnh mẽ
Ngắt bông trắng tặng mẹ
Mẹ bao giờ cũng hiền
( Con tôi hái hoa )
          Hạnh phúc thật đơn sơ, mộc mạc như hương hoa rừng vậy. Niềm hạnh phúc đó cũng chính là sự cộng hưởng của tình mẹ con.
          Đọc đến “ Về thôi anh, Đau tim, Tiếng cuốc sớm mai, Cao nguyên, Muợn, Môi ngọt..”, ta thấy chữ tình trong thơ của chị đối với chồng rất sắc son, đằm thắm:
Cao nguyên xanh
Gió lạnh
Nếu có anh
Sẽ bừng ấm
Nồng nàn
( Cao nguyên )
          Tình vợ chồng
Cái lạnh của cao nguyên khiến người vợ nghĩ đến và cần bàn tay sưởi ấm của người bạn đời. Có anh, em sẽ được hạnh phúc, được đón nhận, được tận hưởng những giây phút ấm nồng bên nhau. Đó là hạnh phúc. Đi đâu, ở đâu, chị cũng nghĩ đến người chồng yêu đấu. Hạnh phúc với chị là khi nghĩ đến nhau, khi cần có nhau . Giản đơn mà lại sâu sắc.
          Cần có nhau để được gần nhau. Gần nhau để tặng cho nhau, chia sẻ cho nhau nào những Mặn mòi /Đắng đót/Chua chát ( Môi ngọt ) để rồi chúng hoà quyện và tạo thành những hương vị của cuộc đời. Chị ao ước rằng:
một lần thôi
tặng anh
chút ngọt
trên môi
Để anh
yêu em
 trọn đời. 
( Môi ngọt )
Nhưng khi không có anh thì...Giữa đất trời này /biết mượn gì đây / lấp đầy khoảng trống ? (Mượn ).
          Thơ của Nguyễn Thị Kim Liên chân chất, giản đơn, dễ cảm và ẩn chứa tính triết lí, triết lí về nhân sinh, bộc bạch một quan niệm sống, một cách nghĩ, một cách định danh cho mình giữa cuộc đời lắm xôn xao, bon chen và đùn đẩy.
          Và chị vẫn cứ chèo giữa dòng đời với tất cả niềm tin và ý chí của người mẹ , người vợ :
Đời cứ trôi. Tôi người giữa dòng
Chèo hay lái một mình tôi ráng sức 
( Tự bạt ).
          Gấp tập thơ, tôi như vẫn còn nghe tiếng thở dài của chị Chia cho ai một nửa  
( Chợt buồn ).


VŨ HỒNG 
( Tây Ninh )

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét