Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Giấc mơ - Truyện ngắn Nghiêm Khánh

bangoai
Chiếc xe Jeep lao vun vút, từ xa tít dưới con dốc gần nhà thờ công giáo lên, thấy mỗi lúc một gần. Khắc đang đứng hong nắng cho ấm vào buổi sáng cuối đông ngoài mép đường gần cái ao trước sân, vội bỏ chạy vào nhà như sợ nó đụng phải. Chiếc Jeep thắng gắp, dừng hẳn ngoài lề đường- gần nơi Khắc đứng lúc nảy. Bụi đỏ cuốn theo, bay mịt mùng trên con đường láng nhựa có từ đời Pháp, phủ đầy lên cả chiếc xe. Nền đường đã hư hỏng lâu, đá bị xới tung văng lên trên nằm rơi vãi, ngổn ngang. Bốn năm người lính rời khỏi xe, dàn hàng ngang bảo vệ cho một trung niên, tướng tá không cao lắm, mập tròn, đội chiếc bề-rê với bộ quân phục màu xanh, bên ngoài mặc chiếc áo giáp sậm màu nhà binh, chắc là chỉ huy- ông cùng tất cả đi thật nhanh vào bên trong nhà bà Hai Gôm, luôn miệng gọi giật giọng:
 
– Bà Hai Gôm đâu!…bà Hai ơi!
– Ơ..ơ…i!Ai vậy…? Có tiếng trả lời vọng lên từ sau nhà.
Người chỉ huy nhìn sang trái, hất hàm ra hiệu gì đó cho mấy người đi cùng.
Hai người lính đi bên tay trái của ông vụt chạy thật nhanh ra phía sau, rồi kè hai bên hong bà Hai Gôm dẫn lên trước nhà- quần áo bà đang ướt sũng, tay cầm chiếc gàu tưới bằng thiết…bà la ơi ới: “Tụi bay làm cái trò quái quỹ gì đây. Định ăn thịt con già nầy hả!? Chỉ còn xương với da, có thịt đâu mà ăn tươi, nuốt sống cho được- coi chừng mắc cổ chết cả đám đó”
Nhanh như chớp, ông mập bước lên phía trước, vung tay tát đúp vào mặt hai người lính, mỗi người một bạt tay liên hoàn, rồi nói thật to: “Sao lại làm thế! Ai bảo tụi mầy như vậy?” Nói xong đưa tay gạt hai người lính cận vệ sang một bên rồi ra lệnh: Tất cả đi ra ngoài trước. Ông bước lại ôm bà Hai vuốt má, nắm tay xoa xoa trông rất thân thiện và tỏ ra lo lắng, chăm sóc cho bà một cách trân trọng. Nhìn bà Hai trông dáng dấp mảnh khảnh, yếu đuối cứ ngỡ sẽ niềm nở đón nhận sự nâng niu của ông lính mập, nào ngờ bà vùng vẫy ra khỏi tay ông ấy, đẩy ra trước- dùng hết sức còm cõi xô thật mạnh, ông ta suýt ngã vì bất thình lình, nên không giữ được thăng bằng. Bà la lên… “Mầy làm gì vậy Lệnh, mới sáng sớm mầy thèm máu lắm hả. Mầy định giết tao à?”
Ông Lệnh nhỏ giọng, rót khe khẽ vào tai bà Hai: “Má ơi! Má. Má nghe con nói đã…” Cứ tưởng bị xô đẩy như thế ông Lệnh sẽ giận và đánh trả bà Hai, nào ngờ ông lại làm hiền với bà: “sắp Tết rồi con đến thăm má, nghe nói má bệnh, nào ngờ mới sớm mai má đã tay lấm chân bùn, mình mẩy ướt rượt thế nầy. Già rồi không nghỉ cho khỏe má ơi!” Người tài xế vội mang vào đưa bà một bao cát Mỹ buộc cẩn thận, nói: “Quà tặng bà đây!”. “Dạ thưa cám ơn lòng tốt của quý ông. Hãy mang về mà ăn đi, gia đình tui không biết dùng đồ của Mỹ”- Bà Hai xua tay nói mỉa.
Ông Lệnh đón món quà từ tay thuộc hạ, đặt trên chiếc bàn vuông trong nhà bà Hai, rồi nói tiếp: “Má an tâm, đây là nhu yếu phẩm của Mỹ, ngon lắm, tụi con mang làm quà xuân cho gia đình- má sử dụng cho biết”. “Tui không cần những thứ đó”- Bà Hai lớn giọng phản đối. Ông Lệnh cố nài nỉ: “Thôi mà má- đừng có giận tụi con tội nghiệp. Tụi con chỉ muốn yên bình cho gia đình má và bà con mình trong rừng trong rẫy- mới tạo điều kiện đưa cả xóm ra vùng an ninh nầy sống cho yên ổn, văn minh, má không thấy sao?- Còn thằng Xi-Lên. Con đã nói má cho nó đi làm với con đi. Con sẽ bảo đảm tính mạng cho nó, má khỏi lo chết chóc. Cứ bỏ về trong nhà cũ hoài, tụi Việt Cộng nó dụ đi làm bia đỡ đạn cho chúng, má sẽ mất con trai đó. À, mà Xi-Lên đi đâu rồi má?” Bà Hai thì luôn miệng chửi. Phải nói ông Lệnh chịu “lòn” rất giỏi- nhưng vẻ mặt của ông, không giấu được sự tức giận vương trong ánh mắt, hàng mi cùng với những nếp nhăn thấm màu sương gió, từng trải một thời của “đời” lính Cộng Hòa.
– Má trả lời con đi. Sao cứ lơ là chuyện con hỏi hoài vậy?!
– Tao đẻ mầy hồi nào mà kêu tao bằng má hoài vậy hả? Đi tìm nó mà hỏi. Chắc là theo Việt Cộng rồi- Bà Hai nói với vẻ bực bội.
– Thi…iệt…hả…má. Má nói thật à..à…à?- Ông Lệnh có vẻ hằn hộc, gằn từng tiếng.
– Tao không nói dối. Mầy về trình báo với mấy quan nhà mầy, để kiếm chút ân sủng.
– Thôi mà má. Lúc sáng con quên dặn mấy đứa, chớ có hỗn với má. Nó tự ý làm bừa má đừng giận con nha má.
– Mầy im đi, đừng giả vờ. Tao sẽ tố cáo với quốc gia bỏ tù mầy về tội hà hiếp dân lành. Dụ dân ra ấp chiến lược rồi chụp mũ- gán cho đủ thứ tội tình. Liệu hồn nhe, nó sẽ xử tụi mầy như xử con chó săn đó. Ngày tư ngày Tết sắp đến nơi, thân già tao không dám nghỉ, sáng ra phải tưới đám dưa, đám cà sau nhà để có cái ăn, mới được mấy hàng là tụi bây kéo lên phá phách, đánh đập tao.
– Má…. Con đã xin lỗi rồi. Má khó dễ với chúng con làm gì không biết nữa- ông Lệnh nhỏ nhẹ.
– Bốp- chách…Ai cha đau..đau…quá…má ơi!- ông Lệnh ôm mặt la lên vì bị bà Hai thoi cho hai cái, tát vào mặt một cái rồi la to…mày đánh tao hả Lệnh.
Hắn quay qua chỉ tay vào mặt bà Hai định nói gì đó nhưng thôi. Bà tự đánh vào mặt, càu cấu khắp mình cho tứa máu. Bà Hai đi ra phía trước sân tri hô lên:
– “Bớ bà con ơi! Thằng Lệnh nó đánh tôi…cứu tôi với. Ông Lệnh ra xe, mấy tên lính đi theo, ông gầm gừ, chửi thề không ngớt miệng rồi hét lên:
– “Đi về tụi bây. Đồ vu oan giá họa- tao không để bà nầy yên thân đâu”.
Nảy giờ Khắc trốn vào trong nhà, núp sau khe cửa bằng bồ, đứng quan sát toàn cảnh xảy ra mà lo cho bà ngoại. Không biết mấy ông “nhà binh” nầy sẽ làm gì bà- có đánh bà như hôm trước không? Nó nín lặng muốn tiêu tiểu ra quần.
Chiếc xe Jeep rú ga thật to, chạy ngược trở xuống hướng nhà thờ. Chợt nhớ đến con sóc, Khắc chạy đi tìm, ngóng trên cây dầu duy nhất trước nhà ngoại, nhìn quanh khắp nơi, miệng giả giọng sóc kêu luôn từng hồi một: ke…..ke….ke…it. Bỗng nó la lên: “ Con sóc mất rồi ngoại ơi! Nó chạy đến đống củi đã chặt nhỏ, cậu Xi-Lên của nó mới mang từ nhà cũ- tận trong Tháp ra hôm qua để cho ngoại nó nấu ăn, củi chưa khô còn đang phơi trước nhà. Nó dỡ tung cả đống bày ra khắp sân rồi khóc la thảm thiết: “ngoại ơi!..hu…hu..hu…con sóc… của con…chết rồi”.
Bà Hai từ sau nhà chạy lên hỏi: “Gì vậy cháu? Sao lại khóc sướt mướt vậy. Ủa, đống củi của bà sao tùm lum vầy nè”. Khắc chỉ vào đống củi vừa khóc vừa kể: “con.. sóc..của…con..chết..rồi..ngoại ơi!” Bà nghĩ thầm, vậy là bọn lính lúc nảy chạy dẫm lên đống củi, làm chết con sóc đang trốn dưới đó chứ gì. Thấy thương cháu ngoại quá- bà càng chửi bọn lính không ra gì.
Lúc nầy, người trong xóm đến thật đông, toàn người già. Trai tráng vào cứ cả. Họ xúm lại hỏi:“ Việc gì mà lính làng mới sáng sớm kéo lên nhà đông quá vậy chị Hai? Nó làm gì mà người chị trầy xước hết vậy? Chắc nó tìm cậu Xi-Lên…” Bà ngoại của Khắc chỉ nghe, không thể trả lời được từng người. Một lúc sau khi mọi người không còn hỏi nữa, bà Hai mới dịu giọng- chắc là đã thấm mệt: “Nó đi tìm thằng út nhà tôi, bảo cho nó đi lính dưới bót. Tôi nói thằng Xi-Lên đi Việt Cộng rồi, nó ngạc nhiên, dụ dỗ mãi, tôi thoi cho nó hai thoi vào mặt, nó bỏ về dưới rồi. Trời ơi! Nó dồn mình ra ấp chiến lược nầy rồi, mà ở cũng chưa yên với tụi nó. Tối ngày cứ hết tra người nầy, lại hỏi người kia, khổ thiệt” Rồi chị tính sao?- một người phụ nữa hỏi. “Tôi cho nó lên Tây Ninh được mấy ngày nay rồi- còn có thằng con trai thiệt khổ…”. Mọi người tản ra về.
Thằng Khắc khóc càng to lên bà dỗ mãi không nín. Sắp bị roi mây vào đít nó thì…chiếc xe Jeep lúc nảy lại chạy lên dừng trước nhà. Năm người lính đi cùng tài xế bước xuống khỏi xe, xông vào nhà ôm bà ngoại của Khắc quẳng lên xe, mặc cho bà chửi, la vang vội. Khắc khóc chạy theo bà ngoại, bọn lính đá nó ngã lăn kềnh ra đất, bất tỉnh.
Lúc sau mở mắt ra thấy nhà đông người. Nó lại khóc và ngất đi. Nó đau quá thở không nổi. Nó sợ chết, thét thật to mà chẳng ra lời. Nó lại tỉnh. Người vã mồ hôi. Đưa tay sờ trán, sờ khắp người. Thì ra ông đang mơ- Bây giờ là ông Khắc chứ không còn là thằng Khắc của xuân nào mấy mươi năm trước. Một thời chiến tranh biết bao là đau thương. Bà ngoại của ông cũng đã chết dần, chết mòn sau trận đòn chí tử do bọn lính trả thù.
– Ông ơi! Ông làm sao vậy?- Bà Khắc vừa lay vừa gọi liên tục.
– Ngoại mơ gì mà la dữ vậy ngoại?- Ốc Tiêu ăn theo bà ngoại, đến ngồi bên ông ngoại nơi giường, cất giọng thỏ thẻ.
– Ông Khắc cười buồn, kể lại đầu đuôi câu chuyện giấc mơ vừa trải qua cho bà Khắc và cháu ngoại nghe.
– Ông ngoại có đi thăm bà Hai Gôm không?- Cháu ngoại hồn nhiên hỏi.
– Cháu phải kêu bằng bà sơ mới đúng. Lúc đó, ông còn nhỏ như cháu, có biết đâu mà đi.
– Dạ. Mấy ông lính có đền con sóc cho ông ngoại không?
– Không có cháu ơi! Nó ác lắm.
– Sao mấy ông lính ác vậy ông ngoại?
– Lớn lên rồi cháu sẽ biết.
– Sao cái gì ông ngoại cũng nói lớn lên rồi cháu sẽ biết?
– Ờ…thì cháu còn nhỏ mà.
– Con sóc chết rồi sao hả ông ngoại?
– Hôm đó, ông đòi dì Tám của ông đem con sóc ra nghĩa địa chôn, đắp mộ xong ông mới im không khóc nữa.
– Rồi mấy ông lính có cho bà sơ về không ngoại?
– Chiều đó lính mới đưa bà sơ về. Bà bệnh vì bị nó đánh.
– Sao nó đánh….
– “Thôi để cho ông ngoại nghỉ chút đi cháu. Ông ngoại đang bệnh đó Ốc tiêu ơi!”- Bà Khắc ngắt lời cháu ngoại.
– Thôi cháu chuẩn bị ăn cơm đi. Hôm nào ông kể tiếp nhe.
– Dạ. Mai mốt hết bệnh, ông nhớ kể cháu nghe tiếp về bà sơ ông ngoại nhé!
– Ờ….ông nhớ mà.
11.2013
NGHIÊM KHÁNH

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét