Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

ĐIỂM SÁCH:CÓ MỘT BẾN QUÊ NGỌT MẬT CUỘC TRÙNG PHÙNG! - Nguyễn Nguyên Phượng



(Đọc truyện vừa “Bến quê hương” – La Ngạc Thụy, Nxb Hội Nhà văn năm 2013)

      Tập truyện vừa “Bến quê hương”  là tác phẩm đầu tay của nhà văn La Ngạc Thụy viết theo lời kể của người trong cuộc, soạn giả Đỗ Thanh Hiền – nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tây Ninh cùng nhiều nguồn tư liệu tham khảo nhưng chủ yếu là  “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh”. Tác giả La Ngạc Thụy, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội VHNT Tây Ninh. Anh hiện là Phân hội trưởng Phân hội Văn học – Hội VHNT Tây Ninh. Theo anh trần tình, vì chưa từng kinh qua cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc nên tác phẩm chắc chắn còn thiếu sót. Được gởi bản tặng tôi đọc liền một mạch, ngẫm ngợi và có đôi điều cảm nhận khác với những dòng khiêm cung trong Lời Bạt của anh ở cuối tập truyện.



     “Bến quê hương”, quả đúng là tác phẩm đầy ắp tư liệu. Truyện kết cấu chặt chẽ gồm 9 chương và lời kết. Văn phong đậm chất Đông Nam Bộ. Bối cảnh mà tác giả dựng lại chính là giai đoạn đấu tranh cách mạng chống Mỹ diễn ra ở Tây Ninh từ năm 1961 - năm chiến thắng Tua Hai lịch sử cho đến ngày 30/4/1975 và tiếp sau là giai đoạn xây dựng đất nước. Lồng vào đó là cuộc tình đậm chất lãng mạn – chiến trường đầy gian nan, thử thách. Cuối cùng là đoàn tụ hạnh phúc vô bờ của hai chiến sĩ cách mạng. Ngân – một cán bộ tuyên huấn sau trực tiếp cầm súng chiến đấu và Lành – một nữ cán bộ hoạt động trong vùng tạm chiếm. Tư liệu ngồn ngộn, phong phú, một dạng vốn sống gián tiếp quý giá để tác giả dựa vào đó xây dựng tác phẩm. Ở chiều ngược lại, tư liệu cũng ẩn chứa nhiều điều “lợi bất cập hại”. Nó thách thức, có khi làm khó cho người cầm bút. Nhưng La Ngạc Thụy đã vượt qua và khá chắc tay chọn lọc để bạn đọc hiểu được một thời xa gian khổ - hào hùng đồng tâm, cộng lực của chiến sĩ và nhân dân đánh vào chi khu Phú Khương (chương III), đánh chiếm An Lộc Bình Long (chương VI). Qua tập truyện, bạn đọc còn biết đến những cán bộ lãnh đạo như Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, Trần Bạch Đằng, nữ tướng Nguyễn Thị Định của Đồng khởi Bến Tre; những văn nghệ sĩ kháng chiến nằm rừng gian nan đội bom đạn như nhà văn Lý Văn Sâm, Anh Đức,  Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Chí Hiếu, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Lư Nhất Vũ, nghệ sĩ Thanh Loan, Quốc Hòa…(chương V). Trong đó những trang viết (chương II) tái hiện sống động nỗi vui mừng của cán bộ - chiến sĩ khi hoàn thành “kỳ tích” xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng. “Đài Phát thanh Giải phóng do kỹ sư Tám Thắng phụ trách sắp phát sóng. Trên dốc đồi thoải thoải là dảy nhà của biên tập đài lợp lá trung quân nép bên hàng bằng lăng nở tím…ai cũng hồi hộp trong không khí chờ nghe thật tĩnh lặng, thời gian dường như chững lại, chìm đi, tất cả cùng yên lặng đến khó thở…và bầu không khí tĩnh lặng đó bỗng òa vỡ, nổ tung khi tiếng chị Xuân Việt vang lên câu đầu tiên phát ra từ đài: - Đây là đài Phát thanh Giải phóng Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…Không gian chợt lặng đi, yên ắng. Ngân đưa mắt nhìn quanh, gương mặt người nào cũng thật rạng rỡ, nhưng đôi mắt thì ngân ngấn lệ…” (Bến quê hương –  trang 26). Không kinh qua cuộc chiến theo nghĩa đen – một chiến sĩ cách cầm súng chiến đấu trong lực lượng quân giải phóng nhưng tôi cho là La Ngạc Thụy hẳn đã phải sống thật trong nguồn tư liệu máu lửa của quê hương Tây Ninh bất khuất, kiên cường (anh quê ở Thanh Điền – Tây Ninh) mới chuyển tải sát thực đến vậy. Ở một chương khác (chương VII), khi dựng lại cảnh Lành đến thuyết phục, đấu trí làm công tác địch vận với trung úy đồn trưởng Nguyễn Văn Tâm, chồng của Vân - bạn thân thời trung học của Lành - làm người đọc hồi hộp, dõi theo như được xem một khúc phim gay cấn, hấp dẫn. Lành, tay không vào đồn giặc, nắm bắt tâm lý, hoài bão thời trẻ của Tâm nhưng lực bất tòng tâm…Hiện đang khoác áo lính nhưng lòng Tâm ngổn ngang tâm sự ngán ngẫm cuộc chiến tranh phi nghĩa. Giải pháp mà Lành theo chỉ thị cấp trên là vô hiệu hóa tiền đồn – án ngữ nơi xung yếu, gây nhiều khó khăn cho phía ta – mà Tâm đang chỉ huy. Nó sẽ tồn tại như một bức bình phong cho cách mạng! (nhằm duy trì đường dây lương thực, thuốc men do chính Vân đang cung ứng cho quân giải phóng). Từ thăm dò – thuyết phục có lý, có tình đến tung đòn trí mạng, nữ cán bộ địch vận Lành dịu dàng, mưu trí đầy bản lĩnh hiện trên trang viết thật cuốn hút! (Sđd – trang 117 – 121).
       Nhưng thật sự cuốn hút bạn đọc là hai chương VIII, IX của tác phẩm. Bút lực của nhà văn như dồn hết vào đây, vào ba cuộc trùng phùng! Những trang viết này tôi cho rằng tác giả nay vào độ tuổi trên 60 (chính xác là 65 tuổi, anh sinh năm 1948) tất nhiên đã trãi qua thời khắc lịch sử huy hoàng 30/4/1975 của dân tộc – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình là đạt nhất. Nhân vật Ngân gặp lại Thân, người lính biệt kích đã từng được anh tha chết, hóa ra lại chồng của Hoa, cô bạn học cùng lớp đệ Nhị năm xưa. Những giọt nước mắt của Thân hàm ơn Ngân làm sáng lên phẩm chất chính nghĩa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Rồi dòng lệ khó ngăn trào của Tâm – trung úy đồn trưởng năm nào ôm chầm đứa con trai òa khóc nhận cha sau không ít dằn vặt (Nguyễn Thế Hòa Bình) chối từ mà ai theo đọc đến đây không khỏi rưng lòng. Nhưng đọng lại và nhiều xúc cảm nhất chính là cuộc tái hồi ngọt ngào tình yêu giữa Ngân và Lành qua mười năm ngăn trở bởi chiến tranh. Trong đó có sự trốn chạy, mặc cảm thương tật của Lành. (Lành mất một nửa cánh tay trái do trúng mìn của giặc khi bôn ba tìm Ngân ở sân bay Thiện Ngôn – Tây Ninh, điểm trao trả tù binh năm 1973. Thực ra Ngân bị thương nặng trong trận đánh vào An Lộc, được đưa về tuyến sau điều trị).
 Thơ văn của nhiều tác giả viết về vòng ôm, nụ hôn những cặp tình nhân rất riêng, lạ và cả cung bậc bạo liệt. Còn La Ngạc Thụy viết, “…Ngân dìu Lành đến bên chiếc giường tre. Anh ấn Lành ngồi xuống rồi hôn lên khắp mặt mũi của chị. Không dừng được, Lành gắn chặt môi mình vào môi anh. Nụ hôn hối hả như chưa bao giờ được hôn…”. Ngân đáp lại “… hôn tới tấp khắp cùng mặt Lành, hôn cả vào khuỷu tay cụt : - Sao anh thương nó quá. Chỗ này mà khều khều vào ngực anh thì sướng phải biết – Đồ quỷ…”. (Sđd, trang 140 - 141) Câu chữ giản dị, không trau chuốt cũng thật tràn đắm đuối. Tác giả miêu tả có dụng ý nhằm tôn vinh khối ngọc Tình Yêu của Ngân  - Lành, của bao bao đôi lứa trên quê hương đất Việt trãi qua chiến tranh tao loạn vẫn vẹn nguyên bền chặt, thủy chung. Và chúng ta cũng dễ dàng liên tưởng đến mối tình lung linh, vững bền giữa lửa đỏ, đạn rền Trường Sơn của Lãm - Nguyệt trong thiên truyện Mảnh trăng cuối rừng” từng được đánh giá là một trong những tác phẩm làm nên sự nghiệp văn chương của nhà văn tài danh Nguyễn Minh Châu.
     Khép lại tập truyện vỏn vẹn chưa đầy ba trang in (trang  163 -165) với kiểu kết thúc có hậu đan xen vị đắng. Tất hẳn sẽ có bạn đọc cho là tác giả dễ dãi. Đứa con trai không nhận lời ra nước ngoài du học với lý lẽ, “…Con không thể theo ba lúc này được, dù du học là niềm khao khát của con và đi rồi con sẽ trở về. Bởi lẽ con ra đi sẽ làm xáo trộn tất cả cuộc sống đang êm đềm hạnh phúc này…Chắc ba cũng không muốn con mang tiếng bất nghĩa tham sang, phụ khó!”. Một lý lẽ hợp tình, hợp đạo lý dân tộc. Bởi Bình được lớn lên trong tình thương yêu, nuôi dạy của Vân và vợ chồng Ngân – Lành (hiện chưa có con) suốt nhiều năm dài còn nhiều khốn khó của quê hương, đất nước sau khi hòa bình lập lại. Tâm chao đảo, chết lặng khi nghe đứa con quyết định ở lại với quê hương, với mẹ và những người mà tình thân như máu mủ ruột rà.
      Vợ con không theo cùng, đúng là Tâm đơn độc bơ vơ lên chuyến bay để đến một phương trời xa vời vợi. Tâm cũng như bao người khác vì những hoàn cảnh, lý do khác nhau bình thường hay nghiệt ngã đã phân li, vượt biển rời xa nơi chôn nhau, cắt rún, gia đình, cội nguồn. Nhưng rồi Tâm cũng có ngày sẽ trở về với mái ấm vợ con, với Tổ quốc luôn sẵn lòng dang rộng vòng tay chờ đón!
Cảm nhận như thế, có phải tôi thêm thắt vào cuối truyện chăng? Thực ra không phải vậy vì tác giả không hề dễ dãi chút nào mà rất vững tay ở phần kết. Hình ảnh điểm xuyết cuối truyện phảng phất thơ, khá gợi. “ …Tất cả đều theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Trời ngoài kia xanh rờn màu lúa đang làm đòng…”. Quê hương ta đó. Nó chảy sôi trong từng tế bào sinh thể mỗi người. Nó là tiếng gọi day dứt không thôi…Cho nên La Ngạc Thụy khép lại truyện rất chặt, rất gọn, “…Dường như, có tiếng động cơ máy bay nổ giòn đưa một người vừa tách bến quê hương. Đã là bến sợ gì thuyền không về.” (Sđd  - trang 165). Chừng ấy thôi là quá đủ. Bởi đó là bến tình, bến nghĩa dào dạt yêu thương chờ đợi người trở về…
     Truyện khép lại mà mở ra mênh mang. Đã là bến sợ gì thuyền không về.”  Mở ra niềm hy vọng, niềm vui ngọt mật cho một cuộc trùng phùng như là tất yếu với Bến quê hương.

Xuân Lộc, cuối tháng 12/2013

NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét